Công trình như sự nhắc nhớ bao thế hệ người dân Việt Nam về những người đã ngã xuống để cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.
Sáng 17-1, tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức buổi lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”.
Toàn bộ khu tưởng niệm được đặt trên diện tích khoảng 1,5-2 ha trên đỉnh núi Thới Lới, phía Đông Bắc đảo. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.
Nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương cùng đông đảo thân nhân các tử sĩ quân đội chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ trong trận hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974, cùng hơn 150 người dân Lý Sơn là hậu duệ của các đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa cũng đến núi Thới Lới dự buổi lễ.
Bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
Ông Phạm Quang Tĩnh (85 tuổi) cùng con trai là Phạm Quang Viên (53 tuổi) là con cháu của tướng Phạm Quang Ảnh đến từ sáng sớm. Ông Tĩnh trầm ngâm nhìn về phía biển Hoàng Sa chờ đợi buổi lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công công trình mà cha con ông đã chờ đợi.
Ông Tĩnh cho biết ông là đời thứ tư của tướng Phạm Quang Ảnh bao đời nay bám biển Hoàng Sa như bao trai tráng Lý Sơn. Dù gặp thiên tai, địch họa nhưng chưa bao giờ những chiếc tàu cá Việt Nam thôi ra Hoàng Sa.
“Tui già rồi không đi biển được, giờ chỉ con tui đi thôi. Nay nghe khởi công Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa nên cha con lên xem vì cha ông mình cũng từng ra khơi cắm mốc chủ quyền”, ông Tĩnh nói.
Ông Tĩnh (đi trước) cùng con trai có mặt tại buổi lễ từ rất sớm - Ảnh: Trần Mai |
Những người phụ nữ Lý Sơn là mẹ, vợ của các ngư dân cũng dẫn con cháu đến tham gia khởi công Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Ngư dân Huỳnh Thạch (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) có tàu cá vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt ở vùng biển từ Hoàng Sa đến Vịnh Bắc Bộ ngày đầu năm 2016 kể về phiên biển kinh hoàng vừa xảy ra khiến cả hội trường thinh lặng.
Tiếp nối câu chuyện của ngư dân Thạch, Tiến sĩ Nguyễn Nhã người viết cuốn sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” khẳng định “Nhiều tư liệu sử sách đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này từ rất sớm”.
Ông Trần Hòa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), nguyên là binh sĩ Quân y Việt Nam Cộng Hòa từng đồn trú ở Hoàng Sa trước năm 1974 cũng lặn lội từ Quảng Nam vào tham gia buổi lễ.
Ông chia sẻ từng đến Hoàng Sa trên chiến tàu Hương Giang 404 xuất phát từ cảng Đà Nẵng ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa.
Trong thời gian đồn trú ở đây, nhiệm vụ của những người lính ông Hòa ngày đó cũng là phục bắt tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam.
Tuy nhiên khi ngư dân Trung Quốc bị gió bão, những người lính này vẫn dang tay cứu giúp cho đến khi hết bão và họ có tàu trở về nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã khẳng định Việt Nam có bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Tấn Vũ |
Một công trình ý nghĩa
Công trình như sự nhắc nhớ cho bao thế hệ người dân Việt Nam về những người đã ngã xuống để cắm mốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này. Nhưng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm, những người con Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.
Họ đã ngã xuống trong mưa đạn, trong nỗi đau khôn cùng trước chủ quyền biển đảo bị mất.
“Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì Khu Tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối”, ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Đây là công trình thứ 2 năm trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Công trình thứ nhất là “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Gạc Ma” được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa vào tháng 3-2015.
Với công trình ý nghĩa này, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia ủng hộ số tiền hơn 14 tỉ đồng, góp sức xây dựng công trình. Đồng thời trong buổi lễ cũng trao cả trăm phần quà trị giá hàng tỉ đồng cho người dân, học sinh... có hoàn cảnh khó khăn và ngư dân can trường bám biển.
Theo TTO