Tạp chí Sông Hương -
Về sắc phong Hàm Nghi nguyên niên tại Phú Gia
08:45 | 10/08/2015

Ngày 4/7 năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết tập hợp binh sĩ, phò vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở tỉnh Quảng Trị, thảo hịch Cần vương lần thứ nhất. Nhưng do thành Tân Sở ở vị trí không thuận tiện cho việc phòng thủ, nên vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng theo đường thượng đạo vượt đèo Quy Hợp về thành Sơn Phòng (nay thuộc xã Phú Gia - Hương Khê-Hà Tĩnh).

Về sắc phong Hàm Nghi nguyên niên tại Phú Gia
Lễ hội Hàm Nghi – Sơn Phòng (hay còn gọi lễ rước Sắc phong Vua Hàm Nghi) ở xã Phú Gia (Hương Khê)

Thành Sơn Phòng là một thành nhỏ, tục gọi Ấu Sơn thành, nằm bên tả ngạn sông Tiêm, gần chân núi Trường Sơn. Đây là vị trí rất thuận lợi, có thể xuôi về tỉnh lỵ Hà Tĩnh, có đường tắt qua Nghệ An, lại có đường xuyên rừng vào Quảng Bình, sang Lào,...

Tại đây, vua Hàm Nghi đã ban hịch Cần vương lần thứ hai, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Phía Đông thành có đền Trầm Lâm (còn gọi miếu Trăm Năm hay miếu Trầm Lâm), phía Tây nam có đền Công Đồng. Truyền rằng, đền và miếu thiêng lắm. Miếu Trầm Lâm thờ “Đức Thánh mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc thanh y anh linh diệu ngọc linh ứng thiên thần”, đã được các triều vua Lê - Nguyễn phong “Thượng Thượng đẳng tối linh thần”. Đền Công Đồng thờ hai vị phúc thần là “Đô Đô thống chế hùng thắng đại tướng quân” là vị tướng trấn ải biên cương, đánh giặc giữ yên biên thùy thời hậu Lê và vị thần thứ hai là “Đức bẩm linh thông tổng quản Ngọc Khê hầu” người họ Dương, được tôn Thành hoàng làng Phúc Ấm.

Theo truyền ngôn của dân làng Phú Gia, vào đêm 20/9 năm Ất Dậu, vua Hàm Nghi vừa chợp mắt liền được nữ thần Thanh Y báo mộng rằng, bọn bạch quỷ (chỉ quân Pháp) đang đưa quân chuẩn bị bao vây, cần phải định liệu ngay. Tỉnh dậy, vua Hàm Nghi truyền thiết triều, giao cho Tôn Thất Thuyết và các triều thần đến lễ tạ ở miếu Trầm Lâm. 5 ngày sau, vua Hàm Nghi ban sắc phong cho các vị thần thờ ở đây, kèm theo những phẩm vật quý để đáp lại công phò vua, giúp nước của nhân dân địa phương.

Trải qua thời gian và chiến tranh, miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng đã bị xuống cấp, nhưng các đồ tế khí và phẩm vật - báu vật do vua Hàm Nghi ban tặng vẫn được nhân dân địa phương bảo quản và gìn giữ chu đáo. Những hiện vật này gồm: vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng, dùng cho vua), áo mũ triều thần 8 bộ, cờ lộng tàn quạt 20 chiếc, voi 3 con, kiếm chuôn bằng gỗ chạm hình phượng sơn son, lưỡi bằng sắt 2 chiếc. Trong số các hiện vật trên, có 2 con voi bằng vàng và 1 con bằng đồng. Tượng voi bằng đồng được đúc theo tư thế đang lồng, vòi dài uốn cong quặp vào dưới tai phải, đuôi quặp sang bên mông phải, tai to áp sát vào cổ, ngà cụt. Tượng voi bằng vàng, cả hai con đều đúc theo tư thế đứng yên, vòi buông thẳng, đầu vòi hơi cong. Ngà nhọn, mắt tròn nổi rõ, một con có nịt ở cổ, trên lưng có tàn (tàn vàng hiện để rời là một vòng khâu vàng mỏng, vát mép có chạm hoa văn tinh xảo vòng quanh). Đây là những hiện vật lịch sử vô giá, có giá trị không chỉ về mặt lịch sử, văn hóa mà còn về giá trị kim ngân.



Ba con voi và đạo sắc vua Hàm Nghi ban tặng cho dân làng Phú Gia.


Trong 9 hòm sắc còn lưu giữ tại đền Công Đồng có 37 đạo sắc của các triều vua từ Minh Mạng đến Khải Định phong cho các vị thần được thờ ở miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng. Đáng chú ý, có một đạo sắc kích thước nhỏ hơn, không có trang trí hoa văn rồng như thông lệ, sắc ghi rõ: Hàm Nghi nguyên niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật (ngày 24/9/1885). Trên dòng chữ ghi niên hiệu vua không đóng đại triện hình vuông như thông lệ, mà chỉ đóng tiểu triện hình bầu dục nhỏ. Nội dung sắc phong phiên âm như sau:

“Sắc: Phương Khê huyện, Phú Gia xã, hiện tự bản thổ Thần uy Vĩ tích Anh linh Tôn thần, bảo cảnh tí dân nhẫm trứ linh ứng, hướng lai vị mông phong tặng. Tư thừa dư kinh quá trú tất, hiệu linh trợ thuận, thần lực cư đa, kinh Kinh lược đại thần Nguyễn Chánh cụ sự tấu văn, khả tấn tặng Phổ tế chi thần. Chuẩn y xã nhưng cựu phụng tự. Thần kỳ mặc tướng, tảo tiêm cuồng xú, vĩnh điện dân sinh. Khâm tai!

Hàm Nghi nguyên niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật.

Dịch nghĩa: Hoàng đế ban sắc rằng: Xã Phú Gia, huyện Phương (*) Khê, hiện nay đang thờ vị thần bản thổ là Tôn thần Thần uy Vĩ tích Anh linh. Thần bảo vệ biên cảnh, che chở con dân đã hiển rõ linh ứng, [nhưng] từ trước đến nay chưa được phong tặng. Nay khi xe vua đi qua có đóng quân tại đó mà được thần hiển linh trợ thuận, thần lực tỏ rõ. Đã nhiều lần được quan Kinh lược đại thần Nguyễn Chánh trình bày tâu lên, nên đáng phong tặng cho thần là Thần Phổ tế. Chuẩn cho xã đó vẫn phụng thờ như cũ. Thần hãy ngầm giúp đỡ, sớm diệt trừ những lũ cuồng bạo, để dân sinh mãi được yên định. Hãy kính lấy!

(Hàm Nghi năm đầu tiên (1885), ngày 24/9).

Đây là một hiện vật hết sức có giá trị trên nhiều phương diện: văn bản học, lịch sử, văn hóa... liên quan đến lịch sử thời kỳ Cần vương chống Pháp, mà thủ lĩnh tinh thần tối cao của phong trào là nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Về văn bản học, đây là sắc phong duy nhất của vua Hàm Nghi còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Nói là sắc nhưng kích thước nhỏ, không có trang trí hoa văn rồng phượng như thường thấy, lại không có dấu triện vuông lớn đóng như thông thường, mà đóng dấu hình bầu dục, vì có thể lúc này nhà vua chưa kịp khắc dấu vua của mình? Về mặt giá trị lịch sử, đây là một đạo sắc rất đặc biệt và quý hiếm, vì vua Hàm Nghi lên ngôi không bao lâu là phải xuất bôn chống giặc ngoại xâm, sau đó bị Pháp bắt đi đày sang châu Phi và mất ở đó vào năm 1943, cho nên các văn bản về triều đại vua Hàm Nghi chắc chắn còn lại không nhiều. Về mặt văn hóa, trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn ở nơi rừng núi hẻo lánh, lại phải chống chọi với quân xâm lược Pháp, nhưng nhà vua không quên truyền thống văn hóa của dân tộc, là phong sắc cho các vị thần linh ứng.

Vì thế, các hiện vật của vua Hàm Nghi ban tặng cho các vị thần ở đây, nhất là đạo sắc có niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên không chỉ có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, mà còn là những cổ vật quý hiếm, giúp chúng ta nghiên cứu sâu hơn về phong trào Cần vương chống Pháp và về vua Hàm Nghi trẻ tuổi yêu nước, đồng thời, hiểu được truyền thống văn hóa của một làng quê miền núi của huyện Hương Khê.
-----------
(*) Có lẽ nhầm, chữ Hương mới đúng

 

>>  Cuộc đời nhiều thăng trầm của vị vua yêu nước Hàm Nghi 

 

>>  Bí ẩn kho báu của vua Hàm Nghi (1): Ông vua yêu nước và chuyện "gặp Thánh mẫu"  

>>  Lăng mộ vua Hàm Nghi ở Dordogne


Nguyễn Trí Sơn

 
Theo baohatinh.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng