Không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời của Thừa Thiên Huế, làng chài Thuận An (nay thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) còn được biết đến với những huyền tích linh thiêng và lễ hội cầu ngư được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm.
Nghi lễ cổ truyền của dân tộc Làng Thuận An nằm cách Thành phố Huế về phía Đông 12km, nơi đây lưu giữ những tập tục, tín ngưỡng có ý nghĩa sâu đậm của nghề chài lưới truyền thống khai thác thủy, hải sản trên biển và đầm phá Tam Giang. Theo sách “Ô châu cận lục”, làng Thuận An được thành lập đã hơn 500 năm. Trong làng vẫn còn nhiều di tích cổ như miếu thờ cá ông (cá voi), miếu thờ Thái Dương phu nhân (thờ Mẫu Chăm pa), Đài Trấn Hải thời Nguyễn… Hàng năm, đầu tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để dân làng tưởng nhớ vị khai canh Trương Quý Công đã thành lập làng, và dạy nghề đánh cá, nên lễ hội tổ chức đúng vào ngày mất của ông, 12 tháng Giêng âm lịch. Theo truyền thống cứ “tam niên đáo lệ”, 3 năm một lần, đáo lệ thì tổ chức long trọng nhất. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 10 tháng Giêng đến 12 tháng Giêng âm lịch. Cả 3 ngày dân làng tắt bếp, tổ chức ăn cơm chung (theo đơn vị thôn). Ngày mùng 10 thanh niên tổ chức các trò chơi thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi… Ban đêm làng mời các đoàn hát bội, ca Huế về diễn miễn phí. Ngày 11, từ 5 giờ sáng bắt đầu cúng tế ở đình làng và am miếu. Ngày 12 làm lễ chính cầu an, tưởng niệm các vị tiền nhân tại đình làng và đua trải trên phá Tam Giang. Sau đó, khai hội diễn trò “cầu ngư” ngay trước sân đình, gồm các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản… Mong muốn an lành của ngư dân Mở màn, một bô lão đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới “sóng yên biển lặng”, làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi trống đại. Vừa dứt tiếng trống, một vị trung niên mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá đầu bịt khăn đỏ, mặc trang phục dân chài lưới, làm bộ điệu khôi hài gây náo nhiệt. Trống lệnh lại gióng lên báo hiệu trò chơi bủa lưới. Một vị cao tuổi ném tiền và quà bánh xuống sân đình cho trẻ em nhặt, các em (đều là học sinh) đã được hóa trang thành cá, mực, tôm… Diễn trò câu cá. Trong lúc cá, mực, tôm, cua (bọn trẻ) chạy nhảy thì các trai tráng lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền bằng tre trang hoàng màu sắc rực rỡ, trên ghe có người tung lưới bắt đám trẻ. Tiếng trống lại vang lên báo hiệu trò chơi “ruỗi bộ” (“ruỗi” - phương ngữ Huế chỉ việc mua bán cá) bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài con cá (đứa trẻ xinh xắn) đến trước bàn thờ làm lễ. Số trẻ (đóng vai cá tôm) còn lại được ngồi vào thúng lớn, để hàng chục phụ nữ gánh xuống bến trước đình làng rửa tay chân sạch sẽ, rồi chạy ra chợ bán, họ cũng làm bộ điệu mua bán, lấy tiền như thật. Theo lệ làng từ trước đến nay, tất cả các vai diễn đều do dân làng thực hiện (không được nhờ diễn viên). Ngày xưa nghiêm khắc hơn, bắt buộc các vai nữ do đàn ông đóng thế và khi thuyền xuất hành ra khơi các phụ nữ phải tránh đường. Đến nay, lễ hội cầu ngư tháng Giêng ở làng Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, được gìn giữ và tổ chức hàng năm rất trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước. |
Theo Dân Việt |