Sáng ngày 23/7/2015, tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, GS.TS Lưu Lệ Hằng đã có buổi nói chuyện và giao lưu với sinh viên, học sinh, công chúng yêu thích khoa học, đặc biệt là là yêu thích và đam mê môn Vật lý.
Tại buổi giao lưu, GS.TS Lưu Lệ Hằng đã trình bày về quá trình khám phá ra vành đai Kuiper với 70 ngàn thiên thạch, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương Hệ. Nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra cho Giáo sư Lưu Lệ Hằng, như: sự tác động của vành đai Kuiper đến hệ Mặt trời, cách để các nhà khoa học tính ra tuổi của Trái đất, tính toán quỹ đạo và sự va chạm của các thiên thạch đối với Trái đất… Tại buổi nói chuyện, GS cũng đã có những câu trả lời thoả đáng các câu hỏi của các bạn trẻ và công chúng yêu khoa học, đồng thời cũngđã gửi thông điệp đến các bạn trẻ: Khoa học luôn đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, đam mê, cố gắng hết sức với công việc và đừng bao giờ từ bỏ.
GS.TS Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 tại Sài Gòn, và sang định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Sau khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 27 tuổi, bà đến giảng dạy tại đại học Havard rồi đại học Leiden ở Hà Lan. Khi quay lại Mỹ, bà làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT. Giáo sư hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Năm 1991, Hội Thiên văn Mỹ trao tặng bà Giải thưởng Annie J. Cannon về Thiên văn học. Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên bà đặt cho tiểu hành tinh 543 Luu. Năm 2012, bà vinh dự nhận được hai giải khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học: giải thưởng Shaw và giải thưởng Kavli.
PV