Tạp chí Sông Hương -
Giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu”
08:07 | 15/08/2016

Chiều ngày 14/8, tại Nhà sách Phương Nam 15 Lê Lợi – Huế, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Hội nhà văn Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu”. Tham dự có đông đảo văn nghệ sĩ và bạn bè yêu mến thơ ca của nhà thơ Du Tử Lê. 

Giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu”
Nhà văn Hồ ĐăngThanh Ngọc- PCT LH các Hội VHNT, Tổng biên tập TCSH, CT Hội nhà văn TT Huế tặng hoa mừng nhà thơ Du Tử Lê trở về Huế

Du Tử Lê sinh năm 1942, làm thơ từ năm 1953 và đã có thơ in trên các báo thời đó ở Hà Nội. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai. Ông đã xuất bản trên 70 tác phẩm, trong đó các năm 2014, 2015, tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” và tập “Tùy bút chọn lọc” của Du Tử Lê đã xuất bản ở Việt Nam. Từ năm 1981 đến nay, ông có nhiều buổi thuyết trình tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc… Những năm 1990 về sau, thơ ông được một số trường đại học nước ngoài dùng để giảng dạy cho sinh viên. Du Tử Lê là 1 trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ XX có tác phẩm được chọn in trong tuyển tập “Thi ca thế giới từ thượng cổ tới hôm nay” (World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time” do W.W Norton New York ấn hành năm 1998).

Nhà thơ Du Tử Lê chia sẻ và giao lưu với bạn bè, những người yêu mến nhà thơ

 

Thơ ông có nhiều cách tân, rõ nhất là cách chấm, phết, gạch chéo cắt lìa nghĩa chữ, xô dạt thành những lớp nghĩa khác nhau, khiến nhiều khi câu thơ, đọc mỗi lần một khác.

Một điều thú vị là thơ Du Tử Lê được phổ nhạc rất nhiều, đến hàng trăm ca khúc. Các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Khang Thụy… đều có những nhạc phẩm hay phổ từ thơ Du Tử Lê. Một trong những nhạc phẩm nổi tiếng do nhạc sĩ Anh Bằng phổ thơ ông, “Khúc Thụy Du”, được xem là một trong những bản tình ca hay nhất.

Dịch giả Bửu ý tại buổi giao lưu

 

Ngoài ra, nhà thơ tài danh này còn vẽ tranh, chỉ riêng năm 2012, ông đã có 4 cuộc triển lãm cá nhân tại Houston, Seattle, Virginia, Atlanta (Mỹ).

Buổi giao lưu là nơi bạn bè, văn nghệ sĩ gặp lại nhau sau bao năm tháng chia xa. Dịch giả Bửu Ý xúc động “ Gặp lại Du Tử Lê là gặp lại bao nhiêu thời gian dồn ứ lại, gặp lại bao nhiêu hình bóng của Lê. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi tưởng chừng như không thể gặp nhau. Du Tử Lê trở về, để chúng tôi và Lê hồi tưởng lại những tháng năm xưa”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ tại buổi giao lưu

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đã từ Hà Nội về đây để gặp người bạn của mình, ông cũng đã chia sẻ “ Thơ Du Tử Lê mãi mãi trẻ, trẻ từ khi anh mới bắt đầu làm thơ cho đến tận bây giờ, Anh luôn giữ được sự ngạc nhiên trong con người mình, tâm hồn anh không khi nào già đi và anh cứ viết, viết mãi…”.

Nhà thơ Bửu Nam luôn mong muốn nhiều nghệ sĩ phương xa trở về vớiHuế, thăm Huế

 

Nhà thơ Du Tử Lê cũng đã chia sẻ đôi điều về Huế, nơi ông gặp được người bạn đời tuyệt vời của mình. “ Khi tôi trở về, Huế đã có thịt có da, khác với những gì trong tâm khảm của tôi nhưng những quá khứ, những kỷ niềm của tôi vẫn còn đó. Tôi may mắn đã đến với hai Huế trong đời, đó là Huế của tôi trước 1975 và Huế của chúng ta sau 1975”. Và đối với Du Tử Lê, tiếng Huế là một ngôn ngữ thơ mộng và đẹp, nếu mang chữ vào trang giấy vẫn có sự réo rắt của nó. Ngôn ngữ Huế rất phong phú và cần phải hiểu được âm ngữ của Huế.

Bạn bè và người hâm mộ nhà thơ Du Tử Lê được ký tặng sách. 

 

Nhà thơ Bửu Nam cũng chia sẻ " Sự nghiệp thơ ca của Du Tử Lê bắt đầu từ năm 16 tuổi cho đến nay đã 74 tuổi, với 56 năm đi đến tận cùng những nổ lực của thi ca, nổ lực của Du Tử Lê với những triết lý sâu sắc của cuộc đời. Và qua đây cũng mong muốn nhiều nghệ sĩ phương xa trở về với Huế hơn nữa để bạn bè và người yêu văn nghệ có thể giao lưu gặp gỡ và học hỏi với nhau nhiều hơn nữa"

 

PV

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng