Tạp chí Sông Hương -
Đường sách TPHCM còn lắm gian nan
09:41 | 15/07/2016

Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã tiến hành sơ kết 6 tháng đầu năm của Đường sách TPHCM. Đây cũng là 6 tháng đầu tiên đường sách đi vào hoạt động kể tử khi chính thức mở cửa vào đầu tháng 1-2016.

Đường sách TPHCM còn lắm gian nan
Bạn đọc tham quan, tìm mua sách tại Ðường sách TPHCM

Địa chỉ văn hóa

Theo thống kê của Ban điều hành đường sách thì đến nay, con đường này đã đón tiếp khoảng trên 500 ngàn lượt bạn đọc đến tham quan, tìm sách. Trong đó trẻ em chiếm 15%, sinh viên, học sinh chiếm 30%, người lớn khoảng 30% và đặc biệt du khách nước ngoài chiếm đến gần 25%. Số khách đến đường sách chủ yếu tập trung vào hai khoảng thời gian là từ 9 đến 11 giờ và từ 15 đến 19 giờ.

Đã có khoảng gần 240.000 bản sách được bán ra tại đường sách, trong đó tập trung chủ yếu là các đầu sách lịch sử, văn hóa, văn học, thiếu nhi, tâm lý… Tổng doanh thu của các gian hàng sách tại đường sách đạt khoảng hơn 15 tỷ đồng trong đó có 5 gian đạt mức trên 1 tỷ đồng mỗi gian và 15 gian còn lại đạt mức doanh thu từ 200 - 500 triệu đồng. Có sự khác biệt này chủ yếu là do quy mô các gian cũng như một số gian chuyên kinh doanh mảng sách có tính chuyên biệt cao như sách nghiên cứu, chuyên ngành…

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của giới làm sách cũng như những người làm văn hóa thì thành công của đường sách không phải nằm ở doanh thu bán sách. Bà Huỳnh Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ TP cho biết một thời gian dài NXB lúng túng trong tìm kiếm hướng xuất bản phù hợp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Khi đường sách đi vào hoạt động, thông qua ý kiến của bạn đọc, yêu cầu tìm sách trực tiếp tại gian hàng, NXB đã phát hiện nhu cầu bạn đọc về mảng sách lịch sử văn hóa và tập trung vào mảng đề tài này.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch HXB TPHCM, thành viên Ban điều hành đường sách khẳng định con đường đã trở thành một hàn thử biểu trong lĩnh vực xuất bản. Đó không phải là nơi cạnh tranh với các nhà sách, hệ thống phát hành sách mà là sự bổ sung, hỗ trợ để các nhà làm sách có thể xây dựng, tạo dấu ấn thương hiệu cũng như là một địa chỉ văn hóa đọc quan trọng để các đơn vị làm sách tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa tác giả với bạn đọc. Trong 6 tháng hoạt động đã có hơn 50 chương trình giới thiệu sách mới, các buổi nói chuyện về sách, giao lưu, ký tặng sách… gần như mỗi tuần đường sách đều có ít nhất 2 hoạt động liên quan đến văn hóa đọc. Đây là điều mà nhiều năm qua đời sống văn hóa đọc TP không thể thực hiện được dù là ngay cả vào giai đoạn bùng phát 2010 đến 2012. Nhiều địa phương đã cử đoàn đến học tập việc xây dựng đường sách, có đơn vị còn trực tiếp mới những người trực tiếp tham gia làm đường sách đến địa phương để hỗ trợ, tư vấn mở đường sách.

Thiếu quảng bá

Trong buổi sơ kết 6 tháng hoạt động, các đơn vị tham gia đường sách cũng như chính ban điều hành đều cảnh báo Đường sách TPHCM đang đứng trước một giai đoạn thử thách đầy gian nan.

Theo ông Lê Hoàng, có hai lý do cơ bản đe dọa hoạt động của đường sách thời gian tới. Đầu tiên là lượng khách đến đường sách đang có xu hướng giảm. Có nhiều lý do nhưng về cơ bản được cho là thiếu phương pháp quảng bá, truyền thông. Đến nay đường sách vẫn chưa có trang web riêng, các trang mạng xã hội cũng vắng bóng. Hệ thống chiếu sáng cũng chưa hiệu quả, vào buổi tối đường sách gần như biến mất so với khu vực xung quanh vốn náo nhiệt và rực rỡ. Cũng vì thiếu quảng bá mà nhiều sự kiện tại đường sách không nhận được sự chú ý của bạn đọc. Bên cạnh đó, các hoạt động, sự kiện tuy nhiều nhưng đơn điệu.

Một vấn đề khác cũng được xem là gây ảnh hưởng đến hoạt động chung là cho đến nay, sau 6 tháng hoạt động đường sách vẫn chưa có quy chế hoạt động, chưa xây dựng được nội quy cho các đơn vị. Chính vì vậy khi xảy ra các vấn đề như giá nước quá cao, Ban điều hành đường sách lại phải thực hiện vai trò quản lý theo kiểu “tình cảm”, đề nghị giảm giá cho phù hợp chứ không có chế tài nào đối với các đơn vị đang hoạt động tại đường sách. Theo ông Lê Hoàng, việc quản lý theo kiểu “tình cảm” dựa trên mối quan hệ cá nhân, uy tín của các thành viên ban điều hành không phải là biện pháp lâu dài và thậm chí đã có trường hợp không làm theo đề nghị của ban điều hành.

“Khủng hoảng” là từ mà ông Lê Hoàng nhiều lần nhắc đến khi nói đến tương lai của đường sách nhất là khi nhiều gian hàng doanh thu giảm đến 50%, mấp mé mức phải bù lỗ hoạt động, số lượng khách giảm gần 1/3. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng dù có nhiều thử thách nhưng thực tế những khó khăn trên là một điều bình thường với một hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng, đi đầu và duy nhất như Đường sách TPHCM. Vấn đề hiện nay là đường sách cần có sự đoàn kết chung lòng của những người tham gia và sự thay đổi mang tính năng động hơn để Đường sách TPHCM giữ vững vai trò một điểm sáng, một nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân TPHCM.

Theo Tường Vy - SGGP





 

Các bài mới
Các bài đã đăng