Tạp chí Sông Hương -
Báo chí văn nghệ: Đổi mới để bắt kịp xu thế
14:57 | 11/08/2015

Sự lấn át của mạng xã hội và trang tin điện tử đang khiến báo chí văn nghệ đối mặt với không ít khó khăn. Để trụ vững, nhiều cơ quan báo chí văn nghệ mạnh dạn đổi mới, can đảm bước ra khỏi "tháp ngà", hòa nhập vào thực tế đời sống văn học, nghệ thuật, trở nên gần gũi hơn với bạn đọc.

Báo chí văn nghệ: Đổi mới để bắt kịp xu thế

Giữa muôn trùng khó

Tại Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc 2015 diễn ra tại TP Vũng Tàu (do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 22/7), Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết, hiện nay, trên cả nước có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật của Trung ương và địa phương, chiếm tỷ lệ 10% trong hệ thống báo chí.

Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí dựa trên công nghệ khiến báo in không được đề cao, doanh thu giảm sút. Riêng báo chí văn nghệ do tính chất đặc thù về nội dung thông tin nên lượng phát hành càng thấp so với khối báo chí khác, chỉ một số báo Trung ương có số lượng phát hành cao khoảng 5.000 bản/ kỳ. Còn các ấn phẩm khác chủ yếu duy trì ở mức 500-700 bản/kỳ.


                                           Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc tổ chức ngày 22/7/2015 tại TP Vũng Tàu

Kinh phí phần nhiều phụ thuộc vào nhà nước cấp. Thêm vào đó, báo chí văn nghệ ít có điều kiện tổ chức các hoạt động khác để tăng thêm nguồn thu, vì vậy nguồn tài chính phục vụ hoạt động khá khó khăn. Điều này kéo theo mức nhuận bút của báo văn nghệ cũng thấp hơn so với các khối báo chí khác.

Đại diện báo Gia Lai thẳng thắn: "Dù chúng tôi đã khuyến khích, bồi dưỡng các cây bút là người dân tộc thiểu số, thế nhưng, những cây bút này chỉ xuất hiện một vài lần thì rơi vào im lặng".

Điều này cũng dễ hiểu. Một phần vì mức nhuận bút khá thấp, không xứng với công lao động của người cầm bút. Thêm vào đó, báo phát hành không nhiều, lượng bạn đọc khu biệt nên không nhiều tác giả mặn mà. Tình trạng nhiều tác giả không công bố tác phẩm của mình trên báo chí mà công bố trên blog hay trang Facebook cá nhân diễn ra ngày càng nhiều. Môi trường làm việc khó khăn, thiếu thốn dẫn đến công tác thu hút người tài làm việc cho báo chí văn nghệ cũng bị hạn chế, nên hiện nay lực lượng làm báo chí văn nghệ tương đối mỏng và chủ yếu kiêm nhiệm.

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn Nghệ cho hay, báo Văn Nghệ dù đẩy mạnh các bài lý luận, phê bình nhưng vẫn thiếu các bài viết phản ánh, phân tích sâu sắc các chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống văn học, nghệ thuật; thiếu vắng các bài nghiên cứu có chiều sâu, tính học thuật cao. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều báo. Ngoài thiếu các bài mang tính lý luận phê bình sâu sắc, các báo của các tổ chức chính trị - xã hội, của các bộ, ngành vẫn đưa tin ở bề rộng, chưa đi vào chiều sâu, đôi khi còn rất cứng nhắc khô khan, hô hào chính sách, khẩu hiệu một chiều,  mà thiếu lý luận, diễn giải thuyết phục, xa rời thực tế.

Với các trang báo điện tử, để cạnh tranh với cơn bão thông tin, đa số lại quá sa đà vào những vấn đề nhảm nhí, trái thuần phong mỹ tục, không liên quan gì đến chuyên môn của nghệ sĩ như scandal ăn mặc hở hang, chuyện tình - tiền, phát ngôn gây sốc... mà quên mất vai trò định hướng dư luận, phê bình của mình. Đặc biệt khi mạng xã hội lên "ngôi" thì những tin tức giật gân càng sinh sôi nảy nở. Phóng viên chỉ có nhiệm vụ suốt ngày đào bới Facebook của người nổi tiếng để moi móc thông tin từ bình thường tới bất thường.

"Trước đời sống văn học nghệ thuật nhiều biến động, vai trò định hướng của báo chí văn nghệ vẫn chưa cao, gây hoang mang cho bạn đọc. Trong chừng mực nhất định, báo chí văn nghệ chưa giành được tiếng nói quyết định trong việc định hướng nhận thức chung cho xã hội những vấn đề văn hóa nghệ thuật còn đang gây tranh cãi, chưa thống nhất"- Nhà thơ Lê Mạnh Tuấn, Trưởng ban Nhân dân Cuối tuần, Báo Nhân dân nhận định.

Bắt đầu những cuộc "lột xác"

Trước khó khăn, thách thức trên, báo chí văn nghệ đang có những bước cựa mình đổi mới. Đổi mới từ tư duy của cả người làm báo lẫn công chúng đến đổi mới công nghệ, cách thức tổ chức.... Những suy nghĩ kiểu như "báo chí văn nghệ chỉ là tờ báo để đọc khi rảnh rang, giải trí vô bổ, có cũng được, không có cũng chẳng sao" hay "các chuyên mục, chuyên đề văn nghệ trên các báo chỉ là phụ trương để tô điểm, làm màu cho ấn phẩm chính"... cần được gạt bỏ. Thay vào đó, cần nhìn nhận nghiêm túc: Báo chí văn nghệ đóng vai trò quan trọng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có tác động to lớn đến nhân dân trong cảm quan thẩm mỹ, lối sống, tư tưởng...

Sự lên ngôi của công nghệ, nhất là khi các thiết bị công nghệ thông minh như iPad, smartphone... ra đời kéo theo cơn lốc thông tin,  không ít ấn phẩm văn nghệ nhanh nhạy cho ra mắt phiên bản điện tử. Thậm chí, tờ Văn nghệ Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam còn xin ngừng xuất bản báo in và hiện đang xin phép xuất bản báo điện tử. Số cơ quan báo chí văn nghệ xuất bản được báo điện tử hoặc trang tin điện tử tuy xuất hiện chưa nhiều nhưng là một tín hiệu vui. Đó là nơi cung cấp thông tin và công bố tác phẩm mới của hội viên, tác giả trẻ đến bạn đọc một cách nhanh chóng, dễ dàng và phổ biến hơn so với báo in truyền thống. Định dạng điện tử cũng ít gây tốn kém về kinh phí in ấn, nhân lực hoạt động.

Không những thay đổi về mặt hình thức, một số báo còn tạo cho mình bản sắc riêng. Chẳng hạn Văn nghệ TP Hồ Chí Minh nổi bật với loạt bài nhiều kỳ phê phán, vạch trần các luận điệu sai trái, lệch lạc trong giới văn nghệ. Báo Nhân dân Cuối tuần nêu cao tinh thần nhân văn trong các bài viết. Riêng Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo Công an nhân dân, ngoài lực lượng phóng viên, các văn nghệ sĩ nổi tiếng làm cộng tác viên, báo là nơi ươm mầm cho các cây bút trẻ, đặc biệt ưu tiên các sáng tác mới của các cây bút trong lực lượng CAND. Lượng phát hành của Văn nghệ Công an vẫn duy trì đều đặn 20.000 bản/ kỳ.

Dù báo phát thanh và truyền hình có lực lượng công chúng đông đảo hơn so với báo in, nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin, các đài cũng có những đổi mới tích cực để bắt kịp xu thế. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết VTV có gần 50 chương trình văn hóa, nghệ thuật trên các kênh.Ngoài ra, báo không ngừng đổi mới các chuyên mục để phù hợp hơn với đời sống văn học nghệ thuật sôi động như: dành hai trang lập diễn đàn, bàn tròn để các nhà chuyên môn cùng nhau mổ xẻ, trao đổi về các vấn đề văn hóa nghệ thuật đang gây tranh cãi, từ đó định hướng dư luận. Báo còn có các trang mục bút ký, ghi chép, tâm sự văn nghệ sĩ, đời sống văn nghệ trong nước, nước ngoài... được thể hiện ở nhiều dạng như tường thuật, phỏng vấn, ký văn học... giúp bài vở thêm phong phú. 

Ngoài việc dành giờ vàng cho các bộ phim truyền hình, tăng cường các sân chơi văn hóa nghệ thuật, tìm kiếm tài năng ca hát, nhảy múa thì thời gian gần đây, VTV đầu tư sâu các chương trình mang tính chất phê bình, lý luận các vấn đề văn hóa, nghệ thuật như "Không gian văn hóa, nghệ thuật", "Diễn đàn văn hóa, nghệ thuật"... Cách thể hiện của các chương trình cũng tươi mới, mang tính tương tác để hấp dẫn khán giả. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, không chỉ báo in mà nhiều đài phát thanh, truyền hình địa phương chú trọng chương trình bằng tiếng dân tộc thiểu số để phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc.

Báo chí văn nghệ đã có những đổi mới nhằm tồn tại và phát triển, nhưng sự đổi mới này vẫn còn yếu ớt, chưa rõ nét. Do đó, để hỗ trợ hoạt động của báo chí văn học, nghệ thuật trong thời gian tới, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, cần phải có những giải pháp đồng bộ giữa cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và văn học, nghệ thuật.

Cụ thể, cần kiện toàn lại bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực cả về mặt chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị để báo chí văn nghệ bám sát định hướng của Đảng, nhà nước; đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật; nâng cao tính lý luận, phê bình, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Bên cạnh đó, nguồn tài chính cũng cần được quan tâm chứ không thể để các báo tự xoay sở. Từ đó, các báo mới có thể mạnh dạn xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp, thu hút văn nghệ sĩ để khuyến khích sức sáng tạo. Các cơ quan quản lý cũng nên tạo điều kiện tổ chức các hội thảo, diễn đàn để tăng cường giao lưu, nâng cao trình độ giữa các báo...

Theo Nguyễn Trang - Vnca.cand

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cười cùng Haydn (11/08/2015)