Sự dốc sức truyền dạy của các nghệ nhân đã đưa các bài hát, điệu nhạc, điệu múa cổ của đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) từ chỗ bị lãng quên đã hồi sinh và lan tỏa mạnh mẽ.
Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều, nhiều thanh thiếu niên trong bản ở xã Hồng Kim tập trung ở trụ sở UBND xã để học dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ của dân tộc mình. Lớp học do các nghệ nhân “gạo cội” trong xã đứng ra truyền dạy miễn phí. Khoảng sân rộng của trụ sở xã bỗng chốc rộn rã tiếng hát, điệu múa hòa quyện trong âm thanh của các nhạc cụ truyền thống. Nghệ nhân Hồ Văn Xếp (72 tuổi) là một trong 9 nghệ nhân tham gia truyền dạy cho lớp học. Tối nào, ông Xếp cũng truyền cho dân bản các bài dân ca theo các điệu: cha chấp, kâr lơơiq, ru i con, ru a cay, ni nơi, ân tooch, tâng ơi... từ phần lời cho đến cách thức thể hiện. Ở các khoảng sân bên cạnh, các nghệ nhân Quỳnh Lương (67 tuổi), Lê Văn Yên (72 tuổi), Hồ Dui (86 tuổi)... miệt mài chỉ bảo cho người học các điệu múa ri răm, poon, ẹo, ra doóc và cách sử dụng các cồng, chiêng, khèn bè, abel...
Dưới sự chỉ dạy nhiệt tình, bài bản và dễ hiểu của các nghệ nhân, dân bản rất dễ tiếp thu các bài hát, điệu nhạc, điệu múa cổ của dân tộc mình. Nhờ đó, chỉ sau vài đêm tham gia lớp học, nhiều người đã có thể hát được nhiều bài dân ca, thể hiện được các điệu múa, bản nhạc cổ của người Pa Cô. “Chúng tôi đã sắp nằm xuống với đại ngàn nên phải tranh thủ truyền lại nét văn hóa truyền thống của cha ông cho lớp trẻ. Thấy chúng đam mê học hỏi chúng tôi vui lắm, quên hết mệt nhọc”- nghệ nhân Lê Văn Yên phấn khởi kể.
Cũng như xã Hồng Kim, tại nhiều xã khác ở A Lưới như Hồng Hạ, A Ngo..., thời gian qua đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ của đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi do các nghệ nhân cộng đồng đứng lớp. Nghệ nhân Căn Lộc (xã Hồng Hạ) cho biết, sau khi được bà cùng một số nghệ nhân khác ở xã truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ, hàng chục thanh thiếu niên Cơ Tu trên địa bàn đã trở thành những hạt nhân truyền lửa nghệ thuật truyền thống. “Sau khi học bài bản từ chúng tôi, những thanh thiếu niên này đã về 5 thôn bản trên địa bàn xã truyền dạy lại cho người khác, nhất là lớp trẻ. Nhờ đó, số đồng bào ở địa phương biết về dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ tăng nhanh theo cấp số nhân”- bà Căn Lộc kể.
Việc mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ cho đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi là một trong những hoạt động nhằm thực hiện đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số H. A Lưới”. Bà Hồ Thị Tư- Phó trưởng Phòng VHTT huyện cho biết, xuất phát từ thực trạng các nghệ nhân am tường nghệ thuật truyền thống ngày càng ít dần, trong khi dân bản thì lãng quên nét văn hóa của cha ông, nhiều năm qua huyện kêu gọi sự chung sức của các nghệ nhân vào công tác bảo tồn. Hưởng ứng chủ trương của huyện, các nghệ nhân gạo cội ở nhiều xã dù tuổi cao sức yếu nhưng đã và đang dốc sức truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho dân bản.
Theo bà Tư, sự nhiệt huyết của các nghệ nhân và sự đam mê học hỏi của dân bản đã đưa dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ của đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi từ chỗ bị lãng quên nay đã “sống lại” và lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay tất cả 133 làng bản ở 21 xã, thị trấn của huyện đều đã có đội văn nghệ dân gian. Vì vậy, thời gian gần đây, các lễ hội ở huyện được tổ chức bài bản nhờ những tiết mục dân ca, dân nhạc, dân vũ mang đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo H.Lan- N.Thùy ( cadn.com.vn)