Tạp chí Sông Hương -
Cuộc sống mới ở các xã bãi ngang ven biển Thừa Thiên - Huế
08:51 | 29/06/2016

Nhiều năm trước, hàng nghìn thanh niên ở các xã bãi ngang ven biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế theo nhau lên Tây Nguyên, hoặc vào TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Ở quê còn lại những khoảnh đất hoang và người già suốt ngày tựa cửa mong con cháu. Nhưng ba năm trở lại đây, với việc phát triển nghề may, nhiều người trong số họ đã trở về, mang lại sinh khí mới cho vùng quê vốn rất khó khăn.

Cuộc sống mới ở các xã bãi ngang ven biển Thừa Thiên - Huế
Nhờ có nguồn hàng may gia công, nhiều người dân ở các xã bãi ngang huyện Phú Lộc đi làm ăn xa đã trở về quê hương sinh sống.

Rời biển đi làm ăn xa

Người dân huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế gọi dãy đất ven biển bên kia phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng khu ba, gồm năm xã Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Hải, Vinh Giang. Đây là vùng cát nổi tiếng khó khăn bởi đất “nghèo” khoáng chất, không thể phát triển nông nghiệp. Thêm nữa, với đặc thù mặt hướng ra biển, lưng tựa vào phá nên đây cũng là vùng đất hứng chịu rất nhiều thiên tai. Hai mươi năm trước, người dân muốn qua phá phải đi lại bằng thuyền, giao thương khó khăn.

Bà con làm nghề biển, nghề phá bắt được con cá phải gánh qua đồi cát, chạy thêm mấy cây số mới đuổi kịp buổi chợ. Có người chậm chân, gánh cá đến chợ vừa lúc thương lái đã lên thuyền về Huế, đành gạt nước mắt quay về. Mọi chi phí sinh hoạt từ gạo cơm, áo quần, tiền đi học của con, đám hiếu đám hỷ, dành dụm... đều trông vào gánh cá. Làng biển có những cái lu to. Những chuyến biển về không kịp buổi chợ, cá được thêm muối ủ vào đó, tiết ra thứ nước mắm vàng sánh, được các mẹ, các chị rao bán gần hết cuộc đời.

Ông Trần Chua, Trưởng thôn Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền sau một hồi liệt kê những cái có thể gọi là “rào cản” dẫn đến đói nghèo, bỗng chững lại như một triết gia: “Nghề đi biển vừa bẩn vừa vất vả vì tiếp xúc với cá, nước biển, hơi muối suốt đêm, nhưng thu nhập không bằng anh phụ hồ. Do còn khó khăn và bị chi phối bởi nhiều thứ, cho nên người kẻ biển ít có điều kiện nuôi con học cao, phần lớn đều kết thúc khi hết cấp hai (THCS). Một số lên được cấp ba (THPT), nhưng chỉ ít người trong số đó thi đỗ đại học. Có lần tui hỏi bọn trẻ sau này có theo nghề biển không, thì cả mười đứa nhìn nhau, mãi không gật đầu”. Ông Hoàng Liên, 50 tuổi, ở xã Vinh Mỹ góp chuyện: Khi con gái lớn, ông động viên ở nhà theo cha mẹ làm nghề biển. Nhưng vừa nghe xong, cô gái đã “chê”, nhất quyết không chịu. Cô nói, thanh niên đi hết, ở lại làm sao lấy được chồng?

Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ Tô Thanh Liêm thừa nhận cuộc sống vất vả đã khiến người dân phải rời quê vào nam, hoặc lên Tây Nguyên làm thuê. Chính quyền từ xã đến huyện, thậm chí cả tỉnh cũng tìm cách giữ chân người trẻ, hạn chế tình trạng di cư tự do, tạo áp lực cho những đô thị lớn, song vẫn chưa tìm được phương án tốt. Vì vậy, lúc cao điểm có đến một phần ba dân số của xã đã rời bỏ nhà cửa, đến lập nghiệp ở những địa phương khác.

Một tên trúng hai đích

Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Vinh Hưng kể: “Con cái đi hết, buồn lắm chú! Chừng ni tuổi, đến bữa vẫn phải vô bếp cặm cụi nấu ăn, xong lại ra sân nhổ cỏ. Buồn nhất là khi đau ốm không ai chăm, nằm trên giường cứ sợ mình chết không ai biết”. Con gái bà Liên sau hơn chục năm vào TP Hồ Chí Minh làm thợ may gia công cho một người quen, nay trở về địa phương, than thở: “Tiếng là vào nam làm ăn, nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống tằn tiện. Năm nào tích lũy được, ngày Tết, bọn em còn về nhà thăm cha mẹ. Còn không chỉ biết chúc Tết qua điện thoại”.

Người khu ba Phú Lộc vào miền nam làm ăn từ vài chục năm trước, có nhiều người thành công nhờ mở xưởng may gia công. Thanh niên rời quê thường tìm đến làm thuê ở nhà đồng hương, hoặc người thân trong dòng họ. Cơ sở may của anh Lương Văn B. ở TP Hồ Chí Minh từng là “nhà” cho hơn 100 thanh niên quê ở khu ba Phú Lộc. Anh B. kể: “Hồi trước mình có về đón mấy em vào làm, nhưng rồi thấy bọn nhỏ xa nhà, cái gì cũng lạ, không thích nghi được cho nên vất vả lắm. Mỗi lần về quê lại thấy ruộng nương bỏ hoang, nhà cửa cỏ mọc đầy, người già không ai chăm sóc, mình cũng ngại”. Rồi anh tiếp: “Anh em tui tính, nếu đưa các em vào TP Hồ Chí Minh, ngoài chuyện như đã kể thì ở trong đó bọn tui cũng phải tính toán nhiều. Đầu tiên là phải có nhà cho mấy em ở. Tiếp đó là lo ăn. Sau nữa là lo đất mở rộng xưởng may. Nuôi các em rồi, những tháng không có hàng, bọn tui vẫn phải trả lương. Khoản đó mới méo mặt. Giờ tính đưa hàng về Huế cho các em may, những khoản chi phí kể trên, bọn tui không phải lo nữa. Vậy là một tên trúng hai đích”.

Sau khi thống nhất, khối doanh nghiệp may gia công đang làm ăn ở TP Hồ Chí Minh đã hợp đồng thuê bốn chiếc xe tải để chuyển hàng đã cắt, giao cho các đầu mối ở Phú Lộc nhận may. Những thanh niên trong làng có nhu cầu được khuyến khích đến nhận. Tiền công được trả theo số lượng sản phẩm, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Khi may xong, các đầu mối sẽ kiểm tra, gom hàng, chuyển lên xe tải chở vào TP Hồ Chí Minh để nhận đợt hàng mới. Tiền vận chuyển được trừ vào công may.

“Ly nông không ly hương”

Ba năm qua, nhiều thanh niên ở các xã bãi ngang huyện Phú Lộc không còn phải vội vàng bắt xe vào TP Hồ Chí Minh làm thuê nữa. Thay vào đó, họ học nghề, mua máy may công nghiệp rồi nhận hàng mang về nhà làm. Nhiều người trong làng thấy vậy cũng tất tả gọi con cháu quay về. Một số thanh niên thấy nghề may ở địa phương phát triển ổn định cũng đã quay vào TP Hồ Chí Minh xin nhận hàng mang về quê mở xưởng. Nhờ đó, khắp các xã khu ba giờ đây ở đâu cũng nghe thấy tiếng máy may.

Chị Huỳnh Thị Bích (xã Vinh Hưng) mấy năm trước còn xa chồng, xa quê, bây giờ ngồi bên chiếc máy may đặt giữa phòng khách cười mãn nguyện: “Đi xa là vất vả, đi làm thuê còn vất vả hơn. Bây giờ may ở nhà được sống gần người thân, tự tay lo cơm nước chăm sóc gia đình. Tiền có thể ít hơn, nhưng với mức sống ở quê, nếu biết tính toán thì vẫn còn để dành dụm”. Còn ông Phạm Văn Hùng, 72 tuổi ở xã Vinh Hải, từ ngày con trai trở về cứ cười suốt: “Cháu về nhà lại thấy đông hơn. Bữa cơm ngồi có nhau, ăn cực một chút vẫn thấy ngon. Vui nữa là ngoài giờ may, cháu còn trồng thêm bụi khoai, bụi sắn. Người ta nói “lắp xắp không bằng góc vườn”, mình không bỏ phí đất, lại lo làm kiểu gì rồi cũng no, cũng khá”.

Theo thống kê của xã Vinh Mỹ, đến nay đã có gần 100 thanh niên quay về. Ở các xã: Vinh Giang, Vinh Hiền, Vinh Hải, số lao động quay về đã lên đến 700 - 800 người. Còn ở xã Vinh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Đông xuýt xoa: “Hồi trước vận động mãi nhưng không ai về. Bây giờ về được hơn 400 người rồi. Tui nghĩ là còn về nữa. Bởi ngoài số nhận may gia công ở nhà thì trên địa bàn xã tui và các xã chung quanh như Vinh Hải, Vinh Giang, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, có nhiều người đứng ra lập cơ sở may. Nếu làm được, họ còn thu hút thêm hàng trăm người về nữa”.

Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thừa nhận, nghề may “tự phát” ở các xã khu ba đã góp phần giải quyết việc làm đáng kể cho người dân địa phương. Nhiều anh làm nghề biển, những năm gần đây cũng đã quay sang học may để cùng làm với gia đình những lúc không đi biển. Đó là dấu hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã thấy rõ một số khó khăn và đang tìm cách khắc phục, như chủ động tìm thêm nguồn hàng, mở khu công nghiệp, bảo đảm lưới điện để giúp bà con gia công, giao hàng đúng tiến độ.

Theo Dân Nhân

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng