Tạp chí Sông Hương -
Xuất bản cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình bằng tiếng Anh
09:37 | 28/07/2015

 Cuốn Hồi ký Nguyễn Thị Bình với tựa đề “Nguyen Thi Binh – Memoir - Family, Friends and country” vừa ra ấn bản tiếng Anh và sẽ được Công ty Văn hóa Phương Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế tại Hội sách Frankfurt – Đức vào tháng 10/2015. Cuốn sách được bà Lady Borton chuyển ngữ công phu và được nhà văn Nguyên Ngọc hiệu đính. 

Xuất bản cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình bằng tiếng Anh
Bản tiếng Việt được bà viết trong khoảng thời gian từ năm 2007-2009 và xuất bản lần đầu năm 2012

Nguyễn Thị Bình là nữ chính khách nổi tiếng thế giới khi bà là trưởng phái đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự hội nghị Pari năm 1973. Và bà chính là phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định. Bà là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước từ 1992 đến 2002. Bà là cháu ngoại của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Cuốn hồi ký của bà có tựa đề: “Gia đình, bạn bè và đất nước”. Trong đó, bà đã chuyển tải những bài học bổ ích cho thế hệ sau với tư cách như một người bà, một người mẹ. Bà muốn tri ân đến đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu đem lại hòa bình độc lập cho đất nước. Đặc biệt, bà muốn tri ân đến bạn bè quốc tế đã đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của đất nước.

“Khi ở Hội nghị đàm phán tại Pháp nghe tin vùng con mình đang ở có bom đạn dữ dội mà bồn chồn không yên. Nhưng nghĩ lại, sự hy sinh của tôi không phải là cá biệt, biết bao bà mẹ Việt Nam khác thời điểm đó cũng phải chấp nhận vậy thôi. Tự mình phải giải quyết tư tưởng cho mình mới có thể chuyên tâm phục vụ đất nước!” – Trích Hồi ký Nguyễn Thị Bình.

“...Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau.

Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân”, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua...” – Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét.

Theo Văn Nghệ Quân Đội

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng