Nhà văn già, từ lâu đã như một ước lệ văn chương. Của thế giới, cổ kim, đông tây. Không chỉ sáng tạo ra văn chương, họ còn thường xuyên là nhân vật của chính mình. Thuộc tuyến nhân vật dẫn dắt khơi mở ra những luận đề về tư tưởng, triết lý đời sống và nghệ thuật.
Trong hình dung, nhà văn già thường đọng lại cốt cách của bậc tiên chỉ, trưởng lão nhàn nhã, khoan thai, bặt thiệp. Nhà văn, nhất là bậc trưởng thượng, thường “hiểu mọi sự vật một cách bình tĩnh hơn và tốt bụng hơn những người khác”, như lời của cậu bé trong truyện ngắn Hạt cát của Pautovsky. Nói tóm lại là bậc đáng trọng. Thật dễ chịu khi hình dung về gương mặt về già của Goethe, Victor Hugo, Gárcia Márquez… Nền văn chương còn ở “vùng ven” thế giới như Việt Nam, nhớ được Văn Cao, Kim Lân, Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Sơn Nam, Trang Thế Hy… Như ông già Nam bộ Sơn Nam, ở tuổi 82 hằng ngày vẫn rong chơi và viết quần quật. Nhưng vẫn nói với cánh viết trẻ: “Tôi còn nhiều chuyện lắm, để về…già mới viết!”. Một gương mặt già rất đẹp của làng văn…
Nhưng thật sự, đa phần các nhà văn không thể nào có khả năng “thương lượng với thời gian”. Tuổi tác sẽ trở thành thứ khó chịu mà họ không chịu chấp nhận hòa hợp để sống chung. Họ đánh mất mình bằng đủ mọi cách vặt vãnh. Văn hào nổi tiếng hài hước người Mỹ - Mark Twain, nói đại ý: Khi trẻ tôi có thể nhớ mọi thứ dù nó có xảy ra hay không, nhưng khi già, tôi chỉ nhớ được những gì không xảy ra mà thôi. Ai bảo tuổi già không ảo tưởng, nhất là người có tý viết lách? Ảo tưởng vào văn tài không có thật của quá khứ. Và cơn say quyền lực trong hiện tại.
Điều đó còn tệ hơn tuổi già, vì đó là sự già nua trong tư tưởng. Ngay cả với những nhà văn
ít tuổi.
Ernest Hemingway tự bắn vào đầu mình, ở tuổi 72. Một cái chết đầy quyền uy, mà các nhà văn hầu như không thể tưởng tượng.
Theo Tịnh Sơn - TP