Tạp chí Sông Hương -
Đỗ Hồng Ngọc tiết lộ bí quyết 'Già sao cho sướng'
14:28 | 04/08/2015

Giọng văn dí dỏm của tác giả 76 tuổi mang đến cái nhìn thong dong, mới mẻ về tuổi già. Từ đó mỗi người có thể nhìn lại và mở ra trang mới cho cuộc sống.

Đỗ Hồng Ngọc tiết lộ bí quyết 'Già sao cho sướng'

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là tác giả của nhiều đầu sách chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng và nâng cao giá trị sống. Người trẻ, người già, các bà mẹ... và nhiều đối tượng độc giả có thể tìm thấy trong trang viết của ông nhiều bài học cuộc sống thú vị. Các cuốn sách của Đỗ Hồng Ngọc như: Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, Thấp thoáng lời kinh, Gió heo may đã về, Già ơi chào bạn, Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, Thiền và sức khỏe... luôn khơi mở những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống qua góc nhìn trẻ trung và trí tuệ.

Cuốn sách mới nhất - Già sao cho sướng - tiếp tục đi theo mạch chủ đề về chia sẻ kinh nghiệm sống. "Tôi nay đã 76 tuổi - tuổi ta - có lúc thấy mình cũng hơi già nhưng nhớ lại tuổi Tây thì mình mới 75, hãy còn quá trẻ. Tập sách mỏng này dành cho các bạn U80, những người đã có thể gọi nhau là 'lão hữu'. Dĩ nhiên, những bạn trẻ dưới tuổi 70 cũng có thể đọc được. Nhưng, thỉnh thoảng mà thấy có bài này bài nọ quen quen thì cũng đừng ngạc nhiên. Già nó lẩm cẩm chút vậy thôi", ông viết.

Những chia sẻ, trao đổi và kinh nghiệm để có được một tuổi già an nhiên, hạnh phúc của Đỗ Hồng Ngọc mang đến cho độc giả không ở đâu xa, mà chính từ bản thân ông, từ bạn bè, từ những gì ông quan sát, trải nghiệm. Sự sướng hay khổ của tuổi già thực chất là do thái độ sống và cách nhìn nhận của mỗi người. Và Đỗ Hồng Ngọc chọn niềm vui sướng để nói về độ tuổi như "ngọn đèn trước gió".

Và để có thể thấy "sướng", thấy hạnh phúc với tuổi tác, không gì khác hơn mỗi người phải biết chấp nhận quy luật của tạo hóa và nương theo quy luật ấy để tìm niềm vui cho cuộc sống mỗi ngày, tạo chất lượng cuộc sống cho bản thân.

Khái niệm chất lượng cuộc sống (Quality of life) là khái niệm thường được nhắc nhiều đến trong các đầu sách của Đỗ Hồng Ngọc. Đây là một khái niệm quan trọng để mỗi người nhìn lại cuộc sống của mình đang ở thang độ cảm xúc và tình trạng thế nào. Một cuộc sống chất lượng, dù ở tuổi già hay tuổi trẻ, không chỉ phụ thuộc vào số tài sản vật chất mỗi con người sở hữu mà còn được định nghĩa là: "những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ". (WHO, Tổ chức Sức khỏe Thế giới).

Qua những trang viết, phân tích, dẫn chứng và so sánh từ thực tế của Đỗ Hồng Ngọc, độc giả càng cảm nhận tuổi già không phải là sự chấm hết mà là sự khởi đầu cho hành trình mới trong cuộc đời mỗi con người. Tác giả luôn cảm nhận được sự trẻ trung, đầy nhiệt huyết với cuộc đời, công việc ngay cả ở những nhân vật "thất thập cổ lai hy" như: bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương... Ông hài hước đùa, khi nhìn vào những nhân vật này, ông thấy mình còn "quá trẻ". Trong cuốn sách Gió heo may đã về của Đỗ Hồng Ngọc, Trịnh Công Sơn từng viết: "Không có già không có trẻ. Nói với một người trẻ tôi già rồi em ạ là vô lễ".

Qua cuốn sách của mình, Đỗ Hồng Ngọc chỉ ra: "Nghiên cứu cho thấy tuổi già thường có được hạnh phúc khi: Biết từ bi với mình, chấp nhận mình, hiểu luật vô thường của cuộc sống; có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh xuân; được tự tại sắp xếp cuộc sống theo ý riêng, không bị áp đặt; duy trì tốt các mối quan hệ gia đình, bè bạn...; sức khỏe thể chất tương đối tốt thôi, không mong lúc nào cũng như xưa được; tài chánh được tự chủ; gần gũi với thiên nhiên, giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn".

Theo Thất Sơn - Vnexpress

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng