Tạp chí Sông Hương -
Mỗi năm, Thừa Thiên-Huế chi từ 5 tỷ đồng hỗ trợ trùng tu nhà vườn
08:40 | 02/07/2015

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, trong giai đoạn từ nay đến 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ chi từ 5-8 tỷ đồng/năm để hỗ trợ trùng tu mỗi năm từ 3-5 nhà vườn Huế đặc trưng, tùy theo số lượng nhà vườn được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt trùng tu giai đoạn 2015-2020.

Mỗi năm, Thừa Thiên-Huế chi từ 5 tỷ đồng hỗ trợ trùng tu nhà vườn
Ảnh minh họa

Cụ thể, tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí trùng tu (do hội đồng thẩm định) tối đa không quá 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại một, không quá 500 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại hai và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại ba. Các đối tượng này còn được hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà chính tối đa không quá 30 triệu đồng/nhà vườn.

Ngoài các đối tượng nêu trên, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ vay trùng tu nhà vườn, trong thời gian không quá năm năm, với mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 500 triệu đồng/nhà vườn. Đây là quyết định mới nhất vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành về chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng giai đoạn 2015-2020.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng sẽ hỗ trợ các nhà vườn duy trì cảnh quan của vườn với mức 2 triệu đồng/năm/vườn, thời gian hỗ trợ không quá năm năm kể từ ngày tham gia chính sách. Đối với các nhà vườn có nhu cầu lập vườn tạo cảnh quan sinh thái, nâng cao giá trị nhà vườn phục vụ dịch vụ, được xem xét hỗ trợ chi phí khảo sát, thiết kế vườn tối đa không quá 5 triệu đồng/vườn; hỗ trợ tiền mua cây giống không quá 15 triệu đồng/vườn; hỗ trợ 100% lãi vay đối với phần vốn chủ nhà vườn vay các tổ chức tín dụng để đầu tư tạo lập vườn theo phương án đầu tư được duyệt (sau khi trừ tiền khảo sát, thiết kế, mua cây giống); mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 100 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá năm năm.

Về hỗ trợ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn, tỉnh hỗ trợ 100% lãi vay đối với phần vốn chủ nhà vườn vay các tổ chức tín dụng để tổ chức kinh doanh trong các nhà vườn; mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 200 triệu đồng/nhà vườn, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá năm năm. Địa phương hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/nhà vườn thông qua các cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề, kỹ năng về hướng dẫn viên du lịch phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà vườn.

Tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà vườn để xây mới nhà vệ sinh, phòng thính nhạc và trang bị phòng ngủ cho khách lưu trú tại các nhà vườn có tổ chức một trong các dịch vụ ẩm thực Huế, ca nhạc truyền thống, dịch vụ lưu trú tại nhà vườn. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ 100% tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với phần diện tích đất tối đa không quá 5.000m2 cho các nhà vườn tham gia chính sách; thời gian hỗ trợ là năm năm tính từ ngày tham gia chính sách.

Trước quyết định nêu trên, chủ nhân các nhà vườn ở Huế bày tỏ niềm vui và sự đồng tình cao với chính sách hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh, đề nghị tỉnh sớm thành lập hội đồng thẩm định và phân loại nhà vườn thuộc diện được hỗ trợ, nhất là sự phối hợp giữa chính địa phương với chủ nhân các nhà vườn trong quá trình trùng tu; phương án ký kết thỏa thuận giữa chính quyền địa phương với chủ nhà vườn; công tác quản lý nguồn vốn đầu tư cũng như các giải pháp phát huy giá trị nhà vườn Huế… để đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Bà Phạm Thị Tuý, chủ nhân ngôi nhà rường cổ của quan thượng thư bộ lễ Phạm Hữu Điển, cho biết toàn bộ ngôi nhà gồm một nhà chính 3 gian 2 chái, và một ngôi nhà ngang cũng 3 gian 2 chái, bẻ góc thước thợ với nhà chính, được nối thông nhau bằng một nhà cầu xinh xắn ở giữa khép kín với khu bếp ở nơi hậu liêu. Toàn bộ tòa nhà còn nguyên trạng, lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vòm cây xanh, hoà quyện với thiên nhiên làm nên cảnh sắc độc đáo.

Theo bà Tuý, nếu không có chính sách hỗ trợ trùng tu của Ủy ban Nhân dân tỉnh thì chỉ riêng việc đóng thuế thổ trạch cho ngôi nhà vườn rộng hàng nghìn m2 đã quá sức với bà, khi nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào ít hoa quả ở vườn đem bán, nói chi tới việc trùng tu, sửa chữa.

Theo số liệu nghiên cứu do Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học nữ Chiêu Hòa (Sowoa) Tokyo (Nhật Bản) tiến hành điều tra, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 690 ngôi nhà truyền thống (còn gọi là nhà rường). Trong đó riêng thành phố Huế còn có khoảng 330 nhà, bao gồm các loại hình phủ đệ, và nhà ở của dân, đều gắn với mảnh vườn rộng ít nhất từ 400m2 trở lên, để tạo nét đặc trưng nhà vườn Huế. 

Tuy nhiên, nhà kiến trúc truyền thống ở Huế đều làm bằng gỗ, tồn tại quá lâu, đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Nhiều khu vực nằm trong vùng dự án như phố cổ Bao Vinh, Chi Lăng, các phường ở Đại Nội Huế số lượng nhà vườn giảm hơn rất nhiều so với số liệu điều tra đã nêu ở trên.../.

Theo vietnamplus.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng