Tạp chí Sông Hương -
Nhạc sĩ Phan Nhân… là ngôi sao mai…
14:46 | 01/07/2015

Cách đây không lâu, các nhà báo Nguyễn Tường Lộc, Nguyễn Khắc Văn, tôi và… nhạc sĩ Phan Nhân (ảnh) đã có chuyến rong ruổi về miền Tây. Đêm Long Xuyên, một cuộc hội ngộ đầm ấm vui vẻ. Anh lái xe của Báo An Giang là Ba Hòa đã xin phép nhạc sĩ Phan Nhân, hát bài Hà Nội niềm tin và hy vọng. Dân miền Tây hát… là ngôi sao mai gạng gỡ (rạng rỡ) làm anh em cười ngất… 

Nhạc sĩ Phan Nhân… là ngôi sao mai…

Chuyện vui đó nhớ mãi. Mỗi lần tôi nhắc tới nhạc sĩ Phan Nhân, Nguyễn Tường Lộc đều đứng lên hát giọng miền Tây là ngôi sao mai gạng gỡ… Nhạc sĩ Phan Nhân tỏ vẻ không thích, bởi vì anh rất khó tính trong viết ca từ, nhưng anh em vui, ông cũng vui lây. Bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng nổi tiếng… đến một tài xế xứ miệt vườn cũng thuộc, làm chúng tôi vui và nhạc sĩ Phan Nhân vui. Hôm đó, nhạc sĩ Phan Nhân hát mãi bài Như mây lang thang mới sáng tác… tới mức chúng tôi thuộc.

Tôi còn nhớ, khi xe đang đi trong nội ô thành phố Long Xuyên, bỗng nhiên ông xin dừng xe và xuống, đi xăm xăm vào hẻm nhỏ. Lát sau ông quay ra với vẻ mặt buồn. Sau này chúng tôi mới biết, ông tìm nhà cô gái... mà ông yêu thương từ thời trai trẻ trước khi đi tập kết ra miền Bắc (năm 1954). Nghệ sĩ đến thế, thật đáng quý, đáng kính trọng biết bao!
Đó là chuyến đi về quê, cũng là chuyến đi thực tế cuối cùng của nhạc sĩ Phan Nhân với chúng tôi.

 

Nhạc sĩ Phan Nhân là nhạc sĩ của Phòng Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ sở 2, tại TPHCM), cùng với các nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Trần Kiết Tường, soạn giả Trần Nam Dân, nhạc sĩ Dương Hương Bang, Lê Vũ Phú, Trung Dũng, nhà văn Lê Điệp, Lê Khánh Căn, Việt Hồng, Nguyễn Văn Đồng, nhà thơ Đỗ Nam Cao, Lưu Trọng Văn… Nhạc sĩ Phan Nhân là Bí thư Chi bộ của chúng tôi. Ông cẩn trọng, cân nhắc, ông tinh tế và lúng liếng, ông chính trực và quyết liệt.

Phòng Văn Nghệ có một đàn piano. Anh chị em đều dùng. Khi nhạc sĩ Phan Nhân có sáng tác mới, anh em đều nhường. Ông đàn và hát say sưa như không có ai. Bài hát nào nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác đều là những tác phẩm lớn. Chí ít điều ấy thể hiện trong cách ông làm, ông thể hiện.

Còn nhớ trong kháng chiến chống Mỹ, từ chiến khu, khi nghe bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng, chúng tôi đoán nhạc sĩ viết bài này phải là người Hà Nội gốc, bởi vì bài hát thể hiện chất hào hoa Hà thành, chất tự tin tự tại của “tay chơi” đất Tràng An cổ kính… Nhưng hóa ra là sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân, người con của đất An Giang, Nam bộ!
Trong gia tài lớn mà nhạc sĩ Phan Nhân để lại, chỉ nguyên bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng cũng xứng đáng ghi nhận vào sử sách âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Phan Nhân tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, sau đó hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật: Đoàn Văn công Nam bộ, Đoàn Văn công quân đội Nam bộ... Sau khi tu nghiệp tại Hungari, ông về công tác tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM cho đến khi nghỉ hưu.
Những ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Phan Nhân: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em, Cây đàn guitar của Victo Hara, Nhớ về Pắc Bó... Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều sáng tác rất hay dành cho trẻ em: Em là con gái má Út Tịch, Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác...

Theo VŨ ÂN THY - SGGP
 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng