Tạp chí Sông Hương -
Thừa Thiên Huế đặt chỉ tiêu thu hút đầu tư năm 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng
09:50 | 16/06/2016

Toàn tỉnh thu hút được 15 – 20 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng tương đương 400 – 500 triệu đô la Mỹ. Đó là chỉ tiêu của Kế hoạch Xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2016.

Thừa Thiên Huế đặt chỉ tiêu thu hút đầu tư năm 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng

Theo Kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó ưu tiên các dự án vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như  dịch vụ du lịch; hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô; công nghiệp hỗ trợ, giáo dục, y tế và công nghiệp công nghệ cao (IT, công nghệ sinh học, công nghệ nano, năng lượng); nông nghiệp; thủy sản – đặc biệt là các dự án đầu tư phát huy lợi thế của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Đối với thị trường các nhà đầu tư trong nước, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thương hiệu lớn trong  các lĩnh vực kinh doanh; những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các Ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những nhà đầu tư đã sản xuất kinh doanh thành công tại các tỉnh, thành phố khác, có nhu cầu chuyển đến sản xuất kinh doanh tại Thừa Thiên Huế; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với thị trường các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi tất cả các nhà đầu tư nước ngoài có thiện chí nghiên cứu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các thị trường truyền thống như  Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia có hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại quốc tế.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đổi mới phương pháp xúc tiến kêu gọi đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực tài chính cho các hoạt động xúc tiến có hiệu quả; tập trung đầu mối quảng bá và tập trung cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư chung cho toàn tỉnh (bao gồm cả Khu kinh tế Chân Mây lăng cô, Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt và các Khu công nghiệp). Quảng bá, xúc tiến đầu tư tập trung vào các thị trường, khách hàng mục tiêu với phương thức chuyên nghiệp. Tăng cường kết nối và đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, cơ quan quản lý đầu tư, cơ quan tham tán thương mại để tìm kiếm các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh việc xã hội hóa xúc tiến đầu tư bằng cách thông qua kết nối với các đối tác của nhà đầu tư như các ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và các công ty tư vấn đầu tư. Xúc tiến hợp tác mở văn phòng cộng tác viên xúc tiến đầu tư tại Bangkok, Thái Lan. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai.

Tại Kế hoạch trên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như đẩy mạnh kết nối với các tham tán đầu tư tại nước ngoài tìm đối tác đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư như: Cập nhật, hệ thống hoá cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư; tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế (bao gồm Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, các khu công nghiệp) bằng 05 thứ tiếng: Việt – Anh – Hàn – Nhật – Thái; Xây dựng website xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế bằng tiếng Việt – Anh – Nhật – Hàn. Rà soát, bổ sung, cập nhật danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng chi tiết các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư nhằm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư. Xây dựng sổ tay điện tử về môi trường đầu tư kinh doanh vào tỉnh Thừa Thiên Huế bằng 02 thứ tiếng: Việt – Anh. Xây dựng video clip quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế bằng tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Thái.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư. Đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về XTĐT. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế xúc tiến đầu tư. Chuẩn bị điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai để triển khai các dự án trọng điểm (Tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mặt bằng sạch để rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai của các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế). 

 

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng