Trong chỉ dụ, vua viết: “Các thánh đế minh vương đời xưa muốn cầu nhiều phước đều có dự định đất tốt vạn niên để mong trời cho cơ đồ dài lâu. Kể từ đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta khôi phục miếu xã, xây dựng các lăng, lại dự kế cất để nghìn muôn năm, năm Gia Long đã từng hạ sắc cho bầy tôi tìm kiếm ngôi Vạn niên cát địa. Nay trẫm kính lo đường kế thuật, may gặp buổi thái bình, việc phần mộ không thể không dự tính trước. Vậy hạ lệnh cho đình thần cùng với Khâm thiên giám đi đến miền núi thuộc các xã Kim Ngọc, Định Môn, lựa trước ngôi “Vạn niên đại cát địa” và ngôi “Vạn niên cát địa”, cho được gần chốn khí thiêng mà để lại phước ấm về sau. Các khanh đều nên hết lòng nhận kỹ, cốt cho thoả hợp, rồi vẽ địa đồ dâng trình, đợi trẫm thân đến lựa chọn”.
Sau khi các quan đi khảo sát trở về có những ý kiến khác nhau. Một số người tiến cử ngôi đất ở xứ Cổ Dụng, xã Kim Ngọc tọa Mùi hướng Sửu kiêm hướng Quý ba phân làm ngôi “Vạn niên đại cát địa” và ngôi đất xứ Gia Phước, xã Định Môn tọa Bính hướng Nhâm, kiêm hướng Hợi làm ngôi “Vạn niên cát địa”.
Tuy nhiên các quan ở Khâm thiên giám như Nguyễn Danh Giáp và Trần Văn Hân thì nhận xét rằng ngôi đất ở xứ Gia Phước minh đường chật hẹp, không có chỗ nước tụ và nước sông chảy lệch nên chưa phải là tốt. Ý kiến này được một số vị quan khác đồng tình.
Sở dĩ việc ngôi đất không có chỗ nước tụ khiến các quan còn ngờ là vì trong bài Địa đạo diễn ca, một bài ca tổng kết các kiểu đất và hình thế đất kết, cụ Tả Ao đã viết: “Huyệt cát nước tụ vào lòng; Đôi bên long hổ uốn vòng chiều lai; Huyệt hung minh đường bất khai; Sơn tà thủy xạ hướng ngoài tà thiên”.
Sau đó quan Lê Công Tường tiến cử một ngôi đất ở xứ Nhự Mai, phường An Bằng được quan Khâm Thiên giám là Nguyễn Danh Giáp và Hoàng Công Dương đều khen là toạ Tuất, hướng Thìn, kiêm hướng Tân Ất, là ngôi đất tốt. Nhiều vị quan khác trong nhóm được cử đi tìm đất cũng đều khen ngợi ngôi đất này.
Tuy nhiên một số quan như Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Huy Tá và Phan Cử lại thấy ngôi đất ở Nhự Mai không thấy chỗ mạch khí dồn thắt. Sở dĩ việc mạch khí không dồn thắt khiến các quan lo ngại là vì trong khoa địa lý, sách vở chỉ dẫn rằng bắt buộc phải có nút thắt mới có huyệt kết.
Như trong bài "Địa đạo diễn ca" của cụ Tả Ao, cụ đã nhiều lần nhấn mạnh về việc phải có nút thắt. Câu 51 cụ viết: “Thắt cổ bồng phồng ra huyệt kết” và câu 59 lại nhấn mạnh “Thắt cuống cà phì ra mới kết”.
Một góc lăng Minh Mạng ngày nay. Ảnh: Internet.
Vì các quan có nhiều ý kiến bất đồng nên vua lại sai Kiến An công Đài, Định Viễn công Bính cùng với các đại thần là Trần Văn Năng, Phan Văn Thuý và Lương Tiến Tường, đi phước duyệt lần nữa. Khi về họ đều nói : “Trải xem các kiểu đất chỉ có xứ Lẫm Sơn đáng là ngôi “Vạn niên đại cát địa” và xứ Kiều Long đáng là ngôi “Vạn niên cát địa”, ý kiến đều giống nhau.
Nhân thế nhà vua nói : “Trẫm vì kế ức muôn năm của nhà nước từng đã sắc dụ các quan tìm chọn đất tốt, nay đã bàn kỹ trình xem. Lại nghĩ Dao cung (đây chỉ chỗ Thái hậu ở) yên vui, tuổi thọ còn dài, cái lòng tôn thân đều mong được lên tiếng chúc thọ mãi mãi ; vậy ngôi “Vạn niên đại cát địa”, lòng trẫm chưa yên, không nên bàn vội. Duy ngôi “Vạn niên cát địa” thì cũng nên bắt chước đời xưa, dần dần xây dựng, đợi sau này lần lượt xuống chỉ thi hành cũng là phải”.
Tuy nhiên theo Wikipedia, việc xây lăng cho mình, vua Minh Mạng còn cân nhắc suốt 14 năm, đến năm 1840 mới quyết định cho xây dựng lăng ở núi Cẩm Khê (tức là cuộc đất ở xứ Nhự Mai).
Theo "Đại Nam thực lục", năm 1840 vua Minh Mạng đặt tên núi Cẩm Khê thành Hiếu Sơn. Vua đích thân ngự đến đấy xem và bảo thị thần rằng: “Núi này phong thuỷ rất tốt từ trước chưa ai xem ra. Nay mới xem được chỗ đất tốt ấy, thực đáng vui mừng”.
Theo Wikipedia, cuộc đất ở núi Cẩm Kê này gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành sông Hương, cách kinh thành Huế 12 km. Việc xây lăng được tiến hành đến tháng 8/1840 thì vua lên kiểm tra thấy không vừa ý nên đình chỉ công việc và giáng chức quan trông coi. Một tháng sau đó mới lại cho tiếp tục công việc trở lại.
Tuy nhiên công việc xây lăng tiến hành chưa bao lâu thì tháng 1/1841 vua Minh Mạng qua đời. Sau đó vua Thiệu Trị nối ngôi đã sai các đại thần huy động gần 1 vạn lính và thợ thi công tiếp lăng cho vua cha theo đúng bản vẽ đã được Minh Mạng chuẩn y. Ngày 20/8/1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành nhưng việc xây lăng thì mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn tất.
Lăng Minh Mạng được đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp, cân bằng đối xứng trên diện tích 18 ha. Ngày nay đây là một trong những điểm du lịch rất thu hút du khách, chỉ sau lăng Tự Đức.
Theo Nam Khánh ( Kiến thức)
|