Tạp chí Sông Hương -
Xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể với đặc sản "Tôm chua Huế"
08:21 | 07/07/2015

Cùng với kẹo mè xửng, tôm chua là đặc sản truyền thống nổi tiếng của Huế. Vì thế, khách du lịch đến đây thường chọn các sản phẩm này làm quà cho bạn bè, người thân sau thời gian tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá ẩm thực Cố đô Huế.

Xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể với đặc sản "Tôm chua Huế"

Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, toàn tỉnh hiện có 120 cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy hải sản gồm nước mắm, ruốc Huế, mắm các loại; trong đó có tôm chua với sản lượng chế biến trung bình khoảng 200 tấn/năm, giá trị đạt hơn 11 tỷ đồng.

Từ miền Trung trở vào, một số địa phương cũng có tôm chua, nhưng tôm chua Huế là đặc biệt và nổi tiếng hơn cả nhờ hương vị đặc trưng, thơm ngon từ con tôm nước lợ đánh bắt từ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Không những thế, tôm chua Huế còn chế biến hết sức công phu, được sử dụng như món chấm ăn kèm với thịt ba chỉ, giá chua, vả, rau thơm...

Thế nhưng, điểm yếu của các cơ sở chế biến sản xuất tôm chua Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế là có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tập trung các địa phương làng nghề ven biển, đầm phá và một số cơ sở sản xuất ở thành phố Huế gắn với dịch vụ du lịch. Do quy mô nhỏ nên việc quảng bá thương hiệu tôm chua vẫn chưa được chú trọng, bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu tốn kém nên các cơ sở sản xuất hầu như không quan tâm.

Tình trạng này khiến cho một số sản phẩm tôm chua mang bán ra thị trường không đảm bảo chất lượng, hàm lượng tôm trong thành phẩm thấp, sản phẩm quá mặn hoặc quá chua, đặc biệt là một số cơ sở đã lạm dụng phụ gia thực phẩm như phẩm màu và chất bảo quản, vượt giới hạn cho phép…

Để bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm tôm chua Huế, từ tháng 5/2011, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép hình thành Hiệp hội Tôm chua Huế. Tuy vậy, đến nay cũng chỉ có 22 hội viên ban đầu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm chua Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được đăng ký và bảo hộ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể "Tôm chua Huế".

Một số khác chưa mấy mặn mà với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể này. Thị trường đang tồn tại cả hai loại sản phẩm, một được bảo hộ và còn lại là tôm chua có nhãn mác thông thường.

Mới đây, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện dự án khoa học công nghệ "Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tôm chua Huế." Từ đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở với các yêu cầu chặt chẽ về cảm quan, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, điều kiện bao gói bảo quản… để cung cấp sản phẩm tôm chua Huế đạt chất lượng đồng nhất, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Tôm chua Huế từng bước mở rộng thành phần để thu hút thêm hội viên, thực hiện việc gắn, dán, sử dụng nhãn hiệu tập thể "Tôm chua Huế" trên bao bì thương phẩm, tăng cường việc giám sát chất lượng, có cơ chế để các cơ sở sản xuất tự kiểm soát và giám sát chất lượng lẫn nhau.

Đồng thời, các cơ sở sản xuất cùng cam kết về chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, để bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm đặc sản, bảo vệ quyền lợi của các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm chua Huế.

Với sự đổi mới trong quản lý như hiện nay, tôm chua Huế ngày càng khắc phục được tình trạng "mạnh ai nấy làm," khẳng định được thương hiệu là sản phẩm truyền thống của vùng đất Cố đô Huế.

Theo Quốc Việt (TTXVN)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng