Tạp chí Sông Hương -
Hội thảo khoa học: Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016)
06:35 | 08/05/2016

Sáng ngày 07 tháng 5, Khoa ngữ văn, Trường đại học khoa học – Đại học Huế đã tổ chức cuộc hội thảo: Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016). Hội thảo là sự gặp gỡ của nhiều kiến giải, nhận định từ các nhà nghiên cứu phê bình văn học về những thành tựu của văn học Việt Nam kể từ năm 1986 cho tới nay. 

Hội thảo khoa học: Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016)

Nhìn chung, những tham luận trong hội thảo đã bao quát được thành tựu của các lĩnh vực cốt yếu như thực tiễn sáng tác, lý luận, phê bình, dịch thuật văn học trong ba thập niên qua. Về diện mạo của khoa nghiên cứu văn học thời kỳ đổi mới, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cho rằng: Thành tựu nổi bật nhất của khoa nghiên cứu văn học thời kỳ đổi mới là việc đánh giá công bằng đối với các hiện tượng văn học (khuynh hướng, trào lưu, tác giả, tác phẩm) trong quá khứ.

 

 
PGS - TS Nguyễn Thành phát biểu tại hội thảo  

 

Hội thảo đã thu hút được hơn 70 tham luận của các nhà khoa học và những người yêu văn học từ các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu trên cả nước.

 

 
Nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Hồ Thế Hà tại hội thảo  

 

Trong tham luận: Lý luận phê bình văn học Việt Nam đổi mới -  Cấu trúc tam tài và thế hệ F, nhà nghiên cứu văn học Phan Tuấn Anh, với tâm thế của thế hệ trẻ cho rằng: “Ngày nay, một nhà lý luận phê bình “mù chữ số” sẽ dần bị loại ra khỏi cuộc chơi, bởi tầm ảnh hưởng và tác động lên đời sống văn học của anh ta sẽ bị thu hẹp lại theo thời gian… Do đó, một thế hệ được sinh ra , lớn lên, đọc, viết và kết nối lẫn nhau trong nền tảng mạng đương nhiên sẽ  dần chiếm lĩnh đời sống văn học nói chung (chứ không đơn thuần là văn học mạng) nhanh hơn chúng ta tưởng…"

Về thành tựu của thơ đã có nhiều tham luận giá trị. Tham luận Thơ Việt ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016)  của nhà thơ, nhà phê bình văn học Hồ Thế Hà đã  bàn tới những khai mở của thơ ca trong những năm qua. Ông viết: Quan sát toàn cảnh thơ Việt từ 1986 đến 2016, chúng ta chứng kiến sự tồn tại nhiều khuynh hướng và nhiều nhóm thơ, kể cả nhiều nhà thơ cùng lúc sáng tác nhiều khuynh hướng, ở nhiều nhóm thơ trong nhiều thời khoảng khác nhau.”

 
Nhà phê bình văn học Phan Tuấn Anh tại hội thảo  

 

Hội thảo đã có nhiều ý kiến phản hồi từ người nghe và những lý giải của các nhà khoa học cho những câu hỏi có tính vấn đề được nêu ra.

 

 
Toàn cảnh hội thảo  

PV

 

Các bài mới
Các bài đã đăng