Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật tạo hình thời Mạc: Vẻ đẹp của hình khối
09:24 | 10/08/2015

Trong nền nghệ thuật Việt Nam, nghệ thuật thời Mạc (1527 - 1592) chiếm một vị thế rất riêng, có phong cách khác hẳn với tính nhịp điệu truyền thống của sáng tạo Việt Nam trước và sau đó.

Nghệ thuật tạo hình thời Mạc: Vẻ đẹp của hình khối
Tượng Quan âm chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Tây, Hà Nội), TK 16, điêu khắc gỗ phủ sơn. Nguồn ảnh tư liệu: sách Điêu khắc cổ VN, ảnh gốc: Phan Cẩm Thượng.
Nghệ thuật thời Mạc, cách đây gần 500 năm, nổi lên với phong cách tạo hình súc tích, có tính module, có sự đơn giản và quy về khối cơ bản, khiến người ta không khỏi ngạc nhiên về xúc cảm gần gũi với design công nghiệp hiện đại. Gọi là nghệ thuật thời Mạc, là vì những tác phẩm có niên đại thuộc về thế kỷ 16, trùng với triều đại nhà Mạc, nhưng cái phong cách nghệ thuật đó có thể xuất hiện ngay từ cuối thời Lê Sơ, thế kỷ 15, và tùy từng địa phương, phong cách đó vẫn kéo dài sang đầu thế kỷ 17, khi nhà Mạc không còn nữa. Lịch sử nghệ thuật sinh ra bởi thời đại của nó, nhưng không nhất thiết chồng khít lên thời đại đó, nó có tuyến tính lịch sử phát triển riêng, phụ thuộc vào cơ cấu nghệ thuật, có thể là phi chính trị.

Một cục diện lịch sử đặc biệt

Sau khi chiến thắng quân Minh, năm 1427, giành độc lập dân tộc, Lê Lợi xây dựng triều đại nhà Lê Sơ, lấy Nho giáo làm tư tưởng thống trị thời đại và tổ chức xã hội. Bản thân Lê Lợi cũng là một địa chủ, nên việc phát triển làng xã và quan hệ địa chủ - nông dân là đương nhiên, thay cho chế độ điền trang thái ấp với quý tộc - nông nô thời Trần (1226 - 1400). Cái làng xã này sẽ được định hình và phát triển như tế bào căn bản của xã hội Việt Nam, nhất là về mặt phong tục tập quán và sản xuất nông nghiệp vào thời Mạc.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung, người nắm gần hết quyền lực trong triều đình Lê Sơ, nhất là về quân đội, đã tiến hành đảo chính, giết vua Lê, lập ra nhà Mạc. Những quý tộc Trịnh Nguyễn, chủ yếu ban đầu từ Nguyễn Kim và người con rể của ông là Trịnh Kiểm, đã tìm con cháu vua Lê, phò tá (tượng trưng) dấy binh từ Thanh Hóa, đánh lại nhà Mạc. Nguyễn Kim bị đầu độc chết, Trịnh Kiểm nắm toàn bộ binh quyền. Sau khi bình định nhà Mạc, năm 1592, họ Trịnh thiết lập chế độ vua Lê, chúa Trịnh, trong đó vua Lê chỉ là bù nhìn, toàn bộ quyền lực xã hội nằm trong tay chúa Trịnh. Tình hình trên khiến Việt Nam trong thế kỷ 16, 17 xảy ra hai cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều, giữa nhà Mạc (Bắc triều) và vua Lê, cùng phe Trịnh Nguyễn (Nam triều), và cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, sau khi con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng xin được vào Nam trấn thủ, thoát khỏi gươm đao họ Trịnh. Mặc dù nội chiến kéo đến hai trăm năm, nhưng làng xã vẫn phát triển, và đất nước được mở rộng liên tục về phía Nam do cuộc viễn chinh và lấn chiếm của nhà Nguyễn đối với các tiểu vương quốc Champa và các sắc tộc đồng bằng Nam bộ. Người phương Tây cũng bắt đầu vào Việt Nam thăm dò từ thế kỷ 16, và buôn bán từ thế kỷ 17. Đây là một cục diện đặc biệt, cho thấy những vấn đề chính trị, xã hội cốt yếu đã hình thành trong thế kỷ 16 như thế nào.

Điểm mặt di sản

Trong suốt một thời gian dài, khoa nghiên cứu mỹ thuật truyền thống đã xác định một số di tích thời nhà Mạc theo đoán nhận phong cách và văn bia, hoặc văn tự xác nhận niên đại. Di sản này chủ yếu bao gồm: sáu ngôi đình - đình Tây Đằng, đình Tường Phiêu (?), đình Thanh Lũng (?) (vùng Sơn Tây, Hà Tây cũ); đình Lỗ Hạnh, đình Phù Lưu và Thổ Hà (Kinh Bắc cũ); hai ngôi chùa - chùa Cói (Vĩnh Phú), chùa Trà Phương (Hải Phòng); và những di tích điêu khắc Phật giáo khác cùng đồ gốm Chu Đậu.

Về niên đại, cụ thể như sau: trên đình Lỗ Hạnh (Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang) có ghi: “Đệ nhất Kinh Bắc… Sùng Khang… niên chính nguyệt” (1566 - 1577) và “Tuế thứ bình tý mạnh xuân tân tạo” (1576). Trên bức tượng bà Hoàng hậu chùa Trà Phương có đề: “Trung Nguyên Tân hợi sơ nhất nhật tạo tượng” và “Phúc Huyền chỉ phụng hành” [“Ngày 1 tháng 4 âm lịch năm Tân hợi (1551) ở Trung Nguyên tạc tượng, Phúc Huyền vâng chỉ làm”]. Bệ tượng Phật chùa Mễ Sở (Hưng Yên) ghi: “Diên Thành sơ niên” (1578). Tượng Quan âm Nam Hải chùa Phẩm (Đông Ngọ tự, Hải Dương) ghi: “Tân tạo Phật tượng, Nhất hội chủ, Tỳ khưu tự Chân Minh…(và nhiều người khác kê tên)… Diên Thành tuế thứ Nhâm ngọ ngũ niên, thập nhị nguyệt cốc nhật tạo” [“ Tỳ khưu tự Chân Minh đứng hội chủ, cùng một số tín chủ… vào ngày tốt, tháng 12 âm lịch năm Nhâm ngọ (1582) thuê người làm tượng này”].

Một số đồ gốm cũng có niên đại và tên người làm hoặc người cúng tiền. Còn hầu hết các di tích khác, được cho là sản phẩm của thời Mạc, là đoán định theo phong cách và những tương quan nghệ thuật, xã hội. Đứng về mặt khảo cổ học lịch sử nghệ thuật, điều này cần nghiên cứu thêm. Đây là một vấn đề lớn - việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam trong quá khứ rất thiếu tính khoa học, nhiều cảm tính, khi thời gian qua đi, hầu như người ta không muốn lục lại vấn đề nữa, mà cứ đương nhiên coi di tích này thuộc về thời đại này, thế kỷ kia. Rất may, riêng nghệ thuật thời Mạc, có rất nhiều chứng cứ ghi niên đại như trên. Những mảnh vụn khác cho thấy sự gần gũi về phong cách và tính chất cổ kính của di sản có thể chấp nhận được là thuộc về thời Mạc.

Vào những năm 1980, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đã đưa ra hiện tượng Quan âm thời Mạc. Ông nhận định rằng thời kỳ này xuất hiện rất nhiều các pho tượng Quan âm Nam Hải, Quan âm Chuẩn đề và nhiều loại tượng Quan âm khác. Ông cũng cho rằng đây là thời kỳ nhiễu loạn do nội chiến, lòng người bất an, xã hội nhiều khi lâm vào đói kém, nên người ta cầu đến hình tượng Phật bà Quan âm có năng lực cứu độ chúng sinh, và rồi đỉnh cao của sự sùng bái hiện tượng Quan âm trong thế kỷ sau (17) là tượng Phật bà Quan âm Nghìn mắt nghìn tay, như Quan âm chùa Bút Tháp (1656). Trần Lâm Biền dẫn ra một số pho tượng Quan âm cụ thể như: Quan âm Nam Hải chùa Hạ (Vĩnh Phú), Quan âm chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Tây cũ), Quan âm chùa Hun (Côn Sơn, Hải Dương), Quan âm chùa Phẩm nói trên…

Đặc điểm thẩm mỹ


 
Thẩm mỹ hình học thời nhà Mạc cho thấy sự giản đơn, súc tích gắn liền và sinh ra từ cảm thức của
người nông dân. Ảnh trái: Bà Hoàng hậu Trà Phương, chùa Trà Phương, Hải Phòng - tượng đá tô màu,
thế kỷ 16. Ảnh tư liệu: Nguyễn Anh Tuấn.  Ảnh phải: Tượng vua Mạc Đôn Nhượng,
chùa Nhân Trai, Hải Phòng - tượng đá tô màu, thế kỷ 16. Ảnh tư liệu: Nguyễn Anh Tuấn.


Nếu nhìn thoáng qua, cách thức tạc tượng thời Mạc rất thô phác, từng phần được quy vào khối riêng biệt và lắp ráp thành pho tượng, như Quan âm chùa Hạ, chia rõ thành các phần: đầu, mình, chân, bệ tòa sen, bệ đỡ hình hộp, hai pho tượng nhỏ Kim đồng, Ngọc nữ gắn rời, khối 42 tay chia đều cho hai bên thân cũng gắn theo trục thân. Sự chuyển khối rất đột ngột, các đường cong cơ thể không được chú trọng, mà các phần khối dường như được đẽo vuông vức có tính hình học cao, lắp ghép vào nhau.

Cái đặc điểm thẩm mỹ hình học này phổ biến trong chạm khắc trang trí đình làng thời Mạc, tượng chân dung thờ vua, hoàng hậu và các bà chúa, các bệ tượng Phật, các chân đèn thờ bằng gốm… tất cả được quy khối, có thể tháo lắp thành từng phần riêng biệt. Phương pháp này về sau ảnh hưởng đến toàn bộ điêu khắc gỗ và đất phủ sơn ở Việt Nam, theo cách làm từng phần rời và lắp ráp, tuy nhiên xu hướng khối hình học chỉ thịnh hành trong thời Mạc mà thôi. Thời Lý và Trần, nghệ thuật luôn ở các trung tâm lớn, phong cách nghệ thuật mang tính phổ quát, tất cả di tích trong nước thống nhất một cách thức sáng tác và thẩm mỹ, không có phong cách địa phương. Thời nhà Mạc, làng xã đã hưng thịnh, nghệ thuật không còn bị độc quyền bởi Phật giáo nhà nước như thời Lý Trần, mà phụ thuộc vào yêu cầu tín ngưỡng cũng như khả năng kinh tế của từng làng. Phong cách địa phương xuất hiện, mỗi nơi, mỗi chùa một cách thức, duy chỉ có thẩm mỹ hình học là mang tính phổ quát, cho thấy sự giản đơn, súc tích gắn liền và sinh ra từ cảm thức của người nông dân. Ngay cả những chân dung vua nhà Mạc và hoàng hậu chùa Trà Phương cũng không nằm ngoài phong cách này, chúng cho thấy triều đình nhà Mạc xuất thân hoàn toàn từ nông dân, ưa chuộng ăn mặc ở kiểu nông dân dù họ đã làm vua chúa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung, khi nghiên cứu chạm khắc trang trí đình làng Việt Nam, đặc biệt là đình Tây Đằng, ông nhận thấy có ba kỹ thuật chạm khắc phổ biến: chạm nông, chạm bong và chạm loọng. Ông và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phần nào ba kỹ thuật này tương ứng với ba thế kỷ phát triển của đình làng từ thế kỷ 16, 17, 18. Đình Tây Đằng và chùa Cói có những bức chạm nông - chạm khắc trên mặt phẳng tấm gỗ, với độ cao của phù điêu vừa phải, không xuyên thủng hay có lớp bên trong. Tuy nhiên chúng tôi thấy chạm khắc trang trí kiến trúc phụ thuộc vào những thành phần chịu lực hay không, ở nơi chịu lực đỡ nhiều thì chỉ có thể chạm nông, ở nơi ít hoặc không chịu lực thì mới có thể chạm bong và chạm loọng. Thế kỷ 17, đỉnh cao của điêu khắc và kiến trúc đình làng, kỹ thuật chạm bong nhiều lớp rất phổ biến, tất nhiên phát triển từ cách thức chạm khắc đơn giản thời Mạc.

Mặc dù khái niệm design, thẩm mỹ công nghiệp mới có từ những năm 1960 trở lại đây, nhưng khoa thiết kế của con người có từ thời cổ xưa, gắn liền với chế tác đồ dùng và đồ thờ. Những triều đại phong kiến có xu hướng định thể chế văn hóa và vĩnh cửu hóa đều có ý thức sâu sắc đối với những công trình để đời. Đền đài, cung thất và đồ dùng của họ được thiết kế cẩn thận sao cho mang một phong cách triều đại riêng biệt, vừa gắn với quá khứ truyền thống, vừa đưa ra kiểu thức mới. Con rồng yên ngựa (hình con rồng có lưng rộng và võng như yên ngựa) thời Mạc là một cách thức biểu tượng của triều đại xuất thân từ nông dân này. Có thể nói khoa tạo dáng thời Mạc rất thành công trong việc tạo ấn tượng thị giác, nó kế thừa tính thô mộc, mạnh mẽ của nghệ thuật thời Trần, sự giản dị và dân gian thời Lê Sơ, để định ra một kiểu thức riêng cho mình và triều đại phong kiến nhà Mạc.

Tất nhiên tính thô phác và thẩm mỹ công nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Con người ngày nay không tài nào thô phác như con người ngày xưa. Thế kỷ 16 kém thô phác hơn thế kỷ 15, thế kỷ 15 kém thô phác hơn thế kỷ 14, cứ thế càng tiến tới hiện đại, sự tinh khéo càng tăng lên, nhưng cái bản chất chân thật càng phai nhạt và xa hơn với bản chất nhân văn của con người. Nên có nhà lịch sử, mà tôi không nhớ được tên, đã nói: Càng phát triển con người càng khó khăn hơn trong việc đục thủng những tầng văn minh đã qua, để quay lại với hạt nhân nguyên thủy.

Ngu
ồn: Phan Cẩm Thượng - Tia Sáng

 


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng