Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn TÔ HOÀI, con người tỉnh thức
15:44 | 03/12/2015

Tôi đã được gặp gỡ nhà văn Tô Hoài từ năm 1971 sau khi tôi có cuốn sách Những tia nắng đầu tiên được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bàn. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, ông đã nói chuyện với tôi về câu chữ, không phải câu chữ thông thường mà là câu chữ của Văn học thiếu nhi. Cách nói của ông thường vui mà nghĩ đi nghĩ lại thấy sâu nặng tâm tư.

Nhà văn TÔ HOÀI, con người tỉnh thức
Có lần ông nói : “ Cô thấy không, bao nhiêu năm nay người ta khen Dế mèn. của tôi là hay, rồi in đi in lại bao nhiêu lần, thế mà tôi chưa thấy ai nói rõ là Nó hay ở chỗ nào?”. Nỗi băn khoăn của ông khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi thử tìm đọc xem, các nhà văn và các nhà phê bình xưa nay đã nói gì về Dế Mèn phiêu lưu ký? Tìm đi tìm lại rồi cảm thấy…Phải đọc lại một lần nữa…

Tôi đã đọc Dế mèn phiêu lưu ký từ thủa bé, từ hồi bảy, tám tuổi. Có lẽ điều đầu tiên lôi cuốn tôi chính là những tình tiết đầy hồi hộp, hấp dẫn của số phận chú Dế mèn, từ một cảm giác thoải mái đầu tiên của chú Dế : “ Tôi sống độc lập từ thủa bé…” Ui cha…thật là tự do thích thú dấn thân vào chốn thiên nhiên hoang sơ cỏ cây hoa lá xanh tươi , sông nước đồng cỏ mênh mông phiêu lưu mơ mộng…Nhưng có lẽ điều khác hẳn tất cả những sách phiêu lưu khác , cho đến bấy giờ khi đã một người từng trải có ý thức tôi mới hiểu, Dế mèn phiêu lưu ký không chỉ là một cuốn sách khêu gợi cho người ta cái thú phiêu du. Nếu vậy cuốn sách có thể mang tên “Cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn” mà bị mất đi một chữ quan trọng đó là chữ KÝ. Phần hay nhất của tác phẩm chính là những đoạn tự miêu tả, đó là sự phản tư, phản biện hay là diễu nhại chính mình ví dụ : “ Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi , tôi làm điệu dún dảy các kheo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ. Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả bà con trong xóm…Ấy vậy tôi cho tôi là giỏi. Những gã xốc nổi thường lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba…”

 Thủa bé, khi đọc đoạn đó, không hiểu sao tâm trạng tôi cứ thấy nao nao,  bần thần tự nhiên nghĩ lại về mình có phải là có lúc mình cũng “tỏ vẻ”, và “dở hơi” như thế không?  Có lẽ đọc Dế mèn, người đọc sẽ biết tự vấn mình để rồi tiếp tục tò mò hồi hộp theo dõi câu chuyện để mà gặp gỡ với một câu tự thán nữa : “ Chao ôi, có biết đâu rằng: hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ những cử chỉ ngu dại của mình thôi…”

Tuổi nhỏ đọc những câu ấy chưa hiểu lắm, nhưng lại nhớ dai dẳng, nhớ trong từng hành động, mỗi khi gặp sự không may,và…“thất bại” của mình…Cho đến đấy gần đây bỗng tôi đọc được ý kiến của nhà nghiên cứu tiểu thuyết Nga M.Bakhtin, ông đã phát hiện ra rằng, khác với ngôn ngữ thơ ca, ngôn ngữ tiểu thuyết có tính đối thoại nội tại…Ngôn ngữ tiểu thuyết, do đó, luôn tồn tại song hành với thái độ phê phán, đính chính bản thân…”(trích theo Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời- Lê Tú Anh- Nghiên cứu văn học số 5-2012).

Tìm ra được ý kiến này, tôi cảm thấy sung sướng như đã tìm ra “ bí quyết” của Dế mèn phiêu lưu ký.Ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng “thái độ phê phán, đính chính bản thân” của người cầm bút chính là sự thể hiện tài năng trí tuệ và sự nhạy cảm của nhà văn. Thái độ này sẽ làm nên chất hài hước dí dỏm , sự cười cợt khiến người đọc như chợt tỉnh , để nhận ra một điều gì sâu xa mà nhà văn đã lưu lại ở phía sau từng câu chữ. Như vậy có thể nói tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký chính là một cuốn tiểu thuyết độc đáo . Sự độc đáo của tác phẩm chắc đã và đang và sẽ còn nhiều nhà nghiên cứu phê bình phát hiện tìm tòi thêm. Riêng tôi, chỉ bàn đến chữ “ký”, tính chất độc thoại nội tâm, chất tự sự của Dế mèn... Sau này dịch giả Đặng Thế Bính trong bản dịch tiếng Anh đã chuyển nghĩa là  Diary of a cricket ( Nhật ký của con dế). Có thể nói đây là một bản dịch thoát nghĩa thành công.

Lâu nay, trong suy nghĩ nhiều tác giả khi sáng tác cho trẻ em lại cứ cho rằng mình phải bé lại, cúi thấp xuống, giả ngây thơ, ngô ngọng thì mới ra “văn học thiếu nhi”. Chúng ta quên rằng, trẻ em hoàn toàn có thể hiểu được tác phẩm được coi là hay nhất mọi thời đại, đó là tác phẩm Donkihote của nhà văn Tây Ban nha M.Cervantes.Trẻ em được cười ha hả khi tượng tưởng ra cảnh Dokihote- nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, cưỡi ngựa con ngựa gầy giơ xương, đội cái chậu thủng làm mũ giáp, tay cầm ngọn giáo cùn mà xông vào đánh nhau với cái cối xay gió, mà ông ta tượng tưởng ra đó chính là một “Mụ phù thủy”. Có thể trẻ em chưa nhận thức ra ngay ý nghĩa triết lý của tác phẩm nhưng bằng cảm tính trực quan, tuổi thơ biết thưởng thức, biết thẩm thấu cái hay, cái đẹp của văn học và những điều hay và đẹp ấy có ý nghĩa suốt đời người, một ý nghĩa thức tỉnh trong nhận biết ra hành động của chính mình.

Trong sự phát triển của văn học thiếu nhi chúng ta hơn nửa thế kỉ qua, tôi có cảm giác giống như một dòng sông uốn khúc quanh co. Có khúc thì quá chú ý đến “tính giáo dục”, việc nêu gương người tốt việc tốt đến mức khô khan, nhàm chán ,công thức..; có khúc lại quá chú ý đến “tính giải trí”...đến mức truyện cho trẻ em chỉ còn là những câu chuyện đèm đẹp ngây thơ nhạt nhòa, gợi một chút cười vui, một chút hoài niệm tuổi thơ đã đi qua.

Theo thiển ý của tôi, văn học có ý nghĩa cho trẻ em chính là ở chỗ giúp trẻ em nhận thức ra thế giới và nhận thức ra chính mình.Khi đọc sách ta như được soi mình vào một mặt nước trong để gặp chính mình trong đó để bật lên tiếng cười để nao nao xúc động mà thấy yêu thương hơn những gì mình vốn đã yêu thương để tạo nên một đời sống bên trong nội tâm mà vẫn được gọi là “tâm hồn”. Nếu văn học chỉ cốt để trẻ em hồi hộp theo dõi những pha gay cấn, như “phim hành động” thì tôi cho rằng như thế là đã quá đề cao việc giải trí và đã vô hình trung mà làm giảm mất giá trị của văn xuôi cho thiếu nhi.

Theo thiển ý của tôi, Tô Hoài đã trở thành nhà văn lớn ngay từ tác phẩm đầu tay mà lâu nay ta vẫn xếp vào là Văn học cho thiếu nhi, ông đã sớm viết văn như là một sự nhận thức thế giới, một tự sự mang tính phê phán. Tuy là một cuốn sách bé nhỏ, những Dế mèn phiêu lưu ký đã miêu tả một xã hội loài vật mang bóng dáng xã hội con người, với những nhân vật “Ếch ngồi đáy giếng”  với những tư tưởng đấu đá chèn ép lẫn nhau thật thiển cận và hẹp hòi để chuốc lấy hư danh hão huyền …để rồi trong cuộc chu du nhân vật Dế Mèn đã tự khai sáng thoát khỏi tình trạng vị thành niên, tâm hồn chú đã trở nên nhân hậu, chú mong muốn một thế giới đại đồng “ muôn loài cùng kết anh em”...

 Sống sâu sắc với cuộc hành trình của dân tộc nhà văn Tô Hoài với nhãn quan sắc sảo cũng đã sớm nhìn ra những biến đổi của xã hội, ông luôn luôn tự cười , tự phê phán, ông đã nhìn thấy những biến tướng của những giấc mơ, những biến tướng của những nhân cách …Cách nhận thức xã hội với tư duy phê phán tỉnh táo đã  khiến Tô Hoài thể hiện được thiên chức của nhà văn ông đã viết được những tác phẩm lớn sau này như Chuyện cũ Hà Nội, Ba người khác.

Nhà văn Tô Hoài vẫn được coi như là một người mở đầu dòng Văn học thiếu nhi Việt Nam và tác phẩm mở đầu là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký. Tuy nhiên, từ hôm nay nhìn lại con đường sáng tác của nhà văn Tô Hoài, tôi bỗng thấy tỉnh ngộ ra một điều mới mẻ, nhà văn Tô Hoài không hề viết về “những đứa trẻ không bao giờ lớn”, ông không hề ca ngợi “mãi mãi tuổi thơ”. Nhân vật Dế Mèn của ông là một nhân vật tự trưởng thành, tự mình thoát khỏi tình trạng vị thành niên. Những tác phẩm của ông đều là những tác phẩm miêu tả sự tự thức tỉnh của con người từ Vợ chồng A Phủ cho đến những tác phẩm về sau, dù ông miêu tả thiên nhiên biết bao mơ màng như sương khói như tinh thần của Tô Hoài vẫn vô cùng tỉnh thức.

Không hiểu sao, dù đã có khá nhiều bút mực viết về nhà văn Tô Hoài nhưng hình như việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài cho đến bây giờ, khi ông đã vĩnh biệt trần gian, có lẽ việc nghiên cứu đó mới bắt đầu thực sự chăng?

Hôm nay, ngồi viết những dòng này, tôi cảm thấy như lại được ngồi  trò chuyện cũng người cha đẻ của chú Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài kinh mến. Chắc là ông đang cùng lắng nghe  để tìm sự tri âm tri kỷ với nhân vật Dế Mèn, một nhân vật còn đồng hành với nhiều thế hệ trẻ em trong một thế giới  đang cần sự giao hòa, nhân ái giữa mọi dân tộc hơn bao giờ hết. Có lẽ khi biết có những dòng này, ông chỉ cười tủm tỉm tinh nghịch mà thôi...
./.

The Lê Phương Liên - Văn Hiến

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng