Tạp chí Sông Hương -
Liên kết để khai thác tour du lịch làng nghề
08:32 | 17/08/2016

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 88 làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có 69 làng nghề thủ công. Những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những nét văn hóa Huế, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch ở vùng đất Cố đô.

Liên kết để khai thác tour du lịch làng nghề
Du khách tham quan, tìm hiểu những sản phẩm nghề truyền thống của miền đất Cố đô. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN

Ðể bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Có 5 nhóm nghề và làng nghề truyền thống được tỉnh ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển, gồm: Đúc đồng; Sản xuất đồ gỗ cao cấp, mỹ nghệ; Thêu; Chế biến thực phẩm truyền thống và nghề may áo dài. Mỗi năm tỉnh đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các làng nghề, thiết kế mẫu, cung cấp thông tin thị trường, xử lý môi trường cho các làng nghề... 

 Cùng với việc bảo tồn, các ngành, địa phương ở Thừa Thiên - Huế còn phát triển các tour, tuyến du lịch làng nghề. Ngoài tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế thì du lịch làng nghề luôn tạo được sự hấp dẫn, mới lạ đối với du khách. Nhiều du khách đã tỏ ra vô cùng thích thú khi được những người thợ hướng dẫn các công đoạn chế tác sản phẩm nghề truyền thống, được người thợ nón lá Phú Cam (thành phố Huế) lưu tên, ảnh của họ vào chiếc nón bài thơ đem về làm kỷ niệm. 

Tour du lịch "Hương xưa làng cổ" đã làm sống lại một làng nghề gốm cổ hơn 500 năm tuổi ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền). Nơi đây từng nổi tiếng với các sản phẩm gia dụng tiêu thụ trong dân gian và đặc biệt là các cổ vật tinh xảo được dùng trong hoàng cung triều Nguyễn xưa. Từ khi tour du lịch này được hình thành, nghề gốm cổ Phước Tích đang dần hồi phục, minh chứng cho việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống cần gắn với du lịch bền vững. 

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất của các làng nghề ở Thừa Thiên - Huế để hình thành nên tour du lịch, chủ yếu các cơ sở tự phát làm du lịch hoặc du khách tự tìm đến. Điển hình là hiệu thêu Đức Thành (66 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế) của nghệ nhân Lê Văn Kinh. Nhiều năm qua, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã thêu hàng ngàn bức tranh về những thắng cảnh của Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ... với mong muốn giới thiệu cảnh đẹp của xứ Huế đến mọi người. Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện, ông đang hoàn thiện bộ tranh thêu "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư bằng gần 20 thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới.

Nhiều bức thêu trong số này được du khách đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản... đặt mua với số lượng lớn. Không ngày nào ở cửa hiệu của ông không có khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng... 

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt trên 15%; giá trị sản xuất của các làng nghề truyền thống và làng nghề tiểu thủ công nghiệp cũng chiếm gần 50% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Điều này cho thấy, sự phát triển ổn định của các làng nghề không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân mà còn làm phong phú thêm các địa chỉ trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Thực tế, không chỉ ở làng nghề mà nhiều nơi khác, tay nghề của một vài cá nhân đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Nếu có sự liên kết để vừa khai thác tốt hệ thống di tích cố đô Huế vừa kết hợp với tour du lịch làng nghề, điểm nghề, du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ khai thác tốt hơn thế mạnh vốn có của mình.

Theo Quốc Việt ( baotintuc.vn)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bánh Vu Lan (16/08/2016)