Điện ảnh Mỹ: được lòng công chúng
Sau nhiều ngày tẻ nhạt, Cannes cuối cùng cũng trở nên sôi động bởi Inglourious basterds của đạo diễn Mỹ Quentin Tarantino, một trong hai bộ phim Mỹ tranh giải Cành cọ vàng năm nay. Tại buổi chiếu ra mắt, khi bộ phim đến đoạn cao trào cuối cùng, rất nhiều nhà báo âm thầm đứng dậy nhanh chóng bỏ ra ngoài, không phải vì quá chán nản với bộ phim như thường xảy ra tại các buổi chiếu ở Cannes, mà họ đổ xô về phòng họp báo để chiếm được chỗ ngồi tốt nhất cho buổi họp báo ngay sau đó.
Tờ USA Today đánh giá “Quentin Tarantino "tái xâm lược" nước Pháp” với bộ phim mới của anh, trong khi tờ Variety nhận xét “với sự bất ngờ, hấp dẫn, khoa trương, táo bạo và cả trí tuệ, bộ phim là một hình ảnh văn hóa đại chúng Mỹ đậm gia vị châu Âu”.
Inglourious basterds được làm lại từ một phim B (dòng phim thương mại ít tiền chủ yếu nhắm vào các thể loại giật gân như kinh dị, viễn tưởng, hình sự bạo lực) có phần thoại đặc sắc, thông minh đúng "hơi hướm" của Quentin Tarantino, với phần mở đầu phim bằng lời giới thiệu "ngày xửa ngày xưa” để kể câu chuyện về một lịch sử… giả định trong thời Thế chiến thứ hai, khi một nhóm lính Mỹ gốc Do Thái đến Pháp để trừng trị bọn phát xít Đức và làm… thay đổi lịch sử!
Với sự hài hước của mình, Quentin Tarantino hoàn toàn chiếm cảm tình của giới báo chí. “Tôi không phải là một nhà làm phim Mỹ. Tôi làm phim cho hành tinh Trái đất và Cannes đại diện cho điều đó” - Quentin trả lời câu hỏi vì sao anh lại gấp rút hoàn thành bộ phim này cho
Cannes
trong khi mãi đến tháng 8 bộ phim mới ra mắt tại Mỹ.
Các đại diện khác của điện ảnh Mỹ cũng đem đến cho khán giả Cannes những niềm vui dễ chịu: bộ phim hoạt hình Up của Pixar mở màn LHP và sau đó đoạt giải Palm Dog, một giải bên lề LHP Cannes tôn vinh các diễn viên chó; Taking Woodstock của Lý An nhẹ nhàng, tình cảm, hài hước dù không được đánh giá cao về mặt chất lượng, The Imaginarium Of Doctor Parnassus - bộ phim cuối cùng của diễn viên Heath Ledger...
Châu Âu: gây sốc bằng những đề tài gây tranh cãi
Không như các đạo diễn Mỹ vốn bị "kiểm duyệt chặt chẽ" bởi các nhà sản xuất, các đại diện châu Âu không nao núng khi chạm thẳng vào các vấn đề bạo lực, tình dục và tôn giáo. Trong những ngày cuối cùng tại liên hoan phim,
Cannes
bị khuấy động bởi hai bộ phim đầy tính tranh cãi của đạo diễn Áo Michael Haneke với The white ribbon và đạo diễn Đan Mạch Lars von Trier với Antichrist.
Lars von Trier đã thực hiện cảnh mở đầu của Antichrist không chỉ để giới thiệu hai nhân vật chính với những xung đột phức tạp của họ, mà còn để tưởng nhớ đến những đạo diễn bậc thầy như Ingmar Bergman và Andrei Tarkovsky.
Tuy nhiên, các nhà bình luận phim đã phản ứng gay gắt với cách nhìn khinh thường phụ nữ và bạo lực xen lẫn tình dục táo bạo trong bộ phim này. Tràn ngập trong bộ phim - xoay quanh một đôi vợ chồng sau cái chết của đứa con đã cố tìm lại cân bằng cho cuộc sống bằng cách vào rừng - là những cảnh làm tình được mô tả chi tiết đến tỉ mỉ!
Nhà phê bình phim Roger Ebert nhận xét bộ phim “vượt quá sự ác tâm đến thành ghê tởm. Chưa từng có bao giờ một người đàn ông và một người phụ nữ nào phải chịu nhiều đau đớn đến thế trên phim ảnh”. Lars von Trier trả lời trong cuộc họp báo “Tôi không làm phim cho khán giả nào. Tôi làm phim cho chính mình”.
Không khoan nhượng giống Lars von Trier, Michael Haneke trả lời phỏng vấn của báo chí khi được hỏi bộ phim của ông mang ý nghĩa gì: “Nhiệm vụ của nghệ thuật là để gợi lên câu hỏi, chứ không phải cung cấp câu trả lời. Nếu bạn muốn có một câu trả lời rõ ràng thì tôi xin phép bỏ qua”.
The White Ribbon của Michael đang được đánh giá là một trong những phim chất lượng nhất tại
Cannes
năm nay khi chạm đến vấn đề nguồn gốc chủ nghĩa phát xít. “Nếu như người ta muốn đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối thì lúc đó họ bắt đầu mất nhân tính. Đó là nguồn gốc của mọi loại khủng bố”. Bộ phim trắng đen không âm nhạc này mở đầu với những chuỗi sự kiện bí ẩn trong một ngôi làng trước Thế chiến thứ nhất, sau đó bọn trẻ con bắt đầu hành xử kỳ lạ, một số đứa trẻ bỗng nhiên bị mất tích được tìm thấy trong tình trạng bị tra tấn dã man…
Châu Á: Thấm đẫm bạo lực, ngập ngụa sex
Bức chân dung điện ảnh châu Á tại
Cannes
năm nay thấm đẫm bạo lực nhưng không được đánh giá cao từ các nhà phê bình. Một Kinatay của đạo diễn người Phillipines Mendoza khiến khán giả và giới phê bình phim la ó phản đối bởi những hình ảnh một phụ nữ bị tra tấn dã man tàn bạo vởi một viên cảnh sát.
Đạo diễn Hong Kong Đỗ Kỳ Phong với phong cách phim B xã hội đen bạo lực đến với Cannes bằng bộ phim Vengeance đầy rẫy những cảnh bắn súng chết chóc cũ kỹ. Trong Thirst của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook, vốn nổi tiếng với bộ phim bạo lực loạn luân Oldboy tại Cannes 2003, một cha xứ Công giáo biến thành ma cà rồng và chặt cổ chân nạn nhân của mình, treo lên trong phòng tắm để cho khô máu! Không chỉ có bạo lực, Thirst còn nổi tiếng với những cảnh sex gây tranh cãi bởi chạm vào vấn đề tôn giáo.
Đạo diễn Lưu Vệ của Trung Hoa, từng nổi tiếng với bộ phim đầy những cảnh mây mưa Cung điện mua hè tại Cannes 2006 khiến chính phủ Trung Quốc cấm làm phim trong một thời gian, đem đến bộ phim Spring Fever (lén thực hiện vì anh vẫn còn trong thời gian bị cấm làm phim) với cảnh ái ân của những nhân vật đồng tính nam.
Và những bộ phim trong sáng
Cannes 2009 không chỉ có bạo lực và tình dục. Đạo diễn Anh Ken Loach đem đến một phim trong sáng vui vẻ với diễn xuất của cầu thủ bóng đá Eric Cantona trong vai chính anh! Looking for Eric xoay quanh một viên bưu tá tìm kiếm sự giúp đỡ từ thần tượng bóng đá của mình khi cậu con trai của anh dính dáng đến băng đảng xã hội đen. Đoạn kết có hậu khiến Looking for Eric được nhiều khán giả tại
Cannes
ưu ái.
Nữ đạo diễn hiếm hoi Jane Campion quay trở lại với điện ảnh sau năm năm kể từ bộ phim cuối cùng cô thực hiện In the cut với Bright star, xoay quanh chuyện tình yêu của nhà thơ người Anh John Keats và cô thợ may Fanny Brawne. Nổi tiếng với những cảnh ái ân táo bạo trong The Piano, nhưng Jane Campion không cần dùng đến sex để thể hiện tình yêu cháy bỏng của đôi uyên ương trong bộ phim của mình!
Được bàn tán khá nhiều tại
Cannes
năm nay còn có The time that remains, bộ phim mang đầy những câu chuyện cá nhân của đạo diễn Ả Rập - Israel Elia Suleiman. Dựa theo cuốn nhật ký của cha ông, bằng giọng kể hài hước, Elia gợi mở cái nhìn của một người đàn ông về thế sự khi Israel thiết lập chính quyền trên đất Ả Rập trong những năm 1940, gán cho những người Palestine không chịu rời bỏ đất tổ tên gọi “người Ả Rập- Israel”, biến họ thành người thiểu số ngay trên đất mẹ.
Trong hai tuần, Cannes đã thực sự làm được điều mà Quentin Tarantino cảm kích nhất: “Không nơi nào trên thế giới như
Cannes
dành cho những nhà làm phim của Trái đất này. Một trong những điều tuyệt vời nhất ở
Cannes
chính là suốt thời gian ở đây điện ảnh được quan tâm. Điều đó rất quan trọng. Ngay cả chuyện người ta la ó phản đối…”.
Theo TTO |