Tạp chí Sông Hương -
Về miền cỏ xanh trầm tích
08:50 | 17/08/2015

Huế, tôi chạm phải một miền cỏ xanh trầm tích mà lòng bỗng nôn nao cảm giác được trở về nơi một mảnh hồn neo đậu. Cỏ trong Đại Nội Huế xanh đến ngút ngàn, xanh như thể ngày mai này cỏ không thể xanh hơn.

Về miền cỏ xanh trầm tích

Cảm Huế... từ tim

Hẳn bạn đã dừng chân ở Huế ít nhất một đôi lần? Thăm thú cảnh quan và thưởng thức những món ăn đặc trưng của xứ kinh đô một thời vang bóng. Và trên những thành quách đã mang mầu năm tháng ngỡ xanh xao mà chạm đến, nhìn đến là lòng hạnh ngộ.

Khi bước đi phía sau đôi bàn chân nhỏ xinh của con gái, mới hay, cuộc sống nảy mầm. Trên những thảm cỏ xanh non, trên từng lớp lá xanh non của cây cối trong Đại Nội, thấy đẫm một miền sắc mầu diệu vợi của ngàn loại hoa tại khu vườn bên ngoài Thế Tổ Miếu phía trong Đại Nội. Qua bao nhiêu tháng năm, nhờ bàn tay chăm sóc của những người trông coi Đại Nội, vườn hoa cứ thế tỏa sắc đơm hương lắng lại một góc Huế. Những con đường đã từng in dấu gót hài ngày xưa của bao cung tần mỹ nữ nay bỗng nhẹ hơn dưới đôi bàn chân con gái nhỏ. Và tiếng hát trong veo của một vài loài chim trên những cành cây cao, một vài tiếng ve cuối hè còn sót lại. Lắng lại trong không gian đó, một nguồn hơi ấm tràn về trong làn gió thu se lạnh. Chiếc khăn choàng mầu tím rất riêng-Huế như trải ra giữa mênh mang mầu xanh của cỏ. Tôi ngồi lại để ngửi trọn mùi cỏ ngọt. Nơi đây đã qua bao nhiêu tháng năm, qua bao nhiêu thời khắc nắng mưa, qua bao nhiêu bom đạn chiến tranh... tự hỏi lòng sao cỏ vẫn xanh đến thế? Cỏ uống nước mắt đời hay cỏ đã ngậm được những giọt sương trong nhất, tinh khiết nhất của khí trời xứ Huế - Với bao nhiêu trầm tích dẫu kín sâu đến bao nhiêu cũng cứ muốn trỗi dậy để được cất lên tiếng nói của lòng mình trước dòng chảy bất tận của thời gian!


Nhớ ký ức thời sinh viên văn khoa ở Huế, tôi và nhóm bạn gái thân đã có rất nhiều buổi chiều đạp xe trên đường Lê Lợi rợp bóng phượng bay, rồi dừng chân bên bờ sông Hương và ngắm Huế trong hoàng hôn tĩnh lặng. Lúc đó, tôi vẫn chưa thật sự tin ở Huế có chiều màu tím. Vậy mà khi nằm trên cỏ, tao ngộ lòng mình với những sợi mây chiều nhàn nhạt, nhìn vào nước sông Hương, đúng là có một mầu tím Huế đặc trưng. Đôi lời bài hát quen cứ vọng về rủ tâm hồn mình lao xao bởi "chiều tím chiều nhớ thương ai người em tóc dài...". Chùm ký ức về Huế cứ tươi nguyên như những thước phim quay rất chậm, là nụ cười dịu hiền của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nét cương nghị trên gương mặt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - hai trong số nhiều văn nhân Huế mà tôi được gặp và trân trọng những tác phẩm văn học của họ. Có mối tơ duyên văn chương nối lại khoảng cách giữa những thế hệ nhà văn, nhà thơ Huế, để khi không thể trở về lại với thời gian đã vuột mất, mới thấm được những gì tôi đã được nhận từ Huế. Giở lại cuốn sổ nhỏ thời sinh viên, có bài thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đề tặng: "Nhớ đèo Ngang" với "Người đi heo hút một trời/Tôi về thương nhớ một người Kỳ Anh/Thương hoài một mái tóc xanh/Đường khuya thơm ngát hương chanh quê nhà...". Chợt thấy đã cay lòng mắt bởi một Huế lắng sâu trong lòng tao nhân mặc khách - những người có chút tâm hồn dịu sóng mỗi ban mai khi thấy ánh sáng cuộc đời đã thu hẹp trong tầm với. Chạm tay trên cỏ êm và dịu ngọt mùi hương ký ức và hiện tại.

Chị Liên, người hướng dẫn viên du lịch trong Đại Nội đã có gần 20 năm gắn bó với những dòng ký ức của Huế qua từng di tích, đã nói nhẹ bên tai tôi một lời rất Huế: "Về gặp lại màu xanh này, em sẽ thấy tâm hồn mình trong hơn bao giờ hết. Không gian này là của những tâm hồn neo đậu, một chút của cuốn sách lịch sử Huế được lần giở bằng những trầm tích xanh của sự sống trong di tích đã đổ nát nhiều vì thời gian. Nhưng, đằng sau đó, mỗi một ngọn cỏ là một tiếng lòng của những thanh âm Huế hội tụ...".

Tôi cười chan trong nắng sớm mà nghe lòng diệu vợi. Trước mắt tôi là đoàn khách nước ngoài với những chiếc nón Huế rất Việt Nam họ đang đội trên đầu khi đi tham quan Đại Nội. Những chiếc nón trắng lấp lánh trong chút nắng nhẹ đầu thu và làm duyên thêm cho những vị khách. Sau lưng tôi là những tiếng cười nói của nhóm bạn sinh viên văn khoa Huế với áo dài, nón trắng và chiếc máy ảnh Nikon đang ghi lại những kỷ niệm thời khắc cuối của đời sinh viên. Và đó, bàn chân con gái tôi với dáng nhỏ nhắn nhảy tung tăng, giữa bao la xanh của cỏ và những thành quách đã rong rêu mà đã thành chứng tích. Chợt hiểu ra, Huế là đây, và hơi thở cuộc sống là đây chứ không phải đâu khác.

Huế - trầm tích xanh

Bên điệu hò Nam ai, Nam bình vọng vang trên sông Hương mỗi tối, bên những đền đài, lăng tẩm đã ngả bóng rêu phong phủ kín thời gian hàng trăm năm tuổi. Có một Huế trầm tích xanh. Nhiều du khách khi đến Huế vẫn muốn được trải nghiệm vẻ đẹp tiềm ẩn của Huế sau những đền đài, lăng tẩm, dẫu những di tích đó, vì thời gian, vì chiến tranh đã bị mai một và hư hỏng, nhưng khi nhìn những bức tường thành nội bám đầy rêu phong... Vẻ đẹp đó, có chút hoang dại nhưng lại rất đời bởi với ai trong mỗi cuộc đời này, cũng đã trải qua ít nhất một lần "tự rêu phong" ký ức để nguôi quên một điều gì đó. Huế thì không như thế, rêu phong không phải là lãng quên mà là ghi dấu. Để hôm nay khi ghé Huế, lại chợt khát khao được sống lại với thời gian ẩn sâu trong tầng lớp đất, đá, tường thành trong lòng thành nội. Đó là khi tôi khựng lại để ngắm trọn chín cái đỉnh bằng đồng - Cửu đỉnh - Bảo vật quốc gia của Việt Nam - đặt ở trước Hiền Lâm Các đối diện Thế Miếu phía tây nam hoàng thành Huế.

Cửu đỉnh được các nghệ nhân đúc ở Huế cuối năm 1835, hoàn thành 1837, dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền. Mỗi đỉnh có khắc một tên riêng được lấy từ miếu hiệu và được xem là biểu tượng của vị vua đó... Những nét hoa văn tuyệt đẹp được các nghệ nhân chạm khắc bằng cả trái tim, tâm huyết trên nền đồng non để khi đủ độ chín, tất cả như một bức tranh sơn thủy hữu tình và đó là văn hóa Việt Nam - Vượt xa thời gian, không gian để có ý nghĩa vĩnh cửu cùng năm tháng. Khi được chạm vào những tác phẩm điêu khắc tuyệt đỉnh này, dòng thời gian ngưng lại khi biết được tổng cộng 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, dân gian được khắc trên chín đỉnh như một bộ bách khoa toàn thư mở ra những nét đẹp đặc trưng của phong cảnh ba miền đất nước với ước vọng thống nhất vẹn toàn. Cảm động nhất là chủ quyền lãnh hải quốc gia được xác lập trên Cửu đỉnh với hình ảnh của Đông Hải (Biển Đông) của Việt Nam, và cả các vùng biển Nam Hải (biển phía nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau), Tây Hải (biển phía tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái-lan). Những giá trị này mang tính thời đại và cũng là niềm tự hào của mỗi một người dân đất Việt khi tìm về nguồn cội trong vẻ trầm tích Huế.

Về Huế, đứng ngẩn ngơ trong sắc xanh mượt của cỏ, mới hay, nốt nhạc của không gian, của văn hóa Huế đang cựa mình dưới những lát cắt thời gian. Vẻ đẹp loang chảy từ những bức tường cũ, những vòm xanh trên dọc cung đường trong thành nội, giữa thảm xanh không thể xanh hơn của cỏ. Vẻ đẹp cũng toát ra từ những cụm di tích đang được phục hồi. Và cả ngay dưới chân tôi, trên từng phiến gạch. Cảm Huế không phải từ những gì được nghe, được đọc mà bằng cảm nhận khi lắng lại, ngưng đọng giữa bao thanh âm của nhiều bước chân người đang ở quanh tôi khi về với Huế. Soe tiếc đến ngẩn ngơ khi rời xa mầu xanh của cỏ đến tận ngút ngàn, nhớ một tiếng ve còn lại sau hè dưới tán phượng xanh điểm xuyết mấy bông hoa trái mùa đỏ thắm. Góc Huế đó đầy sắc màu. Ai đó đã, đang và sẽ đến Huế và tỉ mẩn ngồi ngắm cỏ như tôi sẽ có điều đồng điệu với lời tôi nói! Cho hành trình đi tìm cái đẹp sẽ mãi là con đường đẹp với những giá trị vĩnh hằng còn sót lại sau bao trầm tích. Tháng tám, trời Huế trong veo. Huế nói lời chào tạm biệt tôi bằng cái với tay dài của những cành phượng vĩ và cả cỏ xanh đắm một triền sông Hương.

Dưới lớp thời gian xếp chồng sau những đền đài, thành quách, giữa những công trình hiện đại hôm nay đang tôn tạo và những bức tường thành đã ngã, đổ trong từng di tích. Huế - Dấu gạch nối ký ức vẫn tươi nguyên như ngày hôm qua đang ở lại trên hạt sương trong veo như ánh mắt một ngày rất Huế. Huế đó, du lãng một ngày và nhớ để quay về khi một ngày nhẹ lòng nhớ nắng, nhớ cỏ và nhớ cả bước chân con trong miền xanh trầm tích.


Nguyễn Thị Anh Đào 

 
Theo Nhân dân Điện tử

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng