Ngày 23/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau hơn một năm phát động, từ tháng 5/2013 đến 30/6/2014, cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật đã nhận được sự tham gia của đông đảo văn nghệ sỹ cả nước với nhiều tác phẩm có giá trị, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, trong đó có nhiều tác phẩm mang tính dài hơi, đồ sộ về dung lượng cũng như nghệ thuật. Hơn 520 tác phẩm của 369 tác giả thuộc các thể loại văn học, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, múa đã gửi về tham dự. Kết quả, Hội đồng chung khảo đã chọn được 38 tác phẩm xuất sắc nhất ở các thể loại của 37 tác giả.
Đại diện Hội đồng chấm giải, giáo sư-nhạc sỹ Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết các tác phẩm đoạt giải cao đều khẳng định được tài năng, sự lao động nghệ thuật cần cù, nghiêm túc của các tác giả, nhóm tác giả, xứng đáng là những tác phẩm mang tính định hướng thẩm mỹ đúng đắn, phản ánh chân thực về Bác Hồ, về Thành phố Hồ Chí Minh và con người Thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều tác phẩm được tác giả đầu tư công phu về sức lực và trí tuệ, thời gian ở các loại hình và thủ pháp thể hiện với quy mô lớn, hoành tráng. Bên cạnh đó, một số tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo về hình tượng, ngôn ngữ thể hiện và thủ pháp nghệ thuật…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận đánh giá cao tinh thần lao động nghệ thuật của các văn nghệ sỹ, nhất là những tác giả đã có những tác phẩm thể hiện lịch sử hình thành, đấu tranh, bảo vệ và xây dựng để phát triển của thành phố. Các văn nghệ sỹ bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật đã góp phần cổ vũ, động viên quân dân thành phố bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn, các văn nghệ sỹ tiếp tục tìm hiểu, thu thập tư liệu để sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, xứng đáng là “chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” như Bác Hồ đã dạy.
Theo