Vật dụng đơn sơ cũng cứu người
Dùng ruột chó làm chỉ khâu vết thương, tre nứa làm banh y tế, cưa thợ mộc để cưa xương… Đó là một phần nội dung ghi chép trong cuốn sổ điều trị của thiếu tướng, bác sĩ Lê Thế Trung, nguyên Chủ nhiệm Quân y trung đoàn 209, đại đoàn 312 trong những ngày tháng chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ đơn sơ như vậy, nhưng vào những hoàn cảnh ngặt nghèo, những vật dụng ấy đã tham gia cứu sống nhiều thương bệnh binh, góp phần làm nên chiến thắng kỳ vĩ cho quân đội ta.
Được xếp chung vào thể loại nhật ký, triển lãm giới thiệu cuốn sổ tay của một nhân công quê Phú Thọ, ghi lại quá trình phục vụ cho chiến dịch Điện Biên năm xưa… cũng gợi cho người xem cảm giác đầy trân trọng, xúc động về sự hy sinh thầm lặng mà to lớn.
Ngoài những trang viết đã ngả màu úa vàng, triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật, tài liệu hình ảnh gốc có giá trị lớn và ít được biết đến như: sơ đồ khu lòng chảo Điện Biên Phủ do Ban Chính trị tỉnh đội Cần Thơ ấn hành năm 1954; hiệu triệu của Tổng quân ủy do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, gửi các đảng viên trong chiến dịch; cuốc, xẻng dùng mở đường lên Điện Biên Phủ; bồ đựng gạo, tay nải, nong, nia, dần, sàng, xe đạp thồ lương thực từ xuôi; bàn đá in bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân và Quân dân bảo vệ cầu đường chiến thắng của nhạc sĩ Trọng Lanh…
Nói về tác phẩm Hò kéo pháo được chọn trưng bày, nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ, chưa khi nào ông thôi xúc động mỗi khi nhớ tới những ngày khói lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ. “Chỉ cần nói tới địa danh này, nước mắt nước mũi tôi lại tràn ra, không kiểm soát nổi. Điện Biên Phủ là cái nôi đưa tôi đến với âm nhạc, giúp tôi tỏa sáng với nghề”, ông nói.
Yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng
Theo ông Đào Hải Triều, Giám đốc Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt , để có những hiện vật này, các cán bộ bảo tàng phải thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, thú vị hơn cả vẫn là số hiện vật được chính các nhân chứng trao tặng.
Ông Triệu Văn Hiển - Giám đốc bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kể về quá trình sưu tập các hiện vật: “Cách đây gần ba năm, Bảo tàng cách mạng phát động đợt hiến tặng hiện vật cho bảo tàng, và thật bất ngờ, hàng chục cơ quan đơn vị cá nhân đã gửi tặng hiện vật. Trong đó, một GS Trung Quốc gửi tặng rất nhiều bức ảnh quý ông chụp với Bác Hồ”.
Đại tá Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ nhiệm Chính trị tổng Cục Hậu cần cho biết, để làm nên chiến thắng, chiến dịch Điện Biên Phủ phải huy động 11.800 thuyền chở gạo từ sông Mã, qua sông Đà lên Điện Biên. Toàn bộ ô tô vận tải gồm 828 xe được đưa ra phục vụ mặt trận (kéo pháo, chuyển quân, chở đạn dược). 20.000 xe đạp thồ chở lương thực thực phẩm… Vì vậy, theo đại tá Nguyễn Văn Thuận “hậu cần là một yếu tố rất quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Khánh thành công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn II
Chiều 5/5, Ban QLDA di tích Điện Biên Phủ tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình xây dựng Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II tại Quảng trường hành lễ chân đồi D1( phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên).
Công trình Tượng đài Chiến thắng giai đoạn II có tổng mức đầu tư 47,5 tỷ đồng. Trong đó, trục hành lễ chia thành ba phần, tượng trưng cho ba đợt tổng tấn công của Chiến dịch. Quảng trường lát bằng đá xanh Thanh Hoá; phía trước dựng ba trụ đồng đặt trong lồng hộp bê tông cốt thép, tạo cảm giác yên tĩnh để du khách hồi tưởng, suy ngẫm về trang lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc.
Trước đó, Hội đồng nghệ thuật Dự án trùng tu di tích Điện Biên Phủ đã nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng bức phù điêu đại cảnh do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác và được nhóm nghệ nhân làng nghề truyền thống (Hoa Lư, Ninh Bình) chế tác. Đây là bức phù điêu lớn nhất Đông Nam Á được tạc bằng đá xanh Thanh Hoá, có chiều dài 58m, cao trung bình 6,5m, nặng 306 tấn, ghép trên khung tường bê tông cốt thép.
|
Theo ĐV |