Tạp chí Sông Hương -
Chuyện món nầm dê và lòng hiếu thảo của công chúa con Vua Minh Mạng
14:54 | 19/07/2016

Minh Mạng là một trong những vị Vua có đông Công chúa, Hoàng tử nhất lịch sử Việt Nam. Trong số 142 người con của mình, Công chúa thứ 4, hiệu là An Thường, được Nhà vua thương yêu hơn cả bởi từ nhỏ đã hiền hòa, hiếu thảo. Trong đó có câu chuyện về món nầm dê Vua ban khiến cả cung đình Huế cảm động. 

Chuyện món nầm dê và lòng hiếu thảo của công chúa con Vua Minh Mạng
Cổng vào phủ đệ An Thường Công Chúa, nay là một di tích lịch sử ở cố đô Huế

Vua Minh Mạng (1820 - 1840) có tất cả 78 Hoàng tử và 64 Công chúa, tồng cộng là 142 người con. An Thường là Công chúa thứ 4 của Nhà vua, do bà Mỹ Nhân người họ Nguyễn Văn, quê Gio Linh, Quảng Trị sinh hạ vào mùa hè năm Đinh Sửu (1817). Lúc đầu, Công chúa có tên là Nguyễn Thị Tam Xuân, sau mới gọi là Nguyễn Thị Lương Đức.

Trong số các con của vua Minh Mạng, An Thường Công chúa là người nổi danh hiếu thảo hơn cả. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, quyển 9) có chép mẩu chuyện rất cảm động về bà như sau :

“Khi mới sinh ra, Công chúa đã đĩnh ngộ lạ thường, lại giàu lòng hiếu thảo, Nhà vua thương lắm. Năm Công chúa lên chín tuổi, đúng dịp tiết Vạn Thọ thì thân mẫu bị bệnh, Công chúa đành phải theo các Hoàng nữ vào hầu cơm. Bấy giờ, có vị đại thần dâng tiến món đuôi dê và nầm dê (nầm dê là món nắm sữa của con dê cái), Vua liền ban cho các Hoàng nữ món này. Công chúa (An Thường) chỉ ngậm mà không nhai nuốt. Vua lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do thì Công chúa liền đứng dậy thưa:

- Thân mẫu của thần đang bị bệnh, không được đội ơn đến dự mà thần thì trộm nghe món này rất bổ nên không nỡ ăn, muốn để phần cho thân mẫu.

Vua rất khen, và lại càng cho là lạ, bèn cho riêng một đĩa, sai mang về cho thân mẫu. Tả hữu đều cảm động và khen ngợi, có người chảy cả nước mắt.

Lúc đã bắt đầu lớn, Vua cho Công chúa ra ở điện Trinh Minh, sai nữ quan dạy cho biết về sử sách và đại lược về nữ công. Năm Minh Mạng thứ chín (tức năm 1828), mùa hạ, tháng tư bởi nữ tì ở điện Trinh Minh giữ lửa bất cẩn, đang đêm mà có hỏa hoạn, lửa thiêu hết cả màn trướng. Công chúa hoảng sợ thức dậy, kêu người trực đi cứu chữa rồi tự mình đốc suất việc này. Vua đi thăm Thuận An về, nghe tâu lại sự thể, vừa ngợi khen vừa thưởng cho ba lạng vàng.

...Năm Minh Mạng thứ hai mươi mốt (tức năm 1840), Vua không được khỏe. Công chúa thân sắc thuốc và nấu cháo để dâng tiến, sớm hôm hầu hạ không mỏi. Vua mất, Công chúa thương xót đến ngất đi, tưởng là tắt thở. Hiến Tổ (tức vua Thiệu Trị) vẫn thường lấy cháo của Vua ăn còn lại đem cho, dụ bảo nên bớt sự thương xót (kẻo xuống sức mà có hại). Công chúa lại thường cung kính đến cung Từ Thọ thăm hỏi. Khi đem Vua đi mai táng, Công chúa theo hầu bàn thờ và sau lại chực hầu đền thờ ở lăng, trọn cả ba năm chưa từng cười đùa.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (tức năm 1841), Vua ban cho các sách Đại Nam thực lục tiền biên và Tư trị thông giám mỗi loại một bộ. Sau, Vua đem Công chúa gả cho Phan Văn Oánh là con trai thứ tư của Chưởng Nghĩa Hầu Phan Văn Thúy, người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Từ ngày vu quy, tình vợ chồng rất đằm thắm, Công chúa chẳng hề tỏ vẻ là con vua, biết kính thờ mẹ chồng, lo việc dạy con và giữ đức khuê môn".

Lời bàn: Con vua Gia Long phần nhiều là ngổ ngáo, con vua Minh Mạng nói chung là tốt hơn, được giáo dục cẩn thận hơn, nhưng có được cái tâm đáng quý như An Thường Công chúa thì không phải là nhiều. Có lẽ cũng chính vì vậy mà sử đã trân trọng ghi lại vài nét đại lược về đức độ của An Thường Công chúa.

Miếng ngon của vua cha ban mà cũng không dám ăn chỉ vì thương thân mẫu của mình cũng chưa từng được ăn, lại đang khi bị bệnh, cần được bổ dưỡng... hành vi ấy thật khó có thể tin là của một cô Công chúa mới chín tuổi đầu, cho nên, vua cha kinh ngạc và mừng vui, quần thần cảm động mà rơi cả nước mắt, tất cả, chẳng có gì là khó hiểu cả. Sử chép việc An Thường Công chúa đã kính cẩn giữ lễ thờ thân mẫu và vua cha, nhưng giá thứ không chép thì ai cũng tin là An Thường Công chúa sẽ làm như vậy. Tấm lòng vàng ấy, đâu dễ gì phai.

Con vua mà chẳng hề tỏ vẻ mình là con vua, việc này cũng không phải dễ gì làm được. Bao kẻ thấp hèn vẫn cố tìm đủ mọi cách để chối bỏ thành phần xuất thân, ngoi lên với bất cứ giá nào, miễn sao được coi là danh giá trong nhất thời đó thôi.

Muôn đời vẫn thế: chớ băn khoăn với địa vị của mình mà hãy nên thường xuyên lo nghĩ việc giữ gìn phẩm giá của mình, bởi vì người có địa vị cao vẫn có thể bị chê trách và khinh bỉ, nhưng tất cả những người có phẩm giá cao thì không bị như thế bao giờ.

Theo Việt Sử Giai Thoại

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng