Tạp chí Sông Hương -
Hội nghị Tổng kết đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến ngành Vật lý
08:31 | 11/05/2016

Ngày 9/5, Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế đã tổ chức hội nghị Tổng kết đề án đào tạo theo Chương trình tiên tiến (CTTT) ngành Vật lý liên kết với Đại học Virginia – Hoa Kỳ, đánh giá lại những kết quả đạt được, những tác động và lan toả của chương trình, những bất cập cần khắc phục và hướng đi của CTTT. 

Hội nghị Tổng kết đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến ngành Vật lý
trao Giấy Khen cho các cá nhân.

Sau 10 năm triển khai, đến năm học 2015 – 2016, trường ĐHSP Huế đã tuyển sinh được 10 khoá với 212 sinh viên theo học và đã có 6 khoá tốt nghiệp với 102 sinh viên, trong đó tỉ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc chiếm 60%, 39 sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học thạc sĩ, 17 sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ nước ngoài, 6 sinh viên tiếp tục học tiến sĩ. Nhiều giảng viên, cán bộ quản lý thuộc CTTT đã được đi thực tập ở nước ngoài, nhiều lượt giảng viên nước ngoài từ trường đối tác đã đến giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế. Cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm được đầu tư để đáp ứng với nội dung chương trình đào tạo của Đại học Virginia, trong đó, đặc biệt có 5 phòng thí nghiệm hiện đại với tổng mức đầu tư gần 10 tỉ đồng phục vụ cho 10 bài thí nghiệm có trong chương trình. Các phòng thí nghiệm này hiện không chỉ phục vụ cho CTTT mà còn phục vụ cho sinh viên Khoa Vật lý.

Trong kỷ yếu tổng kết 10 năm thực hiện CTTT, GS. Phạm Quang Hưng, Đại học Virginia - Hoa Kỳ, Giáo sư Danh dự của Đại học Huế, điều phối viên của chương trình cho rằng: mục tiêu của chủ yếu của sự cộng tác này là việc thành lập CTTT ngành Vật lý ở Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế dựa trên chương trình Vật lý của Đại học Virginia với tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong những môn Vật lý và Toán chuyên ngành. Đây là một thử thách không đơn giản nhưng rất thú vị. Không đơn giản là vì phải tìm những phương pháp giảng dạy của Đại học Virginia phù hợp với môi trường của Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế; không đơn giản trong việc thu hút những giáo sư nước ngoài về Huế. Nhưng thú vị là những khó khăn, gian nan của sinh viên dần trở thành lợi thế khi họ tốt nghiệp và tiếp tục học cao học hoặc làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài và được đánh giá rất cao về tư duy, tính năng động, khả năng ngoại ngữ.

PGS.TS. Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế khẳng định CTTT để lại nhiều tác động đối với người học và cán bộ, giảng viên; tiếp cận tri thức mới, phương pháp dạy học hiện đại. Từ những tiền đề này, Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế đã phát triển thêm được nhiều chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh có chất lượng cao như Chương trình Kỹ sư Val de Lois, ngành Toán học…

Hoàng Hoa

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng