Tạp chí Sông Hương -
Thừa Thiên Huế đề xuất thành lập Học viện Du lịch
15:05 | 28/06/2016

Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế xin chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế với Khoa Du lịch (Đại học Huế) thành Học viện Du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của ngành du lịch.

Thừa Thiên Huế đề xuất thành lập Học viện Du lịch

Ngày 27-6, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban, ngành liên quan về tình hình thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội trên địa bàn.

Báo cáo của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những năm qua, công tác lao động, thương binh và xã hội của tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực dạy nghề, giai đoạn 2011-2015 có trên 81.200 lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 56%; bình quân có 16 nghìn lao động được giải giải quyết việc làm/năm. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng được quan tâm thực hiện thường xuyên với nhiều hoạt động phong phú.

Tại buổi làm việc với đoàn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH những vấn đề như: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân vùng ven biển, đầm phá nhằm giúp 10% lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường để ngư dân có thêm nghề phụ; thống nhất chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế với Khoa Du lịch (Đại học Huế) thành Học viện Du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của ngành du lịch; không truy thu khoản kinh phí điều chỉnh của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ hỗ trợ khoản kinh phí còn thiếu để giải quyết cho các gia đình người có công; hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ TP Huế; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các xã bãi ngang ven biển giai đoạn 2016-2020…

Sau khi nghe ý kiến của các Sở, ban, ngành và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác chăm sóc người có công trên địa bàn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ - du lịch là phù hợp; chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Thừa Thiên - Huế thích hợp với nông thôn mới. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo tỉnh đến 2016, phấn đấu giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng của người có công; hạn chế tối đa, chấm dứt lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để hưởng lợi. UBND tỉnh sớm có đề án sáp nhập thành Học viện Du lịch để trình Bộ xem xét; rà soát các bia mộ, đài tưởng niệm liệt sĩ để Bộ sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan có chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân Thừa Thiên - Huế chuyển đổi ngành nghề hoặc xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Chương trình bãi ngang sẽ tiếp tục được quan tâm.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do đồng chí Đào Ngọc Dung dẫn đầu cùng lãnh đạo tỉnh, các ban, ngàng đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Huế và tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn TP Huế.

Theo Công Hậu ( NDO)

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng