Thụy Điển mang thơ sang Việt
Trong số tác phẩm Thụy Điển đã dịch tại VN, Thơ Thụy Điển là cuốn sách bề thế nhất về quy mô tác giả và kích cỡ tác phẩm. Bìa cứng do họa sĩ Văn Sáng thiết kế trang nhã. Chọn thơ, chứ không phải thể loại khác để làm công trình quan trọng nhất của sự kiện 4 thập niên hữu nghị và Tuần Văn học Thụy Điển, tập thơ dịch công phu nhất từ trước đến nay ở VN, cho thấy thơ không hề bị lãng quên, nó là niềm tự hào của vương quốc Bắc Âu, là động viên cho các nhà thơ Việt.
Tuyển tập gồm 21 tác giả, để có tuyển tập này, hai nước phải tổ chức dịch khá kỳ công. Nói như Châu Diên: “Người dịch thơ phía VN, phải đứng trước hai lần kín cổng cao tường, hàng rào thứ nhất bằng tiếng Thụy Điển ngăn cách nhà thơ Thụy Điển với cách biểu đạt của họ, hàng rào thứ hai bằng tiếng Pháp, Anh v.v... Tìm, đuổi bắt đối tượng vô hình, có nhiều khó khăn trước nhiều điều không thể dịch nổi, phải đem hồn thơ của mình để đoán biết rung cảm, hồn thơ của bạn mình”.
Ít dịch giả Thụy Điển biết tiếng Việt và ngược lại, hầu hết phải qua nhiều ngôn ngữ trung gian phổ biến hơn, nhưng lần này, liền lúc có 2 cuốn của Thụy Điển ra mắt tại VN: Thơ Thụy Điển và tiểu thuyết lịch sử Chuyến viếng thăm của ngự y hoàng gia (giải thưởng Tháng Tám - giải cao nhất của Thụy Điển) của nhà văn Per Olov Enquist (1934), còn là tác giả thơ, kịch (NXB Văn học, Đinh Thế Lộc dịch từ tiếng Anh).
Việt
- mới chỉ được dịch văn xuôi
Cũng trong dịp này, hai cuốn sách VN đã được xuất bản tại Thụy Điển: tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), tập truyện ngắn Cơn mưa đầu mùa (Lê Minh Khuê).
“Đây là lần đầu tác phẩm của tôi được in ở Thụy Điển. Được dịch là vui rồi” - nhà văn Lê Minh Khuê hồn hậu.
Các tác phẩm của VN đã in ở Thụy Điển đều do NXB Tranan: Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp, 2001) được đón nhận nhiều nhất; hai tuyển tập truyện ngắn Mùa hạ nóng bỏng, Mưa tháng Bảy (nhiều tác giả, 2003); năm 2006 có 3 cuốn: Giường đôi - xóm Chùa (Đoàn Lê), Khi người ta trẻ (Phan Thị Vàng Anh), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài); 2 cuốn 2007: Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần). Như vậy, thơ Thụy Điển đã có mặt ở VN, trong khi phía Thụy Điển toàn dịch văn xuôi VN, chủ yếu là các truyện ngắn mà chưa có tập thơ nào.
Những chuyến đi tình bạn
Trung tâm Đông Tây đã đón tiếp ba lần các vị khách từ Thụy Điển; đây là lần đầu có một đoàn đông. Sáng 21/5, dịch giả Thúy Toàn cùng hai “ngài tóc bạc” Đoàn Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên về... quê, cùng các đồng nghiệp Thụy Điển. Tối 21/5, đoàn Thụy Điển giao lưu với SV khoa Ngữ văn ĐHSP Vinh. Sáng nay, 22/5, đoàn sẽ thăm khu di tích Kim Liên (Nghệ An) và chiều sang Nghi Xuân, thăm mộ Nguyễn Du và giao lưu với Hội VHNT Hà Tĩnh. Trong lịch làm việc dày đặc của mình, đoàn Thụy Điển muốn 2 tác giả VN vừa xuất bản sách ở Thụy Điển sẽ tham gia. Nhà văn Lê Minh Khuê đã có mặt ở các hội thảo tại Hà Nội, còn nhà văn Ma Văn Kháng bị ốm, không đến được buổi nào. Một chi tiết rất cảm động, đoàn Thụy Điển đã đưa vào lịch trình: tối 23 về đến HN, sáng 24/ 5, sẽ đến thăm nhà văn Ma Văn Kháng.
Tôi bỗng nghĩ đến tình bạn đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Olov Palmer và nhiều điều tốt đẹp Thụy Điển dành cho VN. Bốn cuốn sách ra đời cùng lúc vào tháng 5 ở hai nước, là “cơn mưa” của mùa mới hợp tác toàn diện, đặc biệt chú trọng vào văn học - gốc của mọi loại hình nghệ thuật, cho chúng ta hy vọng, sau này, sẽ có những “cơn mưa” tác phẩm lớn hơn.
Theo TT&VH |