Tạp chí Sông Hương -
“Dịch văn học” theo quan niệm của tôi
15:35 | 02/06/2016

Phông văn hóa rộng, biết nhiều, hiểu nhiều thì người dịch sẽ tự tin trong công việc dịch thuật, tránh được những sai sót không đáng có. Những lỗi dịch trong cuốn sách mới xuất bản gần đây có tiêu đề "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng" là một thí dụ. Để tìm cho được một từ hoặc một cụm từ tiếng Việt tương đương đắc địa trong khi dịch, lắm khi người dịch phải trăn trở, mất ăn mất ngủ. Người ta bảo "nghề dịch  lắm công phu" có lẽ là vì như vậy...

“Dịch văn học” theo quan niệm của tôi

1. Tiêu chí của dịch văn học

Một số người nói: "Dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Còn tôi nói: Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác". Để trở thành một dịch giả văn học, người dịch phải giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, có phông văn hóa rộng.

Theo tôi, tiêu chí của dịch văn học là: đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn "hay" chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn đắc địa nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, gây cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch.

Chẳng hạn cụm từ "Xin cạch đàn ông". Từ cạch ở đây là từ thuần Việt, rất đời thường, đúng với văn cảnh, là từ đắc địa và hay. Sáng tạo của người dịch là ở chỗ này. Đúng và hay là yêu cầu và cũng là thước đo thành công của một bản dịch. Người ta gọi người dịch hoàn hảo là người dịch "tàng hình" có lẽ là vì như vậy. Tất nhiên, thông qua cách hành văn (giọng điệu), cách dùng từ, người dịch có thể lồng "cái tôi" của mình vào bản dịch.

Theo tôi, "Việt hóa" hoặc "bản địa hóa" phải trong tinh thần như vậy, nhưng không được đi chệch tiêu chí đúng (với bản gốc). Chúng ta là người dịch, chúng ta không được vượt khỏi cái "khung bản gốc".

Trong dịch thuật, bao giờ người dịch cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, vì ở vị thế thụ động. Tôi vẫn thường nói, "tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết". Cho nên, đúng ra, người dịch phải am tường, phải tinh thông mọi thứ trên đời, có như vậy thì mới chuyển tải đúng và hay nội dung và hình thức của tác phẩm mình dịch. Người dịch sẽ gặp khó khăn khi phải dịch những vấn đề, những lĩnh vực mình không am hiểu, thậm chí không biết.

Phông văn hóa rộng, biết nhiều, hiểu nhiều thì người dịch sẽ tự tin trong công việc dịch thuật, tránh được những sai sót không đáng có. Những lỗi dịch trong cuốn sách mới xuất bản gần đây có tiêu đề "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng" là một thí dụ. Để tìm cho được một từ hoặc một cụm từ tiếng Việt tương đương đắc địa trong khi dịch, lắm khi người dịch phải trăn trở, mất ăn mất ngủ. Người ta bảo "nghề dịch  lắm công phu" có lẽ là vì như vậy.

Cũng cần phải nhận thức rằng, một dịch giả chuyên nghiệp phải biết cách thích nghi với mọi cách tân, mọi bút pháp mới, mọi thể nghiệm của nhà văn. Cái khổ của người dịch là ở đó, không được yêu cầu, không được đòi hỏi, luôn luôn ở vị thế thụ động, luôn luôn phải thích nghi. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó, viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì, thể nghiệm gì thì tôi, tức người dịch, cũng dịch đúng và dịch hay.

Để làm được vậy, người dịch phải qua nhiều trải nghiệm, phải chịu học, chịu đọc, chịu dấn thân. Ngoài ra, người dịch cũng rất cần người đọc thấu hiểu và thông cảm với công việc nhiều công phu, lắm nhọc nhằn, đó là dịch văn học.

2. Tôn trọng nguyên tác

Theo tôi "tôn trọng nguyên tác" là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật. Như đã nói ở trên, bản dịch không được vượt ra khỏi cái khung bản gốc. Nếu không tôn trọng nguyên tác thì đừng gọi đó là bản dịch hay tác phẩm dịch nữa. Đây là lương tâm và trách nhiệm của người dịch, đây là yêu cầu của mỗi tác giả và đương nhiên đây là đòi hỏi của độc giả. Chẳng có độc giả nào lại thích đọc "bản dịch" không tôn trọng nguyên tác.

Nói chung người dịch phải trung thành với nguyên tác. Tác giả viết như thế nào thì mình dịch đúng như vậy, nhân vật của tác giả "nói hay" thì ta dịch "nói hay", nhân vật của tác giả "nói dở" thì ta dịch "nói dở", họ chọc ghẹo thì mình phải dịch chọc ghẹo, họ viết tục thì đúng ra ta phải dịch tục, y như nguyên tác. Chẳng hạn, hai nhân vật đầu trộm đuôi cướp nói chuyện với nhau, nói toàn những từ tục tĩu, bẩn thỉu, tởm lợm, thì đó là chuyện bình thường, vì đó là tính cách, tư chất của lũ người như vậy, chả nhẽ khi dịch ta lại phải sử dụng những ngôn từ dễ nghe hơn, không cẩn thận có khi lại biến bọn họ thành "những nhân vật tốt".

Đúng ra thì ta phải "nhìn thẳng vào sự thật", nghĩa là dịch đúng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước thuộc văn hóa phương Đông, người đọc không ưa dùng những từ quá tục tĩu, quá thô lỗ, thậm chí bẩn thỉu trong văn bản, cho nên người dịch cũng phải tính đến yếu tố này khi dịch những từ, những cụm từ mà ta gọi là "rất nhạy cảm", có nghĩa là trong một số trường hợp ta nên "mềm hóa" khi dịch. Tất nhiên cũng xin nhớ rằng, tôn trọng nguyên tác không có nghĩa là dịch bám từng chữ một cách máy móc. Cho nên mới có người nói: "Dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn".

3. Chọn đúng và chọn trúng

Khi bắt tay vào dịch một tác phẩm, người dịch phải nắm bắt được hồn cốt của tác phẩm, văn phong của tác phẩm (giọng điệu), văn hóa của tác phẩm… để rồi có cách tiếp cận tác phẩm, chuyển ngữ tác phẩm hiệu quả nhất. Người dịch không thể, thậm chí không được bám vào nguyên tác một cách máy móc. Chẳng hạn trong các tiểu thuyết và truyện ngắn tôi dịch, có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ của Ba Lan, thường chỉ người Ba Lan mới hiểu được ý nghĩa của chúng. Cho nên khi dịch sang tiếng Việt tôi phải tìm cho được những câu thành ngữ, tục ngữ tương thích của Việt Nam để cho người Việt hiểu. Xin lưu ý, tương thích ở đây còn có nghĩa là phải phù hợp với văn cảnh.

 

 

Một tác phẩm của dịch giả Lê Bá Thự.

Trong bản dịch tiếng Việt không thể cho một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết Ba Lan nói câu "vắng như chùa Bà Đanh" để thay thế cho một câu thành ngữ Ba Lan có ý nghĩa "vắng" tương tự. Vì tại sao ở Ba Lan lại có chùa Bà Đanh?! Vô lý. Ngoài ra, trong dịch thuật, việc tra từ điển cũng phải hết sức thận trọng. Một từ trong từ điển thường có nhiều nghĩa, có khi cả chục nghĩa khác nhau, người dịch phải biết chọn nghĩa nào thích hợp nhất, đúng nhất, đắc địa nhất với văn cảnh để sử dụng, chứ không thể tra từ điển một cách máy móc, nghĩa là phải chọn từ thật đúng và thật trúng.

Người dịch từng trải, hiểu nhiều, biết lắm, phông văn hóa rộng thì càng tự tin, càng thuận lợi trong việc chọn đúng và chọn trúng như đã nói trên. 

 4. Sách sạch và tiêu chí chọn sách để dịch

Lâu nay ta vẫn thường được nghe các cụm từ: thực phẩm sạch, rau sạch, cá sạch, thịt sạch, củ quả sạch vv… Nhưng gần đây xuất hiện cụm từ sách sạch, thoạt nghe có vẻ lạ tai nhưng hoàn toàn có lý khi trên thị trường sách xuất hiện những cuốn sách không lành mạnh, độc hại với người đọc, nhất là những người đọc nhỏ tuổi. Đó là những cuốn sách kích động bạo lực, đồi trụy, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam, truyện kinh dị, tiểu thuyết võ hiệp, diễm tình, ngôn tình vv… 

Đến nỗi ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành gần đây đã tuyên bố sẽ ráo riết kiểm duyệt các đầu sách để đảm bảo "sách sạch", "thực phẩm sạch" về tinh thần cho độc giả Việt Nam. Có thể ví dịch giả văn học như người nội trợ đi chợ sách, mua các "món sách" để chuẩn bị bữa "cơm sách" cho người đọc thưởng thức.

Bữa "cơm sách" có ngon lành, có béo bổ, có an toàn đối với người đọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch giả - người nội trợ, có phải là dịch giả - "người nội trợ thông thái" hay không. Bởi vì, ở cái chợ bạt ngàn sách văn học với đủ các thể loại đề tài, sách có giá trị, sách hay, sách dở, thậm chí sách độc hại đều có, chọn sách nào cho đúng và cho trúng để dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và cái tài của dịch giả.

Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của tôi là: tác phẩm hay, tôi thích, và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích. Tác phẩm hay là tác phẩm có giá trị nhân văn, giá trị văn học nghệ thuật cao, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người đọc và tất nhiên đó phải là "sách sạch". Chọn được một cuốn sách ưng ý để dịch là người dịch đã thành công đến một nửa rồi. Tóm lại, mỗi dịch  giả văn học phải là một "người nội trợ thông thái" trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là "sách sạch".

Theo Lê Bá Thự - VNCA

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng