Tạp chí Sông Hương -
Tìm hướng đi cho du lịch cộng đồng (Homestay) ở huyện A Lưới
08:55 | 06/04/2016
Tìm hướng đi cho du lịch cộng đồng (Homestay) ở huyện A Lưới
Bản Mai Hịch, xã Vân Hồ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

 

Homestay đã hình thành ở một số địa phương từ năm 2010, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa phát triển, vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn, còn nhiều điểm phải khắc phục, học hỏi…nếu muốn hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững.    

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng đoàn nghiên cứu, học tập mô hình du lịch cộng đồng của các tỉnh Sơn La, Hòa Bình. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Du lịch bền vững, có trách nhiệm ở các tỉnh miền Trung được tài trợ bởi Chính phủ Luxembourg được triển khai ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Văn phòng UNESSCO tại Việt Nam cùng với lãnh đạo UBND hai tỉnh và các cơ quan liên quan và Công ty CBT Travel tổ chức chuyến tham quan cho chính quyền địa phương, các hộ kinh doanh và cộng đồng làm du lịch.

Chuyến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng không thể nào quên về cách làm du lịch cộng đồng của người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) và người HMông ở Sơn La.

Đoàn tham quan, học tập mô hình du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam

Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình

Hòa Bình hiện có 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách, đó là: Bản Lác, bản Mai Hịch (huyện Mai Châu), bản Mường và xóm Ải (huyện Cao Phong). Chúng tôi được anh Đỗ Lê Phương - Phó phòng nghiệp vụ Du lịch tỉnh Hòa Bình dẫn vào tham quan bản Lác, một bản làng sinh sống của người Thái nằm giữa thung lũng Mai Châu.

Từ Thành phố Hòa Bình đi về phía Tây Bắc, từ trên đèo cao nhìn xuống thung lũng Mai Châu, bản Lác- nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái đẹp như một bức tranh sơn thủy. Khói bếp bay lên từ những ngôi nhà sàn và mây trắng quyện vào nhau khiến cho chúng tôi liên tưởng đến 2 câu thơ của thi sĩ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi..”.

Nằm dưới thung lũng Mai Châu, bản Lác có 115 hộ/500 nhân khẩu, trong đó người Thái chiếm 98%, còn lại là người Kinh và người Mường. Được biết, trước đây, dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Năm 1993, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó, mọi người trong bản đều biết làm du lịch, đưa bản Lác trở thành một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.

Ở bản Lác, chúng tôi quan sát thấy rất nhiều các quầy hàng trưng bày hàng thổ cẩm, lụa tơ tằm, túi thêu cỡ to, cỡ nhỏ nằm ngay dưới chân nhà sàn. Những cô gái Thái trong trang phục truyền thống vừa bán hàng lưu niệm vừa tranh thủ quay tơ dệt vải. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như: Váy xòe Thái; vải treo tường có trang trí; dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Du khách tới đây tha hồ lựa chọn những chiếc váy thổ cẩm, khăn quàng để rồi biến mình trở thành cô gái Thái đi dạo quanh bản làng.

Hiện tại ở bản Lác có 45 ngôi nhà sàn làm “khách sạn” cho khách lưu trú, được xây cất theo quy hoạch hẳn hoi, được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 45. Nhà sàn với kiến trúc giản dị, không gian thoáng mát, được làm bằng mây, tre, nứa hoặc những tấm gỗ tốt được thiết kế rất chắc chắn, phần mái nhà được lợp bằng lá cọ, lá cỏ tranh tết với nhau hoặc ngói.

Điều đặc biệt là, người Thái vẫn giữ được truyền thống nhà sàn theo kiến trúc truyền thống 100%, không cách tân theo thời thế. Mỗi nhà sàn có thể ở được từ 30 - 40 người, có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Sát cạnh sàn ngủ, nghỉ là sàn ngồi để ăn cơm và uống trà. Chỉ với mức giá 80.000 đồng/người, du khách đã có thể sở hữu một khoảng sàn chừng 1,2 x 2 m để ngả lưng qua đêm. Một người trong bản Lác cho biết: “Khách lưu trú tại bản rất nhiều, nhưng không vì thế mà chúng tôi lại nâng giá dịch vụ, “chặt chém” du khách như những nơi khác. Du khách khi tới tham quan bản làng người Thái hãy yên tâm về vấn đề này. Cả 45 ngôi nhà làm du lịch đều có một giá không đổi”.

Đến Homestay Minh Thơ, CBT Mai Hịch, Mai Châu

Được nghe chủ hộ Homestay Minh Thơ, CBT Mai Hịch trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, quản lý, tiếp khách…  ai cũng hài lòng, tâm đắc và thốt ra rằng “làm du lịch cộng đồng” không quá khó như ta vẫn tưởng.

Chủ hộ Homestay Minh Thơ, CBT Mai Hịch chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cho đoàn Thừa Thiên Huế và Quảng Nam

Giao lưu văn nghệ cộng đồng

Homestay tại A Lưới: Thiếu chiến lược phát triển

Nhận xét về tiềm năng du lịch cộng đồng của A Lưới, ông Dương Minh Bình - Giám đốc Công ty CBT - một chuyên gia về loại hình du lịch này cho rằng: A Lưới có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

A Lưới có nền văn hóa phong phú, được tạo dựng nhiều dân tộc khác nhau: Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Kinh... nhiều di tích lịch sử, hệ sinh thái đa dạng, phong phú…Với nguồn tài nguyên này, A Lưới trở thành một địa phương hàng đầu về du lịch cộng đồng nếu quản lý tốt và có chiến lược phát triển một cách bền vững".

Homestay đã và đang được hình thành ở một số địa phương nhưng loại hình du lịch này chưa được quy hoạch. Người dân và chính quyền các địa phương cũng chưa biết cách làm homestay đúng nghĩa. Vấn đề truyền thông cho du lịch cộng đồng hiện nay gần như không có. Thế nên, không ít điểm lâm vào tình trạng ế ẩm. Điển hình là mô hình homestay tại A Hưa, xã Nhâm, thời gian gần đây hầu như không có khách.

Tuyến đường 49 từ Huế lên A Lưới đã được đầu tư, nâng cấp, cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn ngày càng được đầu tư. A Lưới có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng…. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, cái điều kiện đủ kia, để du lịch cộng đồng A Lưới thật sự phát triển vẫn như một bài toán chờ người làm du lịch đi làm lời giải.

Theo Hà Thiên ( aluoi.thuathienhue.gov.vn)
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng