Dư luận gần đây lại nóng lên chuyện in lậu với vụ bắt giữ hơn 12 tấn sách lậu tại quận Thủ Đức, TPHCM. Hoan hỉ vì bắt được sách lậu nhưng rồi nhiều người lại buồn buồn về khâu xử lý.
Mức phạt hành chính, nếu áp theo quy định hiện hành, chỉ từ 10 - 15 triệu đồng, khác nào "gãi ngứa", không có tính răn đe đối tượng vi phạm.
Và, thế là, in lậu lại vẫn là câu chuyện "khổ lắm biết rồi nói mãi", nói mãi vẫn khổ, nhưng vẫn cứ phải nói...
Phát hiện nhiều nhưng xử lý chậm
Nếu điểm những vụ in lậu (hàng tấn sách) cỡ như vụ mới bắt giữ ở trên, chỉ dăm năm lại đây thôi, trong sổ tay phóng viên của tôi cũng có nhiều vụ.
Vụ in lậu lịch blốc tại cơ sở cắt xén Chí Đạt, Cty TNHH Hoàn Hảo (bảy xe vận tải nhẹ mới chở hết - năm 2002); vụ in lậu lịch blốc tại xí nghiệp in số 5 TPHCM (3.137 thùng lịch blốc trung màu, khoảng 15.000 lịch blốc trung màu chưa thành phẩm - năm 2004 làm điêu đứng giới làm lịch lúc đó); vụ in lậu kinh hoàng 6,8 triệu bản sách ở Cty in Thái Nguyên; vụ Dũng "béo" trú ở Thanh Xuân, Hà Nội (thu giữ gần 15 tấn sách)...
Tuy nhiên, giới xuất bản luôn tỏ ra thất vọng vì tiến độ xử lý các vụ vi phạm lớn. Có vụ, các cơ quan chức năng của ngành văn hóa phải liên tiếp gửi mấy công văn đề nghị, cơ quan công an mới ra quyết định khởi tố;
Có những vụ khởi tố một thời gian dài mà đến nay vẫn chưa thấy kết quả (vụ in lậu ở công ty In Thái Nguyên ). Có vụ đưa ra xét xử thì quá nhẹ (giám đốc xí nghiệp in số 5 và Dũng "béo" nhận án treo...).
Tóm lại, các vụ in lậu được xử lý hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, một số vụ "chìm xuồng"...
Bỏ sót chế tài lĩnh vực in ấn
Trong khi đó, luật pháp của chúng ta chưa nghiêm. Tại điều 271, Bộ Luật Hình sự chỉ đề cập đến các hành vi vi phạm các quy định về "xuất bản" và "xuất bản phẩm" mà thiếu lĩnh vực in.
Bộ Luật Hình sự mới chỉ nói đến in tiền giả, còn các hành vi vi phạm in khác thì không nhấn mạnh.
Mức trừng phạt cao nhất về hình sự đối với lĩnh vực xuất bản tối đa cũng chỉ một năm tù. Mức phạt hành chính trong hoạt động in lậu cao nhất chỉ là 30 triệu đồng - không thấm tháp so với số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng đồng thu lời bất chính của các đối tượng vi phạm.
Khâu quản lý cũng có nhiều bất cập. In lậu hiện nay phát sinh nhiều khi từ các cơ sở in bao bì và in các ấn phẩm khác không thuộc xuất bản phẩm.
Theo Luật Doanh nghiệp, khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở in, ngành Kế hoạch - Đầu tư phải thông báo, chuyển danh sách tới các ngành liên quan như Thông tin - truyền thông (trước đây là Văn hóa - Thông tin), Công an... Thế nhưng, ở không ít nơi, ngành Kế hoạch - đầu tư cứ cấp phép, đến lúc tội vạ thì các cơ quan quản lý nhà nước lãnh đủ.
Hiện nay, thủ đoạn in lậu ngày càng tinh vi. Sách mới ra, bằng công nghệ hiện đại, chỉ ba tiếng đồng hồ sau, đã có hàng nghìn cuốn sách lậu, có cuốn còn đẹp hơn sách thật!
Sách lậu ở Hà Nội và TPHCM được in và hoán đổi tiêu thụ cho nhau, hòng trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. In lậu một nơi, đóng xén một nơi, đến lúc bị bắt thì dễ bề lẩn trốn trách nhiệm. Điều này đòi hỏi ngày càng có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Toa thuốc mạnh
Tuần qua, một thông tin vui là Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an ký Thông tư liên tịch về phối hợp phòng, chống in lậu. Theo đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Cục Xuất bản, A25 và C13 (Bộ Công an) tổ chức lực lượng liên ngành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý các vi phạm trong hoạt động in trên phạm vi toàn quốc.
Tại các địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với công an cấp tỉnh (PA25, PC13) tổ chức lực lượng liên ngành để thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động in.
Lực lượng liên ngành, từ trung ương đến địa phương, phải phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động in.
Một thông tin vui tiếp theo là Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 47/2009/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan" (có hiệu lực từ ngày 30/6/2009).
Theo đó, hành vi in lậu sẽ bị phạt tiền nặng nhẹ tùy theo giá trị hàng hóa. Đối tượng vi phạm có thể bị phạt "sạt nghiệp", tới 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 500.000.000 đồng.
Với thông tư và "cây gậy" mới này, dư luận mong rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt và có hiệu quả. Nhưng về lâu dài, việc nhanh chóng nâng cao mức xử lý hình sự in lậu và thái độ nói "không" với sách lậu của người tiêu dùng, mới góp thêm phần ngăn chặn và giảm thiểu khổ nạn nhức nhối này.
Theo TP |