Tạp chí Sông Hương -
Trung Quốc đưa kẻ cướp Gạc Ma trở lại Biển Đông để làm gì?
08:36 | 21/03/2016

Một trong số những kẻ đã tấn công và tàn sát dã man những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma 28 năm trước vừa trở thành chỉ huy Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa kẻ cướp Gạc Ma trở lại Biển Đông để làm gì?
"Kẻ cướp Gạc Ma" Dương Chí Lượng (trái) được báo chí Trung Quốc tung hô trong chuyến "trở lại Gạc Ma sau 28 năm" vào đầu năm 2016, như một cách tuyên truyền đổi trắng thay đen trắng trợn về cuộc xâm lược Trường Sa 14/3. (Ảnh: 81.cn)

Kẻ cướp Gạc Ma trở lại biển Đông

Trong số nhiều tướng lĩnh, sĩ quan chỉ huy, binh sĩ của Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược ở Trường Sa năm 1988, có một cái tên mà mới đây đã được Bắc Kinh đưa trở lại biển Đông và rêu rao với danh nghĩa "anh hùng chiến đấu": Dương Chí Lượng.

Đầu năm 2016, quân đội Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền cho chuyến "trở lại Gạc Ma" của Dương Chí Lượng và dùng đủ thứ ngôn từ hoa mỹ để "làm sống dậy" một cách lố bịch cái gọi là "ký ức gìn giữ chủ quyền biển đảo hào hùng" mà thực chất là một cuộc xâm lược.

Trước đó, tháng 11/2015, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin, Đại tá Dương Chí Lượng đã trở thành Phó chủ nhiệm Cục chính trị Hạm đội Nam Hải, thuộc Hải quân Trung Quốc. Trước đó, Dương là Phó chính ủy Hàng không binh thuộc Hạm đội Bắc Hải.


Ảnh chụp Dương Chí Lượng năm 2013. (Nguồn: CNR)

Ảnh chụp Dương Chí Lượng năm 2013. (Nguồn: CNR)

Hạm đội Nam Hải là Hạm đội đặc trách Biển Đông. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), Trung Quốc đang muốn xây dựng Nam Hải thành hạm đội mạnh nhất của hải quân nước này phục vụ cho tham vọng của họ ở châu Á-Thái Bình Dương mà trước mắt là độc chiếm Biển Đông.

Đây là lực lượng đã sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chiếm giữ trái phép cho đến ngày nay.

Các chiến hạm của Trung Quốc trực tiếp thực hiện cuộc xâm lược đánh chiếm bất hợp pháp đá Gạc Ma của Việt Nam năm 1988 cũng thuộc biên chế Hạm đội này.

Dương Chí Lượng: Công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh

Về Dương Chí Lượng, sự nghiệp trong quân đội của ông ta suốt gần 30 năm sau trận hải chiến Trường Sakhông có gì nổi bật.

Chi tiết khơi dậy sự chú ý của dư luận đối với nhân vật này cho đến nay chỉ là cái gọi là "danh hiệu Vệ sĩ Nam Sa (Nam Sa là tên gọi vô giá trị mà Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam)".

Trong tư liệu công khai, lý lịch công tác của Dương được giới thiệu đơn giản: Nhập ngũ năm 1981, thi vào Học viện tàu chiến hải quân Đại Liên năm 1983, từng công tác trên tàu nổi, cơ quan hải quân, tàu ngầm, hậu cần...

Trong báo cáo về việc thăng chức của Dương Chí Lượng, truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh: "Anh dũng chiến đấu và bị thương trong trận hải chiến đá Gạc Ma 14/3, vinh dự lập chiến công hạng nhất".

Cái gọi là “chiến công” đó là gì?

Trong một bài phỏng vấn hiếm hoi được đăng trên website của Đài tiếng nói trung ương Trung Quốc (CNR) vào tháng 9/2013, Dương Chí Lượng đã nói về sự kiện 14/3/1988.

Dương đã thừa nhận hành động quân sự bài bản và chuẩn bị kỹ lưỡng của quân Trung Quốc xâm lược : "Sau khi tổ của tôi lên (đá Gạc Ma) thì tập hợp với tổ đầu tiên, sau đó lực lượng phía sau lần lượt đổ bộ lên đảo.

Khi đó có binh lính của 2 tàu đổ bộ lên đá Gạc Ma, nên lập thành hai đội, gây sức ép lên 'địch' (tức các chiến sĩ Việt Nam-PV) từ hai phía.

Tôi thấy đội hình này hết sức dày đặc, bèn dẫn tổ của mình tiến từ bên hông. Tổ của tôi là nhóm xông lên phía trước đầu tiên. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng giao chiến cùng 'địch'."

"Chúng tôi từng bước thu hẹp khoảng cách với lính Việt Nam, từ 500m, 200m, 100m, 50m... cho đến khi tiếp cận vị trí Việt Nam cắm quốc kỳ và chiến đấu mặt đối mặt."


Dương Chí Lượng cùng lính Trung Quốc trên tàu khu trục 502 xâm lược quần đảo Trường Sa, đánh cướp đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988. (Ảnh: 81.cn)

Dương Chí Lượng cùng lính Trung Quốc trên tàu khu trục 502 xâm lược quần đảo Trường Sa, đánh cướp đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988. (Ảnh: 81.cn)

Trong tường thuật của mình, Dương cũng tự vạch trần tội ác của quân Trung Quốc, khi xác nhận các chiến sĩ Việt Nam chủ yếu "vận chuyển vật liệu, chuẩn bị xây dựng các công trình (một cách hợp pháp-PV)" trên đá Gạc Ma.

"Bọn họ (các chiến sĩ Việt Nam) đang tiến hành thi công, trong khi một tốp đứng phía trước để bảo vệ các binh sĩ đang xây dựng. Chúng tôi đã nhằm vào nhóm binh sĩ bảo vệ quốc kỳ Việt Nam," Dương kể.

Sau tình huống tiếng súng đầu tiên vang lên, đạn pháo từ các tàu Trung Quốc đã nhằm thẳng vào tàu vận tải của Việt Nam cũng như các chiến sĩ của ta.

Dương Chí Lượng kể lại: "Chiến hạm của chúng ta tấn công hỏa lực vào tàu Việt Nam. Chỉ trong 8 phút, tàu vận tải của Việt Nam đã bị đánh chìm."

Cuộc xâm lược Trường Sa của Hải quân Trung Quốc, cho đến nay vẫn là trận hải chiến gần nhất mà quân đội nước này tham chiến.


Dương Chí Lượng kể lại trận hải chiến Trường Sa cho đồng đội - một trong nhiều hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc của chính phủ Trung Quốc nhằm đổi trắng thay đen bản chất cuộc xâm lược quần đảo Trường Sa. (Ảnh: 81.cn)

"Dương Chí Lượng kể lại trận hải chiến Trường Sa cho đồng đội" - một trong nhiều hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc của chính phủ Trung Quốc nhằm đổi trắng thay đen bản chất cuộc xâm lược quần đảo Trường Sa. (Ảnh: 81.cn)

Trong thời gian nằm viện do bị thương ở Gạc Ma, Dương Chí Lượng tiếp tục được truyền thông nhà nước Trung Quốc mang ra làm công cụ tuyên truyền cho cuộc xâm lược.

Sau khi trở lại quân đội, Dương được điều chuyển tới Hạm đội Bắc Hải và đã phục vụ ở đó cho đến khi trở lại Hạm đội Nam Hải vào năm ngoái.

Cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã trôi qua 28 năm, nhưng đến nay, "quân bài" Dương Chí Lượng một lần nữa được Bắc Kinh trọng dụng.

Trong bối cảnh hiện tại, dư luận quốc tế đang phản đối gay gắt các hành động bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc, cũng như các hành động hung hăng nhằm quân sự hóa ở biển Đông.

Đồng thời, khả năng lớn Bắc Kinh thua Philippines trong vụ kiện ở Tòa thường trực quốc tế (PCA) khiến nước này có thể không còn sử dụng được tuyên bố chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" ở biển Đông.

Việc đưa Dương Chí Lượng - một nhân vật mờ nhạt suốt 28 năm qua - trở lại biển Đông rất có thể không ngoài mục đích khơi lại và tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc, nhằm duy trì sự ủng hộ trong nước đối với Bắc Kinh trước những lung lay về pháp lý ở quốc tế.

Theo Soha

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng