Phim tài liệu có những đóng góp không nhỏ cho nền điện ảnh nước nhà, đặc biệt là phim kể về thời chiến. Tuy nhiên, có rất nhiều bộ phim tài liệu chân thực và sống động đã không có chỗ đứng xứng đáng của mình.
Do thị hiếu hay do không có phim hay?
Thời còn khó khăn bởi chiến tranh và kinh tế bao cấp, ngành điện ảnh đã hình thành thói quen chiếu phim tài liệu trước khi chiếu phim truyện nhựa. Điều đó làm ảnh hưởng đến thị hiếu của khán giả, dần dần tạo trong lòng đa số công chúng thói quen không xem trọng phim tài liệu.
Thực tế, trên thế giới, phim tài liệu cũng giống nước ta, chỉ có một đầu ra chủ yếu là qua sóng truyền hình. Tuy nhiên, những bộ phim tài liệu nước ngoài được “làm đến cùng” và tạo sự chú ý trong công chúng. Ở ta thì chưa làm được điều này. Đặc biệt là mỗi dịp Liên hoan phim, mỗi dịp chiếu phim theo đợt kỷ niệm… các phim tài liệu lại “bị” chiếu trước các phim truyện nhựa tạo tâm lý “bắt” khán giả xem, khiến người xem ấm ức thì cảm giác về một bộ phim có hay hay không, không còn chính xác nữa.
Gần đây, các bộ phim như Mê Kông ký sự, Hoả xa ký sự… khá hấp dẫn nhưng đều được chiếu vào các giờ không thu hút đông khán giả. Các phim tài liệu phát sóng cũng không có giờ nhất định (trừ những phim tài liệu dài tập) như phim truyện khiến khán giả thích thể loại này cũng không biết giờ nào để xem.
Đạo diễn Lê Văn Long cho biết: “Có bộ phim hay thì đêm nào cũng thức để chờ xem. Đặc biệt có trường hợp cả gia đình tôi cùng chờ xem bằng được bộ phim tài liệu của nói về chiến tranh Việt “Cuộc chiến 10.000 ngày”. Xem xong thì cảm phục họ quá, và nghĩ sao chúng ta nằm trong cuộc chiến ấy, biết và hiểu rất nhiều về cuộc chiến mà không làm được như họ?” “Nếu chúng ta làm phim hay kiểu như thế thì khán giả sẽ tự tìm đến xem chứ không bị bắt xem như hiện nay.”, ông Long nhấn mạnh.
Sau chiến tranh, đã có những bộ phim tài liệu như “Trở lại Ngư thuỷ”, “Chuyện người tử tế”, “ Rừng thức”… đi vào những đề tài nóng bỏng của cuộc sống và quan trọng là nói đến tận cùng của sự việc, vấn đề. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhu cầu thưởng thức nâng cao hơn thì không chỉ dừng lại ở việc đẩy câu chuyện đến tận cùng, cần có cách kể mới, cách thể hiện mới. Nhưng các nhà làm phim tài liệu lại không làm được điều đó, vẫn giữ cách kể chuyện cũ.
Lý giải về điều này, đạo diễn Lê Văn Long cho rằng: “Chúng ta không đẩy được tới tận cùng của vấn đề trong khi phim tài liệu nước ngoài làm được điều đó. Trước một vấn đề, chúng ta nói vòng vèo, lại có cảm giác phải nói thế thì người xem mới hiểu. Khiến nhiều phim chưa đạt được chất lượng”.
Ông Lê Hồng Chương- Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW chia sẻ: “Trước đây, chúng ta đã có nhiều những phim tài liệu thuộc hạng chất lượng cao của phim tài liệu. Nhưng hiện giờ thì ít. Phim tài liệu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thưởng thức của công chúng. Đề tài hay và cấp thiết nhưng cách thể hiện chưa thay đổi nên không hấp dẫn khán giả”.
Cần sự chuyển biến
Để phim tài liệu có đời sống riêng và xứng đáng với vị trí vốn có của nó, cần một sự chuyển biến từ mọi mặt. Bên cạnh khó khăn chung của ngành điện ảnh là kịch bản thì thể loại phim này đang cần nhiều thứ.
Ông Lê Hồng Chương cho biết: “Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW đang cố gắng mời các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là châu Âu để đào tạo anh em sáng tác của hãng. Để anh em sáng tác có điều kiện tiếp xúc với những phong cách, trường phái sáng tạo của quốc tế từ đó lựa chọn ra phong cách sáng tạo của mình. Điều lo lắng nhất là đội ngũ người làm phim trẻ hiện nay đang không đủ cả về số lượng và tài năng. Thế hệ chúng tôi là thế hệ làm phim Tài liệu thứ 4 rồi, vài năm nữa là nghỉ, nếu không có những người trẻ, tài năng theo nghề thì phim tài liệu sẽ ngày càng đuối. Buồn nhất là những người mà tôi thực sự thấy họ có thể làm được và có tài thì họ lại không muốn theo con đường làm phim tài liệu”.
Có được người tài, thế hệ trẻ kế cận để phát triển phim tài liệu, thì điều cần thiết nhất là bản lĩnh của người đạo diễn. Đạo diễn Lê Văn Long cho biết: “Vai trò của đạo diễn phim tài liệu vô cùng quan trọng. Đạo diễn phải có bản lĩnh, dám đương đầu với mọi chuyện thì mới có những bộ phim được đẩy tới tận cùng. Nếu không, chúng ta vẫn phải chấp nhận lối nói vòng vèo, vo tròn”.
Đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ: “Nhiều phim tôi làm bị ngợp và lúng túng kinh khủng. Ngợp trước đề tài, ngợp trước cách đưa vấn đề ra thì giải quyết đến đâu. Ví dụ phim Đất lạnh, nói về thời nông dân mất ruộng bởi các công trình nhà máy, sân golf… tôi muốn làm đến 3-4 tập may ra mới hết vấn đề nhưng không được, chỉ được làm 1 tập. Như thế thì làm sao mà phim làm thoả mãn khán giả được”.
Đạo diễn Lê Văn Long cho biết thêm: “Nói đến gốc rễ của vấn đề thì phải xem chúng ta đã có thầy giỏi chưa, có người học giỏi trong trường đào tạo nghề này chưa? Người giỏi thực sự thì không vào trường này, không theo nghề này, nếu không thay đổi cách đào tạo, chúng ta không bao giờ có tên trong những đạo diễn nổi tiếng thế giới cả”.
Có tên trong số những đạo diễn nổi tiếng thế giới là niềm mong mỏi của những người làm phim cũng như những người yêu điện ảnh nước nhà. Với phim tài liệu, để làm được điều này còn cần quá nhiều điều kiện và cả thời gian dài. Tuy nhiên, có một điều cần làm ngay, đó là thay đổi tâm lý trong việc xem phim tài liệu, đừng để còn tồn tại cụm từ “phim dọn bãi”.
Theo Toquoc |