Trong quá trình thực hiện tiểu thuyết "Bà Bovary", có chỗ ông gạch xóa, sửa chữa và viết lại tới... 50 lần. Điều này các "cư dân mạng" có thể kiểm chứng khi mà vào trung tuần tháng 4 vừa qua, toàn bộ tác phẩm "Bà Bovary" với trên 4.000 trang bản thảo của Flaubert đã được Tòa thị chính Rouen (quê hương ông), Trường Đại học Tổng hợp Rouen, Thư viện thị trấn và Trung tâm Flaubert phối hợp đưa lên một trang web...
Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười, khi trả lời các bạn viết văn trẻ về phương châm làm việc của mình, văn hào Nga Maxim Gorky đã thổ lộ rằng: "Nếu các bạn muốn biết phương châm viết của tôi, thì tôi có thể trả lời các bạn rằng, tôi luôn luôn đặt ra cho mình khẩu hiệu: Hãy viết như Flaubert. Đúng vậy, hãy viết như Flaubert".
Có thể nói, Flaubert là người hết sức kỹ tính trong sáng tạo. Tốc độ viết của ông rất chậm. Ông từng than thở: "Phải vả vào mặt mình vì sự viết chậm như vậy". Với mỗi một cuốn sách, ông viết đi viết lại, vật lộn với từng từ, những mong tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ. Chưa dừng ở đó, khi sáng tác, Flaubert là người tập trung cao độ. Có thời gian dài, ông gần như "nhập thân" vào nhân vật. Bạn đọc nhiều thế hệ say mê với hình tượng "bà Bovary" song không hẳn đã mấy người hình dung được rằng, khi miêu tả cơn đau thần kinh của Emma Bovary, bản thân tác giả như cũng đang cùng nhân vật của mình chịu đựng cơn đau ấy. Flaubert đã thuật lại: "Các nhân vật tưởng tượng làm xúc động tôi, ám ảnh tôi hay đúng hơn là chính tôi nhập vào chúng. Khi miêu tả cảnh Emma Bovary uống thuốc độc, quả thật tôi đã cảm thấy trong miệng mình có cái vị của thạch tín, tôi cảm thấy như tôi đã uống thuốc độc, hai lần tôi thấy khó chịu thực sự, khó chịu đến mức tôi bị nôn kia".
Quả tình, một nhà văn đã nhập thân, đã sống hết mình với nhân vật, với tác phẩm của mình như vậy - đó thực sự là tấm gương lao động vô cùng quý giá.
Trở lại với những thông tin liên quan đến tập bản thảo cuốn tiểu thuyết trứ danh của Flaubert vừa được công bố rộng rãi. Sự thực thì từ năm 1914, toàn bộ bản thảo cuốn tiểu thuyết (gồm các dàn ý, đề cương, hàng chục bản nháp với choe choét các chỗ gạch xóa, sửa chữa, cùng bản chép lại hoàn chỉnh nhất của Flaubert) đã được người cháu gái của ông là Caroline Franklin Groult chuyển giao cho Tòa thị chính
Rouen
. Tòa thị chính này đã "âm thầm" bảo quản cẩn thận 4.456 trang bản thảo đó trong suốt 87 năm, cho tới năm 2001 thì Trường đại học Rouen đề xuất với Thư viện thị trấn đưa tập bản thảo vào "khai thác" nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, vì phải trải qua một thời gian quá dài (tiểu thuyết "Bà Bovary" được tác giả hoàn thành vào năm 1856) nên nhiều chữ trên bản thảo đã bị phai mờ, rất khó nhận được mặt chữ. Công việc phục dựng từng trang bản thảo của Flaubert vì thế trở nên đặc biệt khó khăn. Ban Dự án trang web "Bà Bovary" đã ước tính, trung bình họ phải mất nửa ngày mới "giải mã" được một trang viết tay của Flaubert. Cuối cùng, họ nảy ra sáng kiến và sáng kiến này được thực hiện từ giữa năm 2006: Họ tung lên mạng lời kêu gọi sự góp sức của những người hâm mộ Flaubert trên toàn thế giới.
Kết quả thật mỹ mãn: Trang web "Bà Bovary" được hoàn thành sau hai năm rưỡi và hiện được ghi dấu như một sự kiện văn hóa lớn trong tháng 4 vừa qua. Trên trang web này, bạn đọc sẽ được cung cấp những bộ từ điển giúp cho việc tra cứu cuốn tiểu thuyết một cách thuận tiện.
Ngoài ra, trang web còn cung cấp cho bạn đọc cả sơ đồ "hành trình sống và yêu" của nàng Emma Bovary quyến rũ...
Theo VNCA |