Tạp chí Sông Hương -
Triển lãm thuộc địa Pháp: Hoang phế một thời hoàng kim
14:23 | 28/07/2015

Một khu triển lãm thuộc địa nhằm ca tụng quá trình chinh phạt của thực dân Pháp, trong đó có nhiều di tích đến từ Việt Nam, hiện đang hoang phế điêu tàn.

Triển lãm thuộc địa Pháp: Hoang phế một thời hoàng kim
Tượng gà trống gáy, và tác giả đứng bên tượng đài "Vinh quang bành trướng thuộc địa"

Từ thời Napoléon đến đầu thế kỷ 20, nước Pháp nổi tiếng là một đế quốc mênh mông thuộc địa, trong đó có Đông Dương và một phần Châu Phi. Đầu thế kỷ 20, kiêu hãnh và tự hào, chính quyền  Pháp biến cả khu rừng Vincennes hoang vu rộng lớn ngay ngoại ô phía đông nam thủ đô Paris thành một khu triển lãm thuộc địa nhằm ca ngợi vinh quang chinh phục năm châu của mình.

Năm 1907, Pháp xây ở đây 6 làng tượng trưng cho 6 thuộc địa lớn của Pháp: Đông Dương, Madagascar, Maroc, Sudan, Tunisie, Congo. Triển lãm xây dựng bằng lợi tức thu được từ các thuộc địa. Một số di vật đình, miếu… thực dân Pháp đã bưng nguyên khối từ thuộc địa đem về  - giống như cột đá khổng lồ đầu gắn kim tự tháp do hoàng đế Napoléon từng mang từ Ai Cập về đặt giữa Paris tượng trưng cho chiến thắng của đội quân viễn chinh. Triển lãm thuộc địa thu hút nhiều khách du lịch. Năm 1922, Vua Khải Định đã đến thăm nơi đây.

Năm 1945, Việt Nam giành độc lập, kéo theo toàn bộ Đông Dương (Lào, Campuchia). Đau đớn mất thuộc địa rộng lớn với những đồn điền cà phê, cao su, nhân công rẻ mạt mang lại nhiều lợi nhuận béo bở, chính quyền Pháp cố níu kéo thuộc địa mà Pháp đã đổ nhiều công sức. Nước Pháp không thể nghĩ rằng dân “Annamite” (tên Pháp gọi miệt thị người Việt) bé nhỏ, nghèo, với vũ khí thô sơ có thể thắng được đội quân được trang bị hiện đại như tàu chiến, máy bay.

Trận Điện Biên Phủ thực sự là một cú đánh tan hào quang thuộc địa Pháp. Thất trận ở Đông Dương, nước Pháp phải đương đầu với chiến tranh Algérie. Năm 1962, một số nước bắc Phi giành độc lập. Thuộc địa gần như mất hết. Đội quân chiến đấu ở thuộc địa đau đớn quay về Pháp. Niềm vinh quang tột đỉnh bỗng tan biến.

Khu triển lãm thuộc địa bị lãng quên, bỏ hoang. Giờ đây nhiều công trình hiện đại đã xây dựng trên mảnh đất đó. Diện tích triển lãm cũng teo dần như thuộc địa. 

Gần đây một số tổ chức đã đứng ra bảo quản khu di tích hoang phế này, lấy tên là Vườn thực vật Nhiệt đới nằm ở khu 45 bis đường Belle - Gabrielle, 94130 Nogent sur Marnes cách Paris 10 cây số, vì trước đây khu này từng dùng để thí nghiệm giống cây trồng thuộc trường Canh Nông. Do kinh phí hạn hẹp, nên hiện nay phần triển lãm chỉ còn hơn hai chục khu hiện vật rêu bám. 

Một di tích hoang tàn của thời hoàng kim thuộc địa Pháp với vài tượng đá gãy sứt còn trụ lại được với thời gian và nhà làm theo phong cách các nước thuộc địa bỏ hoang phế.

Triển lãm thuộc địa Pháp: Hoang phế một thời hoàng kim - ảnh 1
Vua Khải Định thăm triển lãm thuộc địa năm 1922.


Ngay lối cửa chính là cánh cổng kiểu Trung Hoa và rẽ bên tay phải là di tích Đông Dương. Những tượng đá hoành tráng đã bị sứt gãy vỡ nằm rải rác. Đặc biệt, tượng Gà trống gô loa- một biểu tượng của nước Pháp đang tự hào đạp chân lên quả địa cầu, tượng trưng cho đội quân bách chiến bách thắng mang đậm màu thời gian bị lãng quên.

Ở Pháp, mỗi xã đều có con gà trống kiêu hãnh đặt trên các nóc nhà thờ. Con gà trống gáy vang báo hiệu bình minh đang rạng trên nước Pháp. Giờ chú gà trống bị bụi cát thời gian bám đen như không còn sức cất tiếng gáy.

Tượng đài với tên '?Vinh quang bành trướng thuộc điạ?» với một phụ nữ khoác lá cờ cũng bị nước chảy từ đỉnh đầu xuống, lâu ngày làm mặt nhem nhuốc. Sâu vào trong, miếu đốt vàng mã nằm gần chiếc cầu nhỏ đặt tên Bắc kỳ xây trên rạch nước, xung quanh là tre trúc che nắng. 

Ngôi đình xưa làm theo mô hình đình Nam bộ đã bị cháy, giờ được thay thế bằng ngôi đình mới sơn đỏ. Khu triển lãm này vào cổng miễn phí, nhưng do đường đi không thuận tiện, khách du lịch ít biết, nên càng hoang vắng. Thỉnh thoảng sinh viên học sinh ở gần đó đến để tránh cơn gió nóng Paris, ngồi học nhóm cho yên tĩnh.   

Tuy vậy, nước Pháp vẫn có truyền thống tôn trọng di sản. Một số người quan tâm văn hóa đã tìm cách bảo tồn trùng tu các di tích hoang phế này. Trong khu nhà Đông Dương cũ nay nhiều tổ chức thuê làm việc. Một thư viện nhỏ khoảng 100m2 kiêm chức năng bảo tàng, lưu trữ về nguồn gốc triển lãm thuộc địa cùng một số sách và áp phích.

Ông thủ thư phụ trách rất nhiệt tình vui vẻ khi thấy người Việt ghé thăm. Ông từng sống hơn bốn năm ở Quảng Ngãi để nghiên cứu cây mía. Bàn làm việc của ông xung quanh để những chậu cây nhiệt đới và một bức tượng được đội cái nón lá Việt Nam trông rất hấp dẫn. 

Ông giới thiệu một bộ sưu tập thuốc bắc mà chính ông cất công mang về từ Việt Nam cho thư viện. Ông giới thiệu dự án sắp tới sẽ  làm khu nhà kính trồng cây nhiệt đới thay khu cũ đã đổ nát. Các ngôi nhà di tích đổ nát đều được quây rào sợ nguy hiểm trong khi chờ ngân sách trùng tu.

Hơi nóng hừng hực của trời Paris 29oC gợi nhớ về xứ Đông Dương và châu Phi. Hàng tre trúc che mát gợi nhớ về những mái nhà tranh xưa ở Việt Nam xa xôi cách hàng ngàn cây số. Chiến tranh đã lùi xa. Thời hoàng kim thuộc địa đã tan. Nhiều người Pháp không muốn nhắc lại những kỷ niệm chiến tranh đau đớn và đầy mất mát. 

Nhiều người lính Pháp đã mất mạng trong trận chiến Điện Biên Phủ. Thời oanh liệt còn đâu nữa. Nước Pháp muốn quên đi. Nhưng những tấm bia đá tưởng niệm những người Đông Dương, Châu Phi đã hy sinh vì nước Pháp vẫn được lau bóng nhoáng sạch sẽ đặt nghiêm trang giữa ngôi đình Việt đỏ và đỉnh đồng. Vườn thực vật nhiệt đới cũng như tên 200 con đường ở Pháp liên quan đến Việt Nam(*) là một di tích về một thời để quên, một thời để nhớ đối với nước Pháp thuộc địa.

Nguồn: Trần Thu Dung (Paris) - TP

_______
(* ) Xem thêm "Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp" - Trần Thu Dung, NXB Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2014.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng