Tạp chí Sông Hương -
Tranh Thangka bị thương mại hóa quá nhiều?!
15:17 | 21/05/2009
Trước đây Thangka được treo trong các tu viện Tây Tạng với mục đích tôn giáo chứ không phải để bán và chỉ có các nhà sư mới có kỹ năng vẽ tranh. Nhưng giờ thì ở một số nơi thuộc Tây Tạng ai ai cũng vẽ và thêu Thangka khi di sản văn hóa này trở thành món hàng sinh lợi lớn. Các tác phẩm Thangka được tạo ra ngày càng “ẩu”. Giới chuyên gia kêu gọi cần tìm ra sự cân bằng giữa việc kiếm tiền và bảo tồn nghệ thuật Thangka.
Tranh Thangka bị thương mại hóa quá nhiều?!

Vẽ tranh Thangka vì tiền

Việc vẽ tranh Thangka ở bắt đầu vào thế kỷ XI và sau đó du nhập vào Tây Tạng qua các nhà sư. Đây là loại tranh vẽ (hay thêu) treo ở các tự viện hoặc nơi thờ Phật. Thangka chủ yếu là tranh về đề tài Phật giáo, được dùng như một công cụ thuyết pháp. Đối với Phật tử khi chiêm ngưỡng những bức Thangka treo trên tường họ không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trang nghiêm mà còn tin rằng sẽ nhận được những điều mầu nhiệm phát tỏa ra từ đó, giúp họ giác ngộ. Các Thangka vẽ các thần linh được coi là thần bảo hộ hoặc phù hộ tín đồ vượt qua khổ nạn, bệnh tật. Một số Thangka quý thường được bảo quản trong chính điện, được thánh hóa bằng nước thiêng, khi mở ra có đọc thần chú và vì chúng chứa quyền năng bí nhiệm nên luôn được phủ che bằng một tấm lụa (gọi là kuđa).

Cách đây ba thập kỷ, các nhà sưu tầm tư nhân Trung Quốc và nước ngoài bắt đầu để ý đến tranh Thangka. Do đó mà giá của các bức tranh hay tác phẩm thêu Thangka ngày càng tăng, hiện dao động từ 5.000 NDT (735 USD) tới hàng trăm ngàn NDT, tùy thuộc vào kích cỡ, chất màu, chất lượng và danh tiếng của họa sĩ. Đó là lý do ngày càng nhiều người lao vào nghề vẽ và thêu tranh Thangka.

“Chúng tôi thấy ngày càng nhiều thanh niên học vẽ tranh Thangka vì tiền. Ở ngôi làng Wutun có khoảng 1.700 dân thì có tới 1.000 người có thể vẽ tranh Thangka”, Zhao Chunsheng, thành viên Hiệp hội Các nhà sưu tầm Trung Quốc đồng thời là tác giả cuốn Treasures of Thangka, nói.

Mất dần chất lượng

Mặc dù ở Rekong hiện nay năm nào cũng có hàng ngàn bức tranh Thangka được ra đời, nhưng chỉ một số ít trong đó là đảm bảo chất lượng. Xihdao, họa sĩ Thangka nổi tiếng ở Rekong cũng nhận thấy như vậy: “Nhiều họa sĩ trẻ mong muốn tậu được máy tính và ô tô và họ không xua được những ham muốn mạnh mẽ đó trong quá trình vẽ tranh. Thời chúng tôi chỉ chú tâm vào các bức tranh và đó là điều quyết định để vẽ được một bức tranh đẹp. Trước đây, chúng tôi thường nghe nhạc Phật giáo khi vẽ, nhưng giờ đây giới trẻ lại nghe nhạc pop. Làm sao họ có thể vẽ được những bức tranh Thangka đẹp nếu như tâm hồn cứ để đâu đâu? Hầu hết những người đặt tranh là doanh nhân từ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Các doanh nhân tin rằng những bức tranh mang chủ đề tôn giáo có thể mang lại sự thịnh vượng và điềm lành cho họ. Nếu họ đặt tranh chỗ tôi thì tôi sẽ hỏi về gia đình và những mong muốn của họ trước khi quyết định vẽ gì lên tranh”.

Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là nhiều họa sĩ không quan tâm đến những quy tắc của tranh Thangka, họ phá vỡ các nguyên tắc và vẽ cả người ngoài đời vào tranh. Một số nhân vật trong Thangka không còn được thể hiện bằng những đặc tính mạnh mẽ của Tây Tạng nữa, chẳng hạn như nhiều nữ thần trông giống người phụ nữ Hán hiện đại và xinh đẹp hơn. Một số vị thần trong kinh Phật lại trông rất xấu. “Nếu một bức tranh Thangka không nêu bật những chủ đề tôn giáo thì chỉ còn là một bức tranh với những chất màu đặc biệt”.

Zhao cho rằng: “Thị trường đã đẩy cách vẽ tranh Thangka xa hẳn với khởi thủy của nó. Một bức tranh Thangka vẫn nên là một giáo cụ để qua đó người ta có thể học được nhiều câu chuyện Phật giáo. Hơn nữa, một bức tranh Thangka đẹp thì phải bộc lộ được những kỹ năng vẽ siêu việt”.

Đổ lỗi cho thị trường?

Muốn vẽ tranh Thangka, thông thường để thành nghề và ra hoạt động được độc lập thì một họa sĩ phải theo học các bậc thày khoảng 7-8 năm. Nhưng thời gian qua nhiều người trẻ tự học bằng cách chụp ảnh một số tác phẩm của các bậc thày rồi làm giả. “Như vậy chỉ cần vài tháng là họ đã học được cách vẽ tranh”, Kangtang Targyea, một họa sĩ lành nghề ở làng Wutun, cho biết.

Hiện nay ở Rekong đã mở một số đại lý. Những nơi này mua tranh với giá rẻ và bán lại với giá cao. “Nếu tình trạng này còn diễn ra thì những bức Thangka đẹp sẽ không còn nữa. Thị trường nhất thiết phải được điều chỉnh”, Zhao khẳng định.

                                                                                                                 Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng