Tạp chí Sông Hương -
Tập trung các giải pháp phát triển du lịch năm 2016
08:25 | 30/12/2015

Du lịch dịch vụ đã trở thành nền kinh tế mũi nhọn phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bình quân 3 năm trở lại đây, du lịch dịch vụ đóng góp trên 50% GDP của Thừa Thiên Huế, năm 2014 đóng góp 56% GDP. Thừa Thiên Huế được đánh giá là trung tâm du lịch lớn nhất vùng Bắc Trung bộ. Tuy nhiên năm 2015, lượng khách lưu trú ở Thừa Thiên Huế giảm so với năm 2014. Đây là vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch của Tỉnh năm 2016.

Tập trung các giải pháp phát triển du lịch năm 2016

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo lý giải của ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại buổi trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Khóa VI: Năm 2015 do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp dẫn đến sự suy thoái và một số ngành dịch vụ, trong đó có du lịch tăng trưởng chậm lại và đặc biệt có thời điểm tăng trưởng âm. Trong cả nước, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015 dự ước khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt 3.250 nghìn lượt, tăng 11,8%. Tổng lượt khách lưu trú đạt 1.776 nghìn lượt, giảm 3,75% so với năm trước, trong đó khách quốc tế 745,1 nghìn lượt, giảm 2,1%.

Đánh giá năm 2015 của UBND tỉnh cho rằng, du lịch giảm sút liên tục, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, đây là vấn đề đặt ra trong phát triển. Thực tế tổng lượt khách lưu trú giảm 3,75% so với năm trước; trong đó khách quốc tế giảm 2,1%; lượt khách trong nước giảm 2,7% cho thấy môi trường du lịch của tỉnh giảm sức hấp dẫn. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, khách lưu trú đến Huế tăng trưởng chậm, lưu trú ngắn ngày, chính từ việc Huế chưa thực sự hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa có sự cạnh tranh.

Nguyên nhân hạn chế trong phát triển du lịch Thừa Thiên Huế được ông Phan Tiến Dũng lý giải tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Khóa VI là chưa có các sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh: Hệ thống sản phẩm du lịch chính là văn hóa - di sản do chậm "đổi mới chất lượng" nên dẫn đến "bão hòa", nhất là lượng khách trong nước không tăng như các địa phương khác, do vậy khả năng hấp dẫn thu hút khách ít hơn giai đoạn trước. Các di tích lịch sử văn hóa ở Huế chỉ mới khai thác được một phần trên cơ sở các điểm cũ, chưa mở rộng thêm các điểm mới, các di tích, danh thắng khác chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh để trở thành các điểm du lịch hấp dẫn. Du lịch biển, đầm phá là thế mạnh nhưng mức độ đầu tư thấp; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các điểm tắm biển thiếu đồng bộ; hệ thống dịch vụ phục vụ khách tại các bãi tắm còn manh mún, nhỏ lẻ, hoạt động mang nặng tính mùa vụ. Công tác xã hội hóa trong xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn yếu, một phần do các doanh nghiệp kinh tế, doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn quy mô còn nhỏ; thiếu năng lực và kinh phí đầu tư vào các dịch vụ cao cấp. Mặt khác, thời gian qua tỉnh kêu gọi còn ít các nhà đầu tư có thương hiệu tham gia vào lĩnh vực lưu trú, giải trí, mua sắm, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ. Còn thiếu các loại hình dịch vụ, các điểm mua sắm, các mặt hàng lưu niệm chất lượng cao

Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch

Năm 2016 là năm tổ chức Festival Huế và các chương trình phát triển du lịch dịch vụ, Thừa Thiên Huế cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, quyết liệt để phát triển du lịch. Theo Giám đốc Sở VH,TT&DL Phan Tiến Dũng, tỉnh sẽ đó ưu tiên xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch như tập trung nâng cao chất lượng loại hình du lịch di sản, mở rộng phạm vi trưng bày tham quan, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tại di tích Hoàng Thành, các lăng vua, các địa điểm khác mà du khách quan tâm. Hiện tại, sản phẩm du lịch này đã phát triển “tới ngưỡng”, do vậy phải “làm mới” và nâng cao chất lượng để tạo sự cạnh tranh với sản phẩm các địa phương xung quanh. Chọn lựa, huy động những doanh nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp cùng đầu tư nhằm đột phá, làm gia tăng các sản phẩm đặc thù với mục đích khai thác, phát huy khu Hoàng Thành, các khu vực trong Kinh Thành như: Tuyến du lịch sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, các khu Hổ Quyền, Voi Ré, Văn Thánh... tạo sự phong phú sản phẩm, tăng nhanh nguồn thu tại các di tích. Tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy loại hình du lịch tâm linh, nghiên cứu đầu tư triển khai hiệu quả dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, Thiền viện Trúc Lâm... xem đây là thế mạnh riêng của Huế nhằm thu hút các nhà nghiên cứu và du khách quan tâm đến loại hình này. Có các đề án cụ thể và cân đối mức đầu tư để phát huy các sản phẩm qua các kỳ Festival, khắc phục tình trạng chỉ trình diễn mà không sử dụng thành sản phẩm để duy trì phục vụ dịch vụ du lịch.

Ưu tiên đầu tư các sản phẩm du lịch biển tại Thuận An, Lăng Cô để phát triển mang tính chuyên nghiệp. Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu ẩm thực Huế, xem đây là sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Trong đó, khai thác triệt để các yếu tố cung đình, dân gian, y học trong ẩm thực để giới thiệu, hấp dẫn du khách.

Kết nối giao thông thuận lợi nhất cho quá trình phát triển du lịch, tạo sự liên kết với các doanh nghiệp mở các đường bay nội địa để nối tiếp Huế - Cần Thơ, Nha Trang và đường bay quốc tế nối Huế với các cố đô trong vùng. Hình thành khu dịch vụ tại cảng Chân Mây để khai thác khách du lịch tàu biển. Xây dựng các bến đỗ, bến thuyền, cầu tàu vùng đầm phá Tam Giang để phát triển du lịch. Hoàn thiện các sản phẩm du lịch tại các huyện Nam Đông, A Lưới, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để khai thác hiệu quả các sản phẩm này.

Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vào những khu du lịch dịch vụ quy mô lớn, trước mắt có cơ chế để xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp xây dựng các khu dịch vụ tại Cảng Chân Mây và trung tâm thành phố Huế. Ưu tiên thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, nhất là "các nhà đầu tư chiến lược" có thương hiệu mạnh, đẳng cấp sớm đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, phát triển và duy trì các loại hình dịch vụ du lịch nói trên tại làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn...

Xây dựng chương trình tổng thể triển khai xúc tiến quảng bá theo hướng hiệu quả, thiết thực; tăng cường xã hội hóa kinh phí, huy động các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan tham gia; tập trung các thị trường trọng điểm, đổi mới hình thức xúc tiến, chú trọng đúng tâm lý khách hàng, khắc phục nhược điểm hiện tại là chỉ quảng bá những cái mà địa phương mình có mà chưa quan tâm những cái khách cần nơi đến du lịch.

Việc phát triển du lịch Thừa Thiên Huế cần đặt trong mối quan hệ mật thiết với con đường di sản miền Trung, chú trong liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, ngoài ra còn liên kết Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và ngay cả một số nước trong ASEAN để phát huy lợi thế so sánh, tính cá biệt và các ưu thế chung trong sự liên kết này.

Theo www.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhập hồn (29/12/2015)