Tạp chí Sông Hương -
Bản gốc tranh khắc của Henri Oger được bán cho ĐH Keio - Nhật Bản?
14:20 | 21/05/2009
Chiều qua (20/5) tại Hà Nội, ĐSQ Pháp đã tổ chức họp báo ra mắt cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam – công trình đầu tiên về nhân học kỹ thuật ở miền Bắc VN của Henri Oger (1909) và khai mạc triển lãm Sự việc và hành động - Thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX – triển lãm hình vẽ và ký họa từ tác phẩm trên. Đồng thời cũng tại đây, 2 phó giáo sư Olivier Tessier và Philippe Le Failler - Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã có bài thuyết trình về tác phẩm trên. TT&VH trò chuyện cùng phó giáo sư Olivier Tessier.
Bản gốc tranh khắc của Henri Oger được bán cho ĐH Keio - Nhật Bản?
Giáo sư Olivier Tessier

* Lý do gì thôi thúc ông và các đồng nghiệp nghiên cứu về một tác phẩm ra đời cách đây 100 năm và giới thiệu với công chúng hôm nay?

- Như bạn biết đấy, muốn tìm những tài liệu liên quan đến chữ viết ở những thế kỷ trước thì không khó lắm. Nhưng những cái liên quan đến hình ảnh, những tấm hình hay tranh khắc thì sẽ rất khó khăn và vì thế chúng tôi lựa chọn tác phẩm của Henri Oger. Tác phẩm Kỹ thuật của người An - trong một thời gian rất lâu dài, hầu như không có ai biết đến. Lý do rất đơn giản vì nó được làm ra từ rất sớm và tác giả của tác phẩm này cũng là một người rất trẻ. Hồi đó, H. Oger là một người thanh niên 24 tuổi đến VN để làm nghĩa vụ quân sự trong vòng 2 năm. Thời gian này, H.Oger rong ruổi đi thâm nhập với thực tế cuộc sống cùng với một họa sĩ (người thợ vẽ - vì thế những bức vẽ có được chắc chắn không phải do H. Oger vẽ mà do từ 1-3 họa sĩ VN thể hiện. Thời đó chưa có quy định về họa sĩ tham gia trong tác phẩm và cũng không cung cấp tên các họa sĩ tài ba này, vì thế đến giờ tôi chỉ biết được tên của 1 trong 3 họa sĩ đó mà thôi).

Tác phẩm nguyên gốc của H. Oger xuất bản lần đầu chỉ in có 60 cuốn (bản). Thời đó sự lựa chọn không có nhiều, tác phẩm được in trên giấy dó, và 700 bản khắc được in trên khổ giấy dó phổ biến ở VN thời bấy giờ. Đây cũng là khổ giấy người ta sử dụng để in tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống... Nét độc đáo trong tác phẩm của H. Oger là in toàn bộ cuốn sách với kỹ thuật in như thế, vì in cả một cuốn sách bằng tranh như thế thời đó là rất hiếm. Đặc biệt ở 4200 bản vẽ như thế đã được in toàn bộ từ các tấm tranh khắc gỗ. Viện Viễn Đông Bác Cổ chúng tôi đã cố gắng đi tìm bản gốc được in cách đây đúng một thế kỷ. Rất may, chúng tôi đã tìm được một bản gốc được lưu giữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và số hóa toàn bộ bản gốc này.


Tranh khắc của Henri Oger


Chúng tôi mất 1 năm để làm sạch các tấm hình, chỉnh sửa lại cho sáng sủa, dịch các chữ Hán, chứ Nôm sang chữ Quốc ngữ (Nguyễn Văn Nguyên dịch)... Với sự giúp đỡ và tham gia của rất nhiều người, cuối cùng toàn bộ tác phẩm rất hiếm này của H.Oger đã được tái bản bằng ba thứ tiếng dưới dạng sách và ấn phẩm điện tử. Đĩa DVD này không bán mà chỉ dành tặng những nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến tác phẩm. Ngoài ra, cuốn sách được công ty Nhã tái bản, in ấn và bán trên thị trường.

* Thời đó máy ảnh đã được sử dụng, vậy tại sao H. Oger lại không dùng hình thức chụp ảnh mà lại dùng hình thức vẽ tranh để thể hiện trong tác phẩm của mình?

- Đây là một câu hỏi thú vị nhưng rất khó trả lời. Theo phỏng đoán của tôi, máy ảnh thời đó có nhưng rất đắt. Hơn nữa, số lượng ảnh H. Oger cần chụp là rất lớn, do vậy sẽ rất khó thực hiện. Sự lựa chọn vẽ tranh của H. Oger cũng xuất phát từ quan điểm của các nhà nghiên cứu và vẽ tranh được sử dụng phổ biến thời đó. Trên các tạp chí nghiên cứu khoa học thời đó chấp nhận bài viết có hình minh họa, chứ không bằng hình ảnh. Sử dụng ảnh chụp minh họa mới bắt đầu xuất hiện từ những năm 20 - 30 trở đi.

* Được biết, bản gốc của cuốn sách được in ra từ những bức tranh khắc gỗ, vậy những tấm tranh mộc bản này bây giờ ở đâu, thưa ông?

- Bản thân chúng tôi cũng đang rất muốn biết những bức tranh mộc bản đó đang ở đâu. Mỗi một tấm gỗ là một hình vẽ. Cuốn sách có tổng cộng 4200 hình vẽ, do vậy khối lượng bản gỗ để in hình là rất lớn.

* Vậy trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, ông cùng đồng nghiệp của mình thu thập được bao nhiêu bản tranh gỗ như thế?

- Chúng tôi chưa tìm được một tấm tranh khắc gỗ nào như thế cả. Những cái tôi giới thiệu ở đây chỉ là những cái để minh họa thôi. Chúng tôi có nghe phong phanh rằng bà vợ góa của H. Oger đã bán tài sản của chồng mình trong đó có những bức tranh mộc bản này cho Trường ĐH Keio của Nhật Bản. Đó cũng chính là giai đoạn hai mà chúng tôi sẽ tiến hành, gặp gỡ với ĐH Keio để đàm phán mua lại những bức tranh mộc bản này.

Triển lãm Sự việc và hành động - Thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX là dịp để khám phá một lần nữa văn hóa dân gian của Hà Nội và những vùng phụ cận qua vô số các nghề, cách ứng xử và thực tiễn hàng ngày, trong số đó phần nhiều vẫn luôn tồn tại. Lần đầu tiên,100 bức tranh chọn lọc in lại từ bản gốc được trưng bày.

Henri Oger (1885-1936?) sinh tại Montrevault (Pháp). Tác phẩm Kỹ thuật của người An Nam là công trình duy nhất mà ông đã hoàn thành vào năm 1909 khi ông 24 tuổi, trong số khoảng chục tác phẩm mà ông cho biết là sắp xuất bản. Dưới con mắt của các nhà khoa học uy tín lúc bấy giờ, sự khởi đầu thái quá ấy có thể là thiếu khiêm tốn, khiến ông bị thù địch. Vì thế, công trình nghiên cứu sâu rộng ấy cùng tác giả của nó rơi vào quên lãng và không nhiều người biết về chặng đường của H. Oger. Sau thời gian làm viên chức hành chính dân sự của Bộ Thuộc địa trong 10 năm, ông đã rời Đông Dương vào năm 1919 và sau đó khó ai tìm lại dấu tích của ông, chỉ biết rằng từ tháng 2/1932, ông lưu sống ở Tây Ban Nha và đến năm 1936 ông bị mất tích ở đó. 

                                                                                                                   Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng