Ngày 4/5/1919, hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên chống chính quyền Bắc Kinh và Nhật Bản đã nổ ra trên quy mô toàn quốc. Đây là bối cảnh làm nảy sinh những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề hiện đại hóa Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Trung Quốc đã sản sinh ra những nhà văn lớn như Lỗ Tấn - người cũng giống như George Orwell - viết những tác phẩm châm biếm sự nhũng nhiễu của xã hội và những thói tật xấu đã ăn sâu vào tiềm thức con người.
Tuy nhiên, đến nay, Lỗ Tấn không còn được độc giả Trung Quốc ở nước ngoài đón nhận, dù ông vẫn có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người Trung Quốc lục địa. Văn học Trung Quốc chỉ gây dấu ấn với thế giới bằng một vài tác phẩm hiếm hoi như Cao lương đỏ của Mạc Ngôn - cuốn sách từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành bộ phim được đề cử Oscar.
Giới văn sĩ Trung Quốc đang than thở vì nền văn học của họ hiện nay thiếu sự quan tâm của độc giả thế giới.
"Sau phong trào Ngũ tứ, văn học Trung Quốc được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ châu Âu. Nhưng bây giờ, hầu như có rất ít dịch giả phương Tây tìm đến với văn học Trung Quốc. Việc giới thiệu văn học Trung Quốc ra với thế giới là điều rất quan trọng. Nhưng nếu không làm được điều này thì cũng không thể trách người Trung Quốc. Người Trung Quốc không thể dịch và giới thiệu sách của mình với độc giả phương Tây. Chính các dịch giả phương Tây phải làm điều đó", nhà văn Phùng Ký Tài cho biết.
Thực tế, đã có một nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel - tiểu thuyết gia Cao Hành Kiện. Nhưng dường như người Trung Quốc không đón nhận vinh dự này. Và khi đoạt giải, Cao Hành Kiện cũng đã mang quốc tịch Pháp.
Jo Lusby, giám đốc chi nhánh ở Trung Quốc của NXB Penguin cho biết, việc giới thiệu văn học đương đại Trung Quốc đến phương Tây gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả với những đầu sách rất ăn khách trong nước.
"Nhà văn Trung Quốc thường viết cho độc giả Trung Quốc và viết về Trung Quốc. Có rất nhiều cuốn tôi muốn dịch ra tiếng nước ngoài. Nhưng để người phương Tây có thể cảm thụ được, cần có sự hỗ trợ kiến thức rất lớn. Đó là một khó khăn", Lusby nói.
Ngoài ra, sự khan hiếm dịch giả phương Tây biết tiếng Trung Quốc cũng là một trở ngại cho khả năng xuất ngoại của các tác phẩm.
Thông thường, những cuốn sách bán chạy ở nước ngoài lại là những tác phẩm bị chính quyền trong nước gây khó dễ. Tôtem sói của Khương Nhung bán rất chạy với phiên bản tiếng Anh nhưng bị công kích quyết liệt ở Trung Quốc. Những tác phẩm bị cấm như Kẹo của Miên Miên hay Búp bê Thượng Hải của Chu Vệ Tuệ đều rất được để ý ở phương Tây.
"Độc giả nước ngoài thường tò mò bởi các tác phẩm bị cấm ở Trung Quốc, ngay cả khi chúng không phải là những sáng tác xuất sắc của nền văn học này. Vì thế, một số tác giả viết chỉ để gây sốc, để bị cấm nhằm thu hút các nhà xuất bản phương Tây", nhà văn Trần Kiến Công, phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc nhận xét.
Lusby còn cho biết thêm, nếu được dịch, việc đưa các nhà văn Trung Quốc tham gia các tour quảng bá sách ở nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì họ hầu như không biết tiếng Anh. Vì thế, các nhà xuất bản thường bế tắc trong việc đưa ra kế hoạch tiếp thị tác phẩm đến với độc giả.
Trong khi chế độ kiểm duyệt, ở một khía cạnh nào đó, tạo sự thu hút của độc giả nước ngoàn đến văn học Trung Quốc thì một số nhà văn cho rằng, khuynh hướng này đang dần dà làm thui chột những sáng tác văn học nghiêm túc, thực sự có giá trị.
Theo eVan |