Tạp chí Sông Hương -
Bóng hình của những dòng tranh xưa
15:23 | 22/08/2016

Lần đầu tiên, “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”, trong đó có nhiều dòng tranh tưởng chừng chỉ còn tồn tại trong ký ức như tranh để cúng lễ, giải hạn, để thờ, phúng đám tang và thậm chí, để đốt cho người bệnh... đã có dịp hội ngộ tại triển lãm chuyên đề đặc biệt tại Hà Nội. Đây được xem là một hoạt động nhằm đánh thức và lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung và tranh dân gian Việt Nam nói riêng.

Bóng hình của những dòng tranh xưa
Tranh kính trong Cung đình Huế

Đánh thức tình yêu với hội họa dân gian

Hơn 200 bức tranh và hiện vật tại triển lãm chỉ là một phần trong số 800 bức tranh dân gian mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa góp nhặt từ nhiều năm qua. Một phần trong số đó là những bức tranh cũ được chị mua lại. Một phần khác được phục chế theo tư liệu đầu thế kỷ 20 mà người Pháp còn lưu giữ hoặc rập lại trên những bản khắc cổ được mua về.

Ngoài 2 dòng tranh mang phong vị Bắc bộ là Hàng Trống, Đông Hồ, có thể kể ra đây một số dòng tranh dân gian với những nét văn hóa đặc trưng khác nữa như tranh Đồ thế Nam bộ, tranh kính Nam bộ, tranh thờ miền núi, tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng… Khá nhiều trong số những dòng tranh được trưng bày tại triển lãm là “của hiếm”, bởi sự mai một theo thời gian.

Mỗi bức tranh đều có một câu chuyện của riêng mình. Mỗi dòng tranh đều thể hiện nhân sinh quan của người Việt xưa. Soi vào đó, thấy tư duy mỹ cảm, thấy hồn dân tộc. Ở đó, còn lưu lại cả một lịch sử tranh dân gian đã từng phát triển rực rỡ. Trong lần giới thiệu này, công chúng thủ đô có dịp thưởng lãm thứ trí tuệ dân gian đầy sắc màu này, những câu chuyện thăng trầm bên lề xung quanh việc bảo tồn và chấn hưng… Như tranh vải gói nổi tiếng một thời ở khắp Nam bộ được hình thành từ cuối thế kỷ 20. Bắt nguồn từ sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm trên những tấm trướng phúng viếng đám tang, tranh vải gói sau đó được nâng cấp thành một dòng tranh mới để phục vụ nhu cầu thị hiếu đa dạng, phổ biến nhất là tranh chân dung để thờ cúng. Bắt đầu từ khâu phác thảo vẽ nét, nền tranh vải gói được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thể chính của tranh như người, con vật hoặc cây cối… được dùng bông tạo hình, sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Hay như tranh Thập vật, một dòng tranh nghe khá lạ tai nhưng mấy ai biết những năm 1960 của thế kỷ trước loại tranh này phổ biến trong các chùa vùng Bắc bộ thể hiện nét tâm linh một thời của người Việt. Tranh được khắc rồi in nét đen trên giấy dó hay giấy bản, mang về khấn và đốt cho người đã khuất núi. Tranh thờ cúng miền núi cũng có nhiều chủ đề, có một số chủ đề giống nhau nhưng mỗi dân tộc lại chọn cho mình cách thể hiện riêng, biến đổi tùy theo tín ngưỡng của dân tộc mình. Tranh kính - loại tranh gắn với tín ngưỡng bản địa, thờ Mẫu Việt Nam cũng được tuyển chọn và giới thiệu trong dịp triển lãm lần này. Hình thức thờ thần độ mạng này xuất phát từ việc người dân cầu sức khỏe, bình an trong cuộc sống. So với các dòng tranh kính, dòng tranh kính Huế đặc trưng hơn cả bởi nét vẽ mộc mạc, màu thường sử dụng là màu nguyên bản không pha trộn...


Đám cưới chuột - Tranh dân gian Đông Hồ

Tiếp nối và trao truyền

Không chỉ giới thiệu, tôn vinh hội họa dân gian mà một trong những mục đích của bộ sưu tập đặc biệt hướng tới là nhằm nuôi dưỡng, khơi dậy tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống. Ban tổ chức chia sẻ, trong những ngày triển lãm, Bảo tàng Hà Nội mời các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Giáp, Lê Đình Nghiên và con trai Lê Hoàn... tham gia trình diễn quy trình làm tranh phục vụ công chúng tham quan.

Ở đó, người xem không chỉ tìm hiểu sự giống, khác nhau giữa các dòng tranh, mà còn cảm nhận được sức sống của nghệ thuật truyền thống đang lan tỏa, thể hiện qua sự trao truyền giữa các thế hệ. Như dòng tranh dân gian Hàng Trống lừng danh trong lịch sử mà nay, đầu thế kỷ 21 chỉ còn một nghệ nhân duy nhất là Lê Đình Nghiên, ông đã già và hưu trí nhiều năm rồi. Mấy năm nay, ông ngồi ở nhà vẽ luôn tay không hết việc vì các đơn đặt hàng liên miên. Nhu cầu về tranh Hàng Trống ngày càng tăng, thật sự đáng mừng nhưng nghệ nhân chỉ còn có mỗi một người. Có lúc, ông còn bị coi là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh đang đứng trước nguy cơ thất truyền này. Nhưng may mắn thay, tại triển lãm lần này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã yên tâm hơn khi có truyền nhân chính là Lê Hoàn - con trai ông. Sống với tranh Hàng Trống từ nhỏ, song tới giờ, Lê Hoàn mới cảm nhận, say mê, yêu thích mà nối nghiệp cha. Việc trưng bày ra mắt bức tranh “Tứ Phủ Công Đồng” có kích thước lớn nhất từ trước tới nay (1,4 x 1,8m) cũng là sự ra mắt đầy ý nghĩa của thế hệ kế tiếp của dòng tranh dân gian này.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ, bộ sưu tập tranh dân gian công phu này có được là do chị và cộng sự đã nhiều năm lang thang điền dã khắp mọi miền Nam - Bắc sưu tầm. Mỗi bức tranh, mỗi bản khắc được trưng bày tại đây đều ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị về thời hoàng kim đã qua. Việc đưa các bộ sưu tập đến với công chúng cũng là cách để bảo tồn kho di sản dân gian đang dần bị mai một. Triển lãm dự kiến kéo dài đến đầu năm 2017.

Theo Mai An - SGGP





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng