Tạp chí Sông Hương -
Đề nghị bảo hộ tác quyền đến 75 năm
16:43 | 22/05/2009
Rất nhiều vấn đề được đưa ra trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có vấn đề bảo hộ quyền tác giả, trả thù lao... nhận được những luồng ý kiến trái chiều của các thành viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.
Đề nghị bảo hộ tác quyền đến 75 năm
Bìa một album nhạc Trịnh Công Sơn- Ảnh: SGGP

Sáng 22/5, Uỷ ban Pháp luật đã trình bày trước Quốc hội khoá XII Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
 
Sau hơn 2 năm thực hiện, Luật SHTT đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần sớm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Theo quy định của Luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng là 50 năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng dự kiến xác định các thời hạn này là 75 năm.

Qua thảo luận có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật tán thành quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng việc nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là cần thiết. Vì nếu Luật SHTT quy định thời hạn bảo hộ là 50 năm, trong khi các hiệp định song phương, đa phương mà VN là thành viên (Hiệp định thương mại VN - Hoa Kỳ...) lại quy định thời hạn bảo hộ là 75 năm thì thiệt thòi trước tiên sẽ là các tác giả và các nhà sản xuất VN.

Tuy nhiên có ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc việc sửa đổi thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ 50 năm lên 75 năm vì vấn đề này vừa được Quốc hội thảo luận, quyết định vào năm 2005. Hơn nữa, Công ước Berne và một số điều ước quốc tế đa phương mà VN là thành viên cũng xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là 50 năm.


Những rắc rối quanh vấn đề trả tác quyền các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng xảy ra có thể giải quyết bằng Luật SHTT.

Về một số vấn đề cụ thể khác như: các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26 và Điều 33); chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước (Điều 42), điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (Điều 154)... cũng đã được Uỷ ban Pháp luật tiến hành thẩm tra và cho ý kiến.

Đáng chú ý nhất trong số này là về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao vốn đã tạo nên nhiều tranh chấp trong thời gian qua. Đây cũng là vấn đề tạo ra 2 luồng ý kiến trong quá trình thảo luận.

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật là tổ chức phát sóng, sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 1 Điều 26) vì phù hợp với Điều 11bis Công ước Berne mà VN là thành viên và Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO. Quy định này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, khuyến khích động viên các nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo, sáng tác.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại đề nghị cân nhắc khi sửa Điều 26 và 33 vì theo quy định của dự thảo Luật sẽ làm ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng tác phẩm của số đông công chúng và chưa có sự phân biệt giữa việc sử dụng cho mục đích kinh doanh và công cộng.

Uỷ ban Pháp luật cũng đưa ra các kiến nghị về việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, về mức phạt, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền SHTT được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần được nghiên cứu làm rõ thêm vì sao phải có cơ chế riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT. Bởi vì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã có sự điều chỉnh về mức phạt tối đa đến 500 triệu đồng và về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cho phù hợp với thực tế. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được thảo luận ở tổ vào chiều thứ Hai, 25/5 tới trước khi thảo luận ở hội trường vào sáng 1/6.
 
                                                                                                        Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng