Tạp chí Sông Hương -
“Phù thủy” nhà rường ở xứ Huế
08:46 | 15/07/2015

Bằng tài nghệ hiếm người sánh kịp, Nghệ nhân Lê Kim Tân đã phục dựng thành công hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị. Ông Tân bảo, việc ông phục dựng nhà cổ như là nhiệm vụ của mình.

“Phù thủy” nhà rường ở xứ Huế
Nghệ nhân Lê Kim Tân là người tư vấn cho tác giả của nhiều cuốn sách viết về kiến trúc nhà cổ. Ảnh: An Sơn

Cứu hàng trăm ngôi nhà cổ

Phải sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được Nghệ nhân Lê Kim Tân bởi tháng nào ông cũng bận bịu với những chuyến đi phục dựng nhà cổ ở trong hoặc ngoài tỉnh. Tiếp chuyện tôi trong ngôi nhà rường cổ của gia đình ông ở thôn 5, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế), ông Tân bảo, nhà cổ làm ông say mê nên dù đã tuổi cao sức yếu nhưng ở đâu nhờ phục dựng nhà cổ là ông đến giúp.

Ông Tân sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo khó. Dù hiếu học và sáng dạ nhưng đến lớp 5 ông đã phải nghỉ học để đỡ đần bố mẹ nuôi 4 người em. Sau đó, ông xin gia đình cho theo một nghệ nhân giỏi trong vùng chuyên làm nhà rường truyền thống để học nghề. Chăm học và sở hữu năng khiếu đặc biệt, sau 3 năm “tầm sư học đạo”, ông đã trở thành người thợ giỏi và được thầy cho ra làm riêng.

Từng là kinh đô nên ở Huế kiến trúc nhà rường truyền thống vốn rất thịnh hành. Tuy nhiên, trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, nhà rường ở Huế ngày càng mai một. Những ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi là dinh phủ của giới quý tộc xưa hay là nhà ở của người dân ở các thôn quê biến mất ngày càng nhiều... Thực tế đó khiến ông trăn trở, bởi ông biết sự biến mất của những ngôi nhà rường cổ chính là sự mai một của nét văn hóa truyền thống. Từ đó ông tự nhủ mình phải góp sức bảo vệ những ngôi nhà cổ nhằm cứu lấy nét đẹp xưa.

“Phu thuy” nha ruong o xu Hue
Nhà vườn An Hiên nằm ở bờ bắc sông Hương, thuộc thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP.Huế.  Ảnh:   Hà Thành

Dưới bàn tay tài hoa của ông, những ngôi nhà rường cổ mục nát được phục dựng với những đường nét, hoa văn tinh xảo như ban đầu. Tên tuổi của ông lan xa nên ngày càng có nhiều chủ nhân nhà rường cổ xuống cấp cả trong và ngoài tỉnh tìm đến nhờ ông phục dựng lại ngôi nhà của mình. Đến nay, sau gần 60 năm gắn bó với nghề, ông đã phục dựng vài trăm ngôi nhà cổ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bậc thầy của kiến trúc sư giỏi

Vừa trò chuyện, ông Tân vừa đưa cho tôi xem nhiều tấm hình ông chụp chung với những kiến trúc sư trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều tấm hình được chụp trong những lần kiến trúc sư của Đại học Wasada (Nhật Bản) sang gặp ông để học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm phục dựng, trùng tu nhà cổ. Lần đầu tiên kiến trúc sư của Đại học Wasada sang gặp ông cách đây đã hơn 10 năm. Lần đó, sau khi được ông chỉ bảo tỉ mẩn các kỹ năng, 5 kiến trúc sư người Nhật nhờ ông làm 3 mô hình nhà rường cổ để đưa về nước.

Quan điểm
 
Nghệ nhân Lê Kim Tân
Việc phục dựng nhà cổ là công việc rất khó, đòi hỏi phải có kỹ năng cao và phải hết sức tâm huyết. Có như vậy mới đảm bảo được độ bền chắc cho ngôi nhà và sự hài hòa trong từng thớ gỗ. Tôi theo nghề này vì niềm đam mê giữ lại nét văn hóa xưa nên chưa bao giờ đặt nặng chuyện tiền nong. 

Lần khác, nhiều kiến trúc sư khác của Trường Wasada sang gặp ông nhờ hướng dẫn cách hạ giải và lắp ráp nhà rường cổ. Những người này mua 2 ngôi nhà rường cổ ở Huế rồi nhờ ông đến hạ giải, lắp ráp. Sau 1 tháng miệt mài, ông đã hoàn thành các công đoạn hạ giải, lắp ráp những ngôi nhà này. “Họ thấy tôi hạ giải, lắp ráp nhà cổ không sai bất cứ thao tác nào nên trầm trồ thán phục. Họ nói không thể tin được là trình độ học vấn của tôi mới chỉ ngang lớp 5”- ông nhớ lại.

Nhiều kiến trúc sư tên tuổi trong lĩnh vực trùng tu di tích ở Huế cũng như Việt Nam đã tìm đến nhà ông “ăn dầm ở dề” để nhờ ông chỉ bảo kiến thức, kỹ năng trùng tu, phục dựng. Ông cũng là người tư vấn cho tác giả của nhiều cuốn sách viết về kiến trúc nhà cổ, trong đó có các cuốn sách đáng chú ý như “Hướng dẫn tu bổ nhà ở truyền thống Huế”, “Thuật ngữ kiến trúc truyền thống nhà rường Huế”… Nhiều dự án trùng tu di tích ở Huế và một số địa phương cũng có dấu ấn của ông khi ông được mời giám sát, tư vấn, trong đó đáng chú ý là dự án trùng tu điện Đại Hùng của chùa Thiên Mụ.

Được mệnh danh là “phù thủy nhà cổ” nhưng tiền công mà ông nhận sau khi giúp trùng tu mỗi ngôi nhà cổ nhiều khi không đủ chi phí đi lại. Vì vậy, sau gần 60 năm gắn bó với nghề, gia đình ông chẳng lấy gì làm giàu có.

  Được mệnh danh là “phù thủy nhà cổ” nhưng tiền công mà ông nhận sau khi giúp trùng tu mỗi ngôi nhà cổ nhiều khi không đủ chi phí đi lại. Vì vậy, sau gần 60 năm gắn bó với nghề, gia đình ông chẳng lấy gì làm giàu có. 
Theo danviet.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng