Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt, hoàn cảnh lịch sử cùng cách bảo tồn còn hời hợt khiến những kho mộc bản quý giá một thời đang ngày càng mai một và im lìm.
Hiện tại phải xác nhận một thực tế đó là, dẫu nỗ lực của Viện nghiên cứu Hán Nôm và các thư viện quốc gia, tỉnh và các tự viện có ý thức lưu giữ ván và sách nhưng hai cái đó không khớp nhau (tức là ván và sách đều thiếu, không thể tập hợp lại thành một bộ kinh nguyên vẹn). Người ta có thể phục hồi vật chất chứ không thể khôi phục được giọng văn, cách viết của thời xưa, nhất là khi những mộc bản đó lại là độc bản và thời điểm ra đời cách đây nhiều thế kỉ. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều khi tôi gặp tình trạng đau xót là tác phẩm chỉ còn lại mấy ván in (tương đương với vài ba trang sách). |
Để in một bộ kinh gồm hàng chục đến hàng trăm quyển, ngoài quy mô của triều đình thì khó ngôi chùa nào có thể đảm trách hết được. Chính vì thế, họ thường phân công mỗi chùa khắc in từ một đến vài quyển rồi trao đổi với nhau. Quy trình công nghệ in cổ ở các tự viện bao gồm những bước sau: Khi một tác giả hoàn thành bản thảo, nhà chùa sẽ thuê một người thợ viết chữ sao chép lại bằng một phông chữ thông dụng và dễ khắc nhất, đồng thời dàn lại dòng, trang đảm bảo số lượng chữ trên mỗi trang đều bằng nhau. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng cử ra một hội đồng kiểm duyệt gồm khoảng bốn người, là những bậc hòa thượng, đại sư đắc đạo để kiểm duyệt sao cho đúng với Kinh Phật. Qua bước này, nhà chùa có thể tính được số lượng ván, số lượng giấy in và từ đó ước lượng số tiền cần chi. Sau đó, thợ mộc sẽ xẻ ván và ngâm trong nhiều năm để tránh mối mọt (ván thường được làm bằng gỗ thị vì loại gỗ này dẻo và mềm nên dễ khắc) và họ bào sẵn, phơi khô. Sau đó, họ dán các trang giấy lên ván gỗ (khổ ván bằng đúng khổ giấy) bào phần không có chữ đi, nhờ vậy mà chữ nổi lên. Một ván gỗ thường được khắc hai mặt, tương đương hai trang sách. Sau khi in xong thì họ xếp trang, xén, đóng gáy, phết sơn ta vào gáy sách cho chắc, làm cậy (bìa cứng), đóng cậy và hoàn thiện một vài chi tiết gắn với quyển sách. Sau khi hoàn thiện, sách sẽ được dùng để cúng cầu siêu hoặc phát cho các sư hành trì. Cả cuốn sách được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và tiết kiệm tận cùng: chỉ khâu sách tận dụng từ giấy xén thừa xoắn lại, bìa cũng từ giấy viết hỏng rồi phết sơn đỏ xung quanh, sơn ta cũng được khai thác từ một số loại cây. |
Theo Hảo Linh - Tia Sáng
***
1 Tàng bản còn đồng nghĩa với nhà in, nhà xuất bản sử dụng lối in khắc gỗ.