Luôn phải chống lại những cơn ác mộng
Stephen King thường bị ác mộng khủng khiếp. Trong cuốn tiểu sử về ông nhan đề Haunted Heart: The Life And Times Of Stephen King, nữ tác giả Lisa Rogak đã khám phá ra bí quyết thành công của người được mệnh danh là “vua tiểu thuyết rùng rợn” này: “Ông ấy tin rằng mình chỉ có thể “trị” được những cơn ác mộng nếu viết về chúng”. Những cơn ác mộng ấy đã giúp King có được thành công nhưng cũng từng làm cuộc đời nhà văn này trải qua thời kỳ giống như một “câu chuyện rùng rợn”.
Cha của Stephen King, ông Donald, là một người bán máy hút bụi và có thói trăng hoa. Ông bỏ nhà ra đi vào năm 1949 khi King mới 2 tuổi. Mẹ của King làm công việc dọn dẹp nhà cửa cho người khác với mức thù lao hết sức rẻ mạt không đủ để nuôi con, thế nên bà phải gửi hai con trai đến sống với họ hàng thân thích.
Để chạy trốn những cơn ác mộng, King nghiện rượu khá sớm. Ông từng bị bắt một tháng trước khi tốt nghiệp đại học vì tội ăn cắp sau khi uống rượu say tại một quán bar. Nhưng đây chỉ là dấu hiệu cho những hành vi đáng lo ngại hơn sẽ xảy ra sau đó. King kết hôn với người bạn học Tabitha Spruce hồi tháng 1/1971, nhưng cô con gái Naomi của họ được sinh ra trước đó nửa năm, rồi cậu con trai Joe cất tiếng khóc chào đời vào năm 1972. Vợ chồng King và những đứa con phải sống chật vật với đồng lương giáo viên trung học của ông.
Việc phải đến làm trong một hiệu giặt ủi vào những ngày nghỉ dạy để có thể thanh toán các hóa đơn và bị một loạt nhà xuất bản từ chối in sách đã khiến King càng trở nên chán nản. Khi uống say, những cơn giận của ông đổ dồn vào con cái. “Tôi muốn túm lấy và đánh chúng”, King thừa nhận, “Nhưng tôi không làm vậy. Tôi cảm thấy có lỗi bởi những cơn bốc đồng tàn bạo của mình. Khi đó, tôi chưa chuẩn bị cho vai trò làm cha”.
Cái chết của mẹ ông vào cuối năm 1973 đã khiến King buồn đến mức tưởng như không thể gượng dậy được. Lúc ấy ông phát hiện ra một cách “đối phó” với những cơn ác mộng: viết về chúng. Carrie, tiểu thuyết đầu tay ra mắt năm 1974 được viết từ những gì King thấy trong mơ, nhanh chóng gặt hái thành công, mang lại cho tác giả 100.000 USD, hơn hẳn số tiền mà ông từng ao ước có được trong cả đời mình. Từ đó King lao vào viết lách, miệt mài làm việc với chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. Các tác phẩm liên tiếp ra đời nhưng những cơn ác mộng vẫn không chấm dứt. Hồi thập niên 1980, King tìm được một cách nguy hiểm hơn để thoát khỏi hiện thực: Ngoài rượu, ông còn sử dụng cả ma túy. Và King tiếp tục phương châm: Nếu ta viết về điều gì đó tồi tệ thì nó sẽ không bao giờ xảy ra. Suy nghĩ đó đã khiến ông cho ra đời cuốn The Shinning. Vì chứng nghiện rượu mà đã có lần King bị vợ đuổi ra khỏi nhà. Nhưng hành động của người vợ cũng không khiến King muốn giảm việc rượu chè vì nhà văn sợ rằng nếu thiếu “hơi men”, ông sẽ không thể viết gì được. Đó quả là điều khủng khiếp với King bởi công việc viết lách là cách duy nhất để ông đối diện với những suy nghĩ đen tối luôn vây bủa mình.
Sẽ viết về nỗi sợ hãi lớn nhất
Hồi nửa cuối thập niên 1980, sau những best-seller như It và Misery, cuộc đời của King thực sự trở thành một câu chuyện đáng sợ: Ông chỉ tỉnh rượu 3 tiếng/ngày và “tôi thường nghĩ tới việc tự tử”. Hậu quả của rượu và ma túy khiến hiện tượng mất trí nhớ xảy đến với ông thường xuyên hơn và cuốn The Tommyknockers mà nhà văn tung ra năm 1987 đã bị chỉ trích thậm tệ. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng King đã ở chặng cuối của sự nghiệp.
Thật may mắn là King không rơi vào tình trạng đó. Người vợ động viên ông vào trại cai nghiện và nhà văn đã từng bước thoát khỏi rượu, ma túy. Giờ đây đã cai nghiện được hoàn toàn nhưng King vẫn phải lao vào việc sáng tác để giúp ông giảm bớt những nỗi sợ hãi của mình. Mặc dù những năm qua, nhà văn này chú tâm vào viết nhiều chủ đề, từ gã hề trong cuốn It tới những người hâm mộ cuồng nhiệt trong Misery, nhưng có một nỗi sợ hãi mà ông chưa tìm ra cách để “xử lý”: “Loài nhện khiến tôi kinh hãi nhất. Và tôi muốn viết về chúng vì loài vật này cũng khiến nhiều người khác khiếp sợ”. Hy vọng với nỗi sợ hãi này, ông sẽ lại tung ra một tác phẩm khiến độc giả “sởn da gà”.
Theo TT&VH |