Cứ mỗi mùa đại hội, kỳ vọng bộ mặt văn học nước nhà sẽ thay đổi tích cực tăng lên nhưng rồi thất vọng bởi những mục tiêu đề ra cứ xa vời
Hoài niệm lặp lại giai đoạn đổi mới khi mà hậu đại hội nhà văn, không khí văn đàn nóng lên rừng rực với hàng loạt các vấn đề được lật lên xét lại; một loạt những khái niệm được làm rõ; vô số các cuộc thi, cuộc vận động nở rộ thu hoạch những tác phẩm hay giờ đây trở thành giấc mơ quá xa vời.
Đời sống văn học cứ mờ nhạt
Trong nhiệm kỳ mới, mục tiêu của hội nhà văn là “tập trung tài năng và tâm huyết đưa nền văn học Việt Nam lên một trình độ mới, hiện đại, cách tân mạnh mẽ về nội dung và nghệ thuật, tạo điều kiện phát triển cho các tác phẩm có sức chinh phục bạn đọc nhiều thế hệ”. Thế nhưng, hồi 5 năm trước, những mục tiêu đặt ra cũng tương tự, ban chấp hành (BCH) thì có 15 người (chứng tỏ lực lượng hùng hậu hơn) mà thực tế sau 5 năm văn chương Việt có gì đổi khác? Lấy gì làm cơ sở cho thấy lần này người đọc, công chúng có thể hy vọng?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết trước đó ở đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII (2005 -2010), ông đã từng đọc tham luận. Tới đại hội lần này, tức là cách nhau đã 10 năm nhưng tình hình đặt ra trong tham luận của ông tới bây giờ không có gì khác. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng chia sẻ: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần nào cũng vậy thôi, chủ yếu là anh em văn chương gặp nhau, xem lại nhiệm kỳ, rồi bầu bán, quy chế...”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ dự đại hội IX xong thẳng thắn nhận xét rằng đại hội dành quá nhiều thời gian cho việc bầu chọn nhân sự trong khi những vấn đề mang tính học thuật, thúc đẩy sáng tác chỉ được đưa ra một cách mờ nhạt.
Theo Hội Nhà văn Việt Nam, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, từ 2010-2015, hội viên của hội đã sáng tác được 1.127 tác phẩm. Tổng số hội viên hiện nay của hội là 1.014 nhà văn, như vậy trung bình mỗi hội viên sáng tác được khoảng 1 tác phẩm trong 5 năm. Đây thực sự là một con số ít ỏi. Đó là chưa nói đến chất lượng tác phẩm. Đời sống văn học trong những năm qua quá mờ nhạt trong khi cuộc sống đầy sôi động và biến động. Tiếng nói của nhà văn lạc lỏng trong đời sống xã hội. Thậm chí có nhận định cho rằng nhà văn đang trốn tránh trách nhiệm trước thời cuộc.
“Văn chương Việt quá lâu rồi thiếu hiện tượng, ít nổi bật, khó mang ra thế giới” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Hội để làm gì?
Trong khi những người không gây được ấn tượng thực sự về sáng tác sẵn sàng thảo đơn xin gia nhập hội, tìm cách này cách kia để xin gia nhập hội thì cũng không ít trường hợp có tác phẩm đều đặn nhưng không màng gia nhập hội hoặc gia nhập để mình có cái tên mà thôi. Vậy câu hỏi đặt ra là hội nghề nghiệp có phải là nơi mọi người để hỗ trợ nhau làm nghề khi mà các hội thảo do hội tổ chức phần nhiều chỉ mang tính hình thức, kể cả những hội thảo tầm cỡ thế giới vẫn mang lại hiệu quả quá ít. Các chuyến đi thực tế sáng tác, trại viết… từ rất lâu rồi đều là cơ hội được đem ban phát theo kiểu “cào bằng” và chủ yếu là dành cho đối tượng cao tuổi. Cũng chẳng có chuyến đi thực tế nào mà sinh ra được tác phẩm, đa phần đều đã nhắm có tác phẩm trước rồi mới kéo nhau đến trại chỉ để tụ tập giao lưu, gặp gỡ rồi thôi.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa không muốn phát biểu gì vì như ông nói “chán quá rồi, tôi chả quan tâm nữa”. “Hội Nhà văn bây giờ có quan tâm tới nhà văn hay không, tôi thấy không còn là vấn đề - nhà thơ người dân tộc Chăm Inrasara bình luận, vì theo ông, bây giờ là thế giới mở và người ta đã nghĩ khác, làm khác, viết khác và in khác.
Nhà thơ Inrasara trước đây giữ chức phó chủ tịch Hội đồng Văn học miền núi trước khi hội đồng này tan rã, cho biết trong thời kỳ tại nhiệm, ông chẳng phải làm bất cứ việc gì. Thế nên, theo dõi đại hội lần này, ông cũng chẳng hy vọng gì hơn ở các ban bệ được thành lập.
Cũng chẳng có mấy hội viên hội nhà văn thấy được hy vọng gì vào những bước đường phía trước, vận mệnh sắp tới của văn học Việt; đa số hầu như đều nghi ngờ và không vui. Nhà thơ Việt Phương không ngần ngại chia sẻ: “Tôi không cảm nhận được niềm tin hay hy vọng vào tương lai của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như sự phát triển của văn học nước nhà hiện nay”. Nhà thơ Việt Phương tâm sự rằng ông bi quan vì các thành viên được bầu trong BCH kỳ này nhiều tuổi quá...
Cái chính là chất lượng
Đại hội lần nào các đại biểu cũng vắng mặt quá nhiều. Năm nay, đại biểu đi dự đạt được 50%. Lý giải về tình trạng này, nhà văn - dịch giả Thúy Toàn nhìn nhận: “Một phần cũng bởi các nhà văn thấy những nội dung trao đổi, bàn luận không thực sự thiết thực lắm nên bỏ đi, đó là quyền của người ta”.
Trong khi câu chuyện đề cử và ứng cử thực sự trở nên quá phức tạp hoặc không được tính toán cho thật khoa học và kỹ lưỡng mà lại chiều theo ý của số đông khiến nhiều ý kiến cho là “vỡ trận”. “Gay cấn” như thế nhưng vẫn không ít trường hợp ngủ gật ngay tại đại hội vì quá buồn chán. BCH nhiệm kỳ mới chỉ có 6 người nhưng theo dịch giả Thúy Toàn, số lượng không quan trọng, cái chính là chất lượng hoạt động của BCH ra sao. Với 6 thành viên tái đắc cử, BCH nhiệm kỳ mới không nhận được nhiều niềm tin từ người trong giới lẫn những người quan tâm tới đời sống văn học về một sự thay đổi ngoạn mục cho hoạt động sáng tác, định hướng sáng tác và vai trò của hội nghề nghiệp quan trọng này trong đời sống xã hội.
Theo Hòa Bình - Người Lao Động