Tạp chí Sông Hương -
Sân khấu kịch thủ đô sống lay lắt nếu không đổi mới
15:54 | 22/05/2009
3/4 số ghế trong khán phòng Nhà hát Lớn HN không có khách trong tối 14.5, dù cho vở diễn trên sân khấu là câu chuyện tình Romeo và Juliet "mang tính toàn cầu" của William Shakespeare và được các nghệ sĩ của Đoàn kịch TNT nước Anh biểu diễn.
Sân khấu kịch thủ đô sống lay lắt nếu không đổi mới
Cảnh trong vở kịch "Đám cưới không chú rể" của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Ngoài một số lỗi kỹ thuật như phụ đề quá nhỏ và mờ, khiến một số khán giả không am hiểu ngoại ngữ cảm thấy khó theo dõi, thì Romeo và Juliet của TNT là một vở diễn tương đối tròn. Không phải là một đoàn kịch danh tiếng của Châu Âu, nhưng các diễn viên của TNT không hề "đuối" với "Romeo và Juliet". Thậm chí "đài từ" của các diễn viên khá ổn khi họ không phải dùng đến hệ thống âm thanh mà lời thoại vẫn đến tai khán giả trong khán phòng 600 người của Nhà hát Lớn rất rõ ràng.

Thế nhưng, với một câu chuyện đã quá cũ, lời thoại rườm rà, lại không nhiều lớp lang như một số vở kịch khác của Shakespeare như "Hamlet" hay "Vua Lear", "Romeo và Juliet" thất bại khi chinh phục khán giả thủ đô là điều không khó hiểu. Cả hai lớp khán giả: Những người muốn xem những vở kịch kinh điển nhiều tầng ý nghĩa và những người muốn giải trí đều không phải là đối tượng của vở diễn này. Còn một đối tượng khán giả thứ ba: Những người tò mò muốn xem diễn xuất của các diễn viên nước ngoài không nhiều, bởi khán giả thủ đô không phải là những người "ưa mạo hiểm". Họ thích những gì đã có dấu kiểm chứng.

Ngay trước 3 suất diễn của TNT, buổi ra mắt vở diễn "Đường về" của tác giả Lê Quý Hiền do Nhà hát kịch Định biểu diễn cũng không khá hơn. Lượng khách mời đến tương đối đông, nhưng giữa chừng, khán giả lần lượt bỏ về. Khó có thể cho rằng các diễn viên đoàn kịch diễn tồi, nhưng một vở diễn về một vấn đề không mới lại được làm theo tư duy kịch "mậu dịch" của những năm 80 như "Đường về" thì khó có thể níu được khán giả đến phút chót.

GĐ Nhà hát Tuổi Trẻ - NSND Lê Hùng cũng đã phải ngậm ngùi thừa nhận: "Khán giả thủ đô khá thờ ơ với "Đám cưới không chú rể" - một vở kịch của Trung Quốc được nhà hát Việt hoá, dù trước đó, các suất diễn của nhà hát luôn chật kín khán phòng". Một điểm chung của cả ba vở diễn này chính là "cái cũ" vẫn tồn tại quá nhiều. Mà khán giả hiện nay có rất nhiều hình thức giải trí để lựa chọn, chứ không phải giống như thời điểm của 20 năm trước.

Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đã phải thốt lên rằng: "Nếu không đổi mới, sân khấu sẽ chết". Thực tế, sân khấu kịch Hà Nội, đặc biệt là chính kịch dù chưa chết, nhưng đã "hấp hối" trong một khoảng thời gian dài do không chịu đổi mới. Sân khấu TP.Hồ Chí Minh năng động được một thời gian, nay cũng đang rơi vào thời kỳ trầm lắng. Và để cho nó "sống", tức là kéo được khán giả đến rạp, sân khấu buộc phải tự làm mới mình mỗi ngày, chứ không thể dừng lại.

Nhiều người cho rằng, khán giả Hà Nội ít chịu bỏ tiền để đi xem kịch, đặc biệt là kịch truyền thống. Thế nhưng, một số vở diễn của đạo diễn Doãn Hoàng Giang "làm mới" khi diễn tại Hà Nội lại luôn đông chật rạp mỗi đêm, dù đó là loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong số đó, những khán giả trẻ chiếm số lượng không nhỏ. Mặc cho những sản phẩm mà NSND Doãn Hoàng Giang mang lại cho công chúng, không thuần tuý là chèo, là tuồng theo quan niệm cũ, nhưng điểm quan trọng nhất nó đã mang lại cái mới cho khán giả và chính điều đó đã kéo khán giả đến rạp.

Không thể phủ nhận được sự trì trệ của sân khấu thủ đô khi số lượng vở diễn mỗi năm có thể đếm được trên đầu ngón tay và ngay những vở được dựng cũng không có nhiều cái mới mẻ. Một câu hỏi được đặt ra: Nếu không đổi mới, sân khấu sẽ "chết"? Câu trả lời: Có thể chưa tới mức "chết", nhưng tình trạng lay lắt, trì trệ còn kéo dài nếu không chịu thực sự đổi mới, không chịu "chiều" khán giả. 

                                                                                                                         Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng