Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Lê Lựu: Ngày 3 lưng cơm, 7 cữ thuốc
09:40 | 11/08/2016

Tác giả ‘Thời xa vắng’, ‘Sóng ở đáy sông’ đang sống những tháng ngày mà bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm, chuyện buồn quá khứ nhiều hơn hy vọng.

Nhà văn Lê Lựu: Ngày 3 lưng cơm, 7 cữ thuốc

Một ngày của Lê Lựu bắt đầu từ 5 - 6 giờ sáng. Bệnh tình khiến ông không ngủ được nên thức dậy sớm, rồi nhờ anh em, nhân viên trong cơ quan dìu dắt đi lại ngoài phố cho cứng chân. Khoảng 8 rưỡi sáng, ông đã hoàn thành bài tập đi và đã ăn sáng xong. Nhà văn nằm trên giường, có một bác sĩ quen đang chữa trị, nắn bóp chân tay cho ông. Lê Lựu bảo, mỗi ngày phải có người xoa bóp một tiếng, “không thì hai cái chân nó dính lấy nhau, không đi được”. Rồi ông kể: “Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… Tất cả là 14 bệnh”. Nhà văn cho biết, từ khoảng 2006, ông trở thành bệnh nhân thường xuyên của Viện quân y 108. Trong cái túi để ở đầu giường, đủ các thứ thuốc cho não, tim, thận... Mỗi ngày ông uống sáu, bảy đợt thuốc - sáng, chiều, tối - mỗi đợt lại uống hai loại cho các thứ bệnh khác nhau. Lê Lựu chữa Tây y, Đông y, Nam y, “có bệnh thì vái tứ phương, nghe ai mách gì thì tôi chữa nấy”.

Bữa thuốc, vì vậy, nhiều hơn bữa cơm trong cuộc sống thường nhật hiện tại của nhà văn. Mỗi ngày ông ăn ba bữa đều đặn để uống thuốc. Mỗi bữa được một lưng cơm. Đến thăm Lê Lựu trong những tháng ngày bệnh tật sẽ thấy hết sự đơn giản của một nhà văn nông dân. Bữa trưa của người bệnh có một tô canh rau dền, rau sống chấm nước sốt cà chua, bát cá kho và một bát cơm xới lưng. Ông lập cập ăn canh trước tiên, rồi đến rau sống, ăn hết từng thứ một rồi xếp bát không sang bên cạnh. Cơm và cá ông ăn sau cùng. Lê Lựu chan cơm với chút nước nước sốt còn lại chứ chưa vội ăn thức mặn. Mà để ăn hết lưng cơm, ông cũng chỉ xắn một chút trong bát cá kho.

DSC-2333-JPG-1367024948_500x0.jpg
Bữa cơm trưa của nhà văn Lê Lựu.

Bữa cơm, không phải cao sang, cũng không quá đạm bạc mà vừa chất. Lê Lựu cho biết, ông ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngon dở tùy vào tay của nhân viên bếp. Nhưng cái lối ăn dành ăn dè, rau cỏ trước còn miếng ngon thì phần về cuối, như Lê Lưu nói, là thói quen kiểu người nông dân không bỏ được của ông. Xong bữa, Lê Lựu bảo: “Tôi quê mùa dốt nát, cung cách nông dân quen rồi, trời cho thế nào thì sống thế ấy, không thể che giấu được. Bây giờ có lấy cuốc cuốc mặt tôi ra, đắp đất màu lên thì tôi cũng không ra cái con người sang trọng được”.

Nói thì vậy, nhưng khi chuẩn bị chụp ảnh, ông bảo: "Để vuốt lại cái tóc kẻo bù xù quá”. Khi một nhân viên định lấy chiếc áo mới cho ông thay, nhà văn khoát tay: "Áo mới mặc xấu lắm". Ông chọn một chiếc áo cũ mà ông cho là đẹp hơn và cảm thấy tự tin hơn.

Chạy chữa khắp nơi, thuốc thang tốn kém nhưng Lê Lựu nói, ông chưa đến nỗi phải nệ chuyện kinh tế, ông chữa bệnh ở viện thì có bảo hiểm, tiền chữa trị tư khoảng vài triệu một tháng thì có lương hưu và bạn bè anh em hỗ trợ. Gian phòng của ông nằm ngay trong trụ sở của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ở cuối con ngõ 319 Tam Trinh, Hà Nội, chỗ ở cũng là nơi làm việc.

Sống quen với bệnh tật, Lê Lựu không ỷ lại hay chờ ai giúp. Lúc cần đi vệ sinh, ông loạng choạng tự đứng lên rồi bám lấy những thanh sắt được thiết kế riêng trong phòng mình. Những lúc không có người dắt đi bộ bên ngoài, Lê Lựu cũng tự tập đi với hệ thống thanh bám đó. Ông bảo, chẳng ai phải dành thời gian cho mình. “Đang ngồi cần đứng lên, tiện có ai thì người đó dắt, các cháu ăn cơm thì bảo nấu hộ cho tôi cùng ăn. Nhân viên hai chục người, đi ra đi vào, ai cũng có thể giúp”.

DSC-2210-JPG-1367024948_500x0.jpg
Nhà văn Lê Lựu bám tường tập đi.

Đi lại khó khăn nhưng đầu óc Lê Lựu vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn. Ông vẫn chủ trì những cuộc họp của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, nơi ông thành lập và làm giám đốc từ năm 2002. Trong buổi họp, ông vẫn chăm chú nghe báo cáo, đánh giá rồi đưa ra định hướng bằng giọng khàn đặc trưng và đã có phần hơi ngọng vì bệnh tật.

Nhà văn vẫn làm việc nhưng thời gian này ông không viết văn. Lê Lựu khoe, từ năm 2010 đến nay, ông xuất bản 3 cuốn sách - "Thời loạn", "Ở quê ngày ấy" và "Gã dở hơi". Vừa qua đợt tai biến nên ông không viết sách, chỉ thi thoảng ngồi dậy cầm bút ghi chép một đôi điều. Hỏi ông định viết gì trong thời gian tới, nhà văn trả lời, nếu có viết, ông sẽ viết về bà vợ cũ.

Lê Lựu có hai người vợ - đều đã 'cũ' và đều để lại trong ông những nỗi oán giận đến bây giờ. Người vợ đầu ly hôn từ 40 năm trước. Người vợ sau ly thân nhiều năm nay và đang trong quá trình giải quyết ly hôn. Lần này, “vợ cũ” ông nói là bà vợ trước - người được gia đình sắp đặt cho Lê Lựu ở quê nhà Hưng Yên. Theo lời kể của nhà văn, ly hôn từ hơn 40 năm trước, rồi ông lên Hà Nội, người vợ ở quê đã âm thầm làm thủ tục đứng tên sổ đỏ ngôi nhà hương hỏa của ông, để đến giờ, ông muốn một chốn đi về thắp hương cho tổ tiên cũng khó. Trước nay, khi kể về người vợ này, Lê Lựu cứ ví với cô Tuyết - người vợ đầu của anh cu Sài trong tác phẩm "Thời xa vắng" nổi tiếng ông viết năm 1986. Người phụ nữ quê mùa, thô vụng, Giang Minh Sài không yêu nhưng cứ phải nhắm mắt sống chung vì sợ dư luận, sợ ảnh hưởng đến gia đình, đến thi đua cán bộ gương mẫu, để rồi kết quả là không bao giờ có được hạnh phúc, lận đận mãi mới có thể chia tay. “Cô Tuyết” thực của Lê Lựu, cũng bước ra khỏi cuộc đời ông, nhưng có lẽ để lại nhiều đau đớn hơn.

Không kể bệnh trên thân thể hay những lần tai biến, đây là cú giáng tinh thần mới nhất vào cuộc đời nhà văn nông dân. Cũng chính Lê Lựu, hai năm trước, từng ôm mặt khóc rưng rức, kể chuyện bị người vợ sau và con cái phụ tình. Họ sẵn sàng ký vào đơn từ bỏ ông, chỉ để có quyền bán ngôi nhà chung 50 m2 Lý Nam Đế mà ông xem như là kỷ niệm, Lê Lựu kể.

“Người như tôi, không đến nỗi hèn, mà suốt đời cứ bị vợ con chèn ép”. Những điều đó cứ thắc thỏm trở đi trở lại trong câu chuyện của nhà văn Lê Lựu, dù dường như ông không có ý định giải thích đến tận ngọn ngành vì sao mình bị đối xử như vậy. Hai chữ vợ con được ông nhắc đến với đầy nỗi đớn đau, chua chát. Ngoài 70 tuổi, 14 thứ bệnh trên người, hai đời vợ, ba người con, nhưng giờ đây, trong căn phòng nhỏ, một mình ông, chỉ tuổi tác và bệnh tật là còn đeo bám. Ruột thịt quay lưng ngoảnh mặt. Cuối cùng ông đành nhờ những người không phải là máu mủ.

DSC-2228-JPG-1367024948_500x0.jpg
Tác giả "Thời xa vắng" bên chiếc bàn viết lách trong phòng nhỏ của mình.

Lê Lựu là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sôngcũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát”.

Tự đánh giá về cuộc đời mình, ông nói: “Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”. Lê Lựu còn tự hào khi trong đời viết văn của mình, ông từng là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để “bắc nhịp cầu văn hóa”, vậy công danh cũng chẳng phải chuyện khiến ông đau đáu đến cuối đời. Rốt cuộc, ông mong mỏi điều gì? - “Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân”. Vốn dĩ, con người ta, đi mải miết, trải bao sóng gió rồi cũng muốn quay về quê hương, nguồn cội. Lê Lựu đến cuối đời vẫn đang đấu tranh cho sự trở về của mình.  

Theo VNexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng