Tạp chí Sông Hương -
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý: "Nhà phê bình không nên ăn sẵn người đọc"
23:50 | 24/05/2009
Tôi cảm nhận nhà phê bình Đỗ Lai Thuý, qua tiếp xúc và nhất là qua những công trình của ông, vẫn luôn giữ vẻ khiêm nhường và tự tin kín đáo của một người cầu thị văn hoá, một người đọc lặng lẽ và say mê.
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý:
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý.

Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học, và là một trong những người đầu tiên bị hấp dẫn bởi hệ thống phê bình học thuật phương Tây hiện đại vào Việt Nam sau đổi mới, tôi được gặp ông nhân dịp ông vừa ra mắt cuốn sách mới "Bút pháp của ham muốn" (Phê bình phân tâm học) (NXB Tri Thức, 2009), xoay quanh trục chính là "phê bình văn chương" - dẫu cụm từ này có lẽ đã làm bạn đọc (Việt Nam) mệt mỏi. 

"Thời sự là đem lại những cách đọc mới"

Trước hết, xin được hỏi ông, ông đến với nghề phê bình như thế nào? Có những trở ngại nào không?

- Tôi đến với phê bình không có chủ tâm từ đầu. Dù từng là học sinh giỏi văn của miền Bắc, nhưng tôi lại vào Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, khoa Tiếng Nga. Tốt nghiệp đại học, tôi đi bộ đội suốt 10 năm rồi mới về nhà xuất bản Ngoại văn (nay là NXB Thế giới) hơn chục năm, rồi về Tạp chí Văn hoá nghệ thuật cho đến nay...
 
Thực ra, có một câu chuyện dài của sự tiếp xúc với văn hoá văn học nước ngoài qua sách tiếng Nga, tiếng Pháp, qua quá trình làm việc và không hiếm gian nan để tôi đến được với phê bình như hiện nay. Người ta vẫn nghĩ tôi như một kẻ ngoại đạo đến với văn chương, nhưng ít ai nghĩ rằng, ở ta, trong một thời điểm nào đó, ngoại đạo (con đường ngoài lề) lại dễ đến với văn chương đích thực hơn chính đạo, vấn đề là phải học hỏi rất nhiều, đọc sách rất nhiều, trải nghiệm nhiều.  Ngay cả những va vấp cũng có ý nghĩa, quan trọng là mình biết được mình đam mê gì...

Người làm phê bình thường được hình dung như một kẻ xông xáo. Ông lại có vẻ là một người làm việc lặng lẽ,  ít xuất hiện ở các cuộc tranh luận, những buổi trò chuyện. Quan niệm của ông về người làm phê bình như thế nào - có thể coi ông là hình ảnh của một nhà phê bình lý thuyết?

- Hiện tại, tôi vẫn phải tạm phân chia phê bình thành hai nhóm: phê bình báo chí và phê bình học thuật. Mỗi loại đều có chức năng và vai trò riêng. Phê bình học thuật có điều kiện tiếp cận sâu tác phẩm, phê bình báo chí lại có khả năng tạo dư luận, gây ra những đợt sóng về thị hiếu đọc.

Ở nước ta, phê bình học thuật ít người làm, còn phê bình báo chí thì đáng tiếc là vẫn đang trong hệ hình cũ. Trong hoàn cảnh nước mình chưa có nhiều công trình chuyên biệt về lý thuyết, tôi cũng đã làm cả việc giới thiệu lý thuyết, nhưng tôi không bao giờ nhận mình là người nghiên cứu chuyên sâu các lý thuyết đó - lẽ ra phải có các chuyên gia để có thể hỗ trợ nhiều hơn việc này.

Làm phê bình học thuật, có lẽ, tôi đã đi từ trực cảm văn chương và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các lý thuyết trong quá trình tiếp cận, chứ không phải đi từ một lý thuyết và tìm dẫn chứng Việt Nam minh hoạ thêm cho lý thuyết đó. Đóng góp lý thuyết mà ta có thể làm được là buộc một lý thuyết nào đó phải bổ sung, điều chỉnh. Thực tế ở nước ta, cũng chưa ai nghĩ ra một lý thuyết nào. Ngay việc theo đuổi phê bình phân tâm học, tôi cũng chỉ là một "nhà phân tâm" tình cờ.

Tôi cũng không có ý sử dụng phân tâm là phương pháp duy nhất. Tôi chỉ muốn xây dựng nó một cách có hệ thống. Khi tôi viết về Hồ Xuân Hương, quả tình, vì điều kiện sách vở, tôi cũng không được tiếp xúc nhiều với phân tâm học, và cũng chưa đọc Jung nhiều.

Phê bình học thuật tuy lặng lẽ nhưng không phải không có tính thời sự. Có lẽ, phải hiểu từ "thời sự" theo nghĩa rộng hơn, không chỉ gắn với tác phẩm, sự kiện văn học đương thời, mà còn có thể khám phá những hiện tượng quá khứ, tưởng đã nhẵn mặt, bằng một cái nhìn mới, đem lại một cách đọc mới. Thời sự, là đem lại những cách đọc mới cập nhật với đời sống văn hoá tư tưởng đang diễn tiến trên thế giới. Mọi người hay sợ lý thuyết, nhưng đó là thứ lý thuyết áp đặt, minh hoạ. Sử dụng nó thế nào lại là do sự nhạy cảm, thôi thúc của người làm.

"Phê bình học thuật có thể phải chống lại người đọc"

Thực tế thì bạn đọc cũng đã bớt quan tâm đến các nhà phê bình ở Việt nói gì, bởi cảm giác "hoài nghi". Người đọc ở đây tính bao gồm cả nhà văn và độc giả. Họ "sợ", xa cách, dè chừng... phê bình. Ông có thấy mình cũng có khoảng cách như vậy với người đọc không?

- Thực ra, ở thời đại nào cũng có những người viết không chịu được người phê bình. Mối quan hệ nhà văn - người phê bình - độc giả vốn "nhiều mặt". Độc giả có thể ở hai trạng thái: Hoặc sợ - vì họ xâm lấn vào cảm thụ tự nhiên, sợ họ lý thuyết, hàn lâm...; hoặc khinh - vì nghĩ rằng người làm phê bình không biết gì về quá trình sáng tác của nhà văn. Thành kiến đó cũng bao hàm cả sự tự ti và chưa chuyên nghiệp.

Ở phương Tây, có những người chỉ làm lý thuyết thôi, và các nhà văn rất tích cực đọc họ. Mỗi người có chức năng xã hội của mình. Nhưng có lẽ, trước tiên, nhà phê bình phải tự chịu "lỗi" về những thành kiến đó: nếu phê bình lý thuyết chung chung, khô khan thì không đến được với người đọc, nếu phê bình khen chê thì người đọc cũng thừa thông minh để biết.

Và người đọc sợ hay khinh người làm phê bình, thì đó chính là bởi hệ hình phê bình đã cũ: luôn luôn phải đặt mục tiêu phát hiện ra chủ ý tác giả, mà lại chỉ có một chủ ý đúng, tìm cách áp đặt quan điểm của mình. Phê bình áp đặt bất lợi cho cả người sáng tác và người đọc.

Tôi quan niệm người làm phê bình đồng hành cùng người đọc, nghĩa là, họ như những người bạn khoác tay nhau phiêu lãng trong thế giới văn chương, vậy thôi. Tôi cũng tìm kiếm một thứ "ngôn ngữ" phê bình của riêng mình, để nó vừa không rơi vào lý thuyết suông, và cũng không trở thành một thứ bột nhão.

Mặc dù những tác phẩm của ông bộc lộ rất rõ sự tìm kiếm một ngôn ngữ phê bình vừa khoa học vừa gợi cảm, tiến gần đến văn chương, nhưng có khi nào ông thấy mình "điệu đà" "làm dáng" và làm cho bình luận trở nên rối rắm, bị mờ nhoè như một số người nhận xét?

- Câu trả lời này nối tiếp ý trên kia, tôi nói người phê bình phải tìm ngôn ngữ của mình. Một đặc điểm của ngôn ngữ phê bình hiện nay - dễ làm cho bạn đọc chán, là nó đơn nghĩa và có tính độc thoại. Nó không làm cho người đọc muốn đọc lại lần hai. Tôi rất ngưỡng mộ Bachelard, một nhà khoa học luận Pháp, ông ấy viết phê bình như một thứ sáng tác.

Ở đây phải hiểu "phê bình đến gần đến văn chương" theo nghĩa là: ngôn ngữ phê bình cũng phải dấp dính nhiều nghĩa gợi mở, và nó có độ sâu của trải nghiệm, chứ không phải chỉ là một thứ khoa học trơn trụi. Tôi thường nói phê bình là con vật lưỡng thê, vừa khoa học vừa nghệ thuật là vậy! Còn "điệu đà" "làm dáng" thì không phải văn. Tôi rất ghét kiểu làm văn học trò này.

Chúng ta đã nói quá nhiều về những vấn đề to tát như "sự khủng hoảng phê bình", "thiếu lý thuyết", nhưng để nói một cách ngắn gọn, ông thấy phê bình ở Việt Nam hiện nay thiếu gì, cần làm gì ngay?

- Cái rõ nhất là thiếu phê bình học thuật trong khi phê bình báo chí thì hơi ồn ào. Muốn "bắt kịp" thế giới, rõ ràng phải tiến hành bổ sung những mảng thiếu thốn ở nước mình, và cách tốt nhất là chia nhau để cùng làm. Nhiều nơi có điều kiện, có tiềm năng làm những việc cụ thể này:

Thứ nhất là tiến hành giới thiệu lý thuyết, tổ chức dịch có hệ thống các công trình của nước ngoài theo từng mảng; thứ hai là trong việc đào tạo, sinh viên, nghiên cứu sinh của các trường đại học có thể tham gia đóng góp về nghiên cứu tư liệu, thay cho việc nói đi nói lại những điều đã nói mãi. Nếu chung sức làm và có sự tổ chức của những nơi có tiếng nói quan trọng như các viện, các trường...., trong vòng 10 năm chúng ta có thể bổ sung những lồi lõm hiện nay về mặt bằng học thuật.

Thực tế thì lý thuyết cũng chưa cứu vãn được gì nhiều, nhưng ít nhất nó cũng gợi ý, chỉ đường, tăng thêm những chiều kích suy tư cho người đọc. Hiện nay, người làm phê bình học thuật có thể phải vừa phục vụ người đọc vừa chống lại người đọc, hay đúng hơn phục vụ bằng sự chống lại.

Vậy ông có bao giờ hình dung về người đọc của mình không? Ông đã chống lại người đọc như thế nào?

- Có chứ. Nguời đọc của tôi trước hết là những người trẻ, thích tìm đến một cái nhìn khác trong văn chương. Tôi đã được biết những người đọc cụ thể, có các phản ứng cụ thể và họ ở những ngành nghề khác nhau, thậm chí họ làm việc ở những ngành không liên quan đến văn chương.

Tôi viết chủ yếu cho những người đọc này. Tuy nhiên, nhà phê bình, cũng như mọi nhà khác, không nên ăn sẵn người đọc, mà phải biết tạo dựng người đọc cho mình, người đọc của mình. Làm sao cho người đọc bỏ cách đọc cũ, đến với những cách đọc mới. Tôi nói "chống lại" là theo nghĩa này. Nhưng, người đọc cũng là một thứ khách hàng - thượng đế, họ có quyền đến rồi lại đi. Cái khó nhất của người sản xuất hàng thẩm mỹ là khiến họ đến và không đi...

Là một người đi trước, ông có kỳ vọng gì vào những người trẻ?

- Tôi vẫn bị coi là một người làm nghề tay ngang... tuy nhiên, tôi rất quan tâm và gần các bạn trẻ. Tôi nghĩ đã có những người trẻ tài năng, nhất là ở thế hệ 8x. Ở những người này, tôi thấy họ có nhiều ưu thế: thứ nhất, họ là thế hệ được lựa chọn, có nhiều điều để chọn và họ đã chọn văn chương; thứ 2: họ sống trong một môi trường văn hoá đa dạng hiện nay và không bị trói buộc vào nhiều thành kiến; thứ 3: họ có ngoại ngữ tốt; thứ 4, và quan trọng hơn cả, là họ... trẻ.

***

Tôi mong một cuộc trò chuyện này giúp người đọc "gần" ông hơn, chia sẻ hơn với những gì ông đã làm - một cách tương đối hệ thống -  trong một hành trình dài. Văn chương ông chứa đựng một vốn đọc phong phú và bền bỉ, đằng sau là một hành trình tự học, cả trong những va chạm, để thành "một người đọc vì nghiệp" - danh từ tôi thích dùng hơn cả với ông.

                                                                                                                        Theo LĐCT

Các bài mới
Các bài đã đăng