Tạp chí Sông Hương -
Cổ vật kỳ sự: Chiếc lư đồng linh thiêng
08:29 | 01/09/2016

Trước khi cho phóng viên Thanh Niên chụp ảnh chiếc lư đồng, ông Hà Xuân Út, Trưởng làng La Chữ (P.Hương Chữ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) phải thắp hương xin phép Thành hoàng, bởi chiếc lư được cho là bảo vật rất thiêng của làng.

Cổ vật kỳ sự: Chiếc lư đồng linh thiêng
Ông Hà Xuân Út giới thiệu chiếc lư đồng linh thiêng
Làng La Chữ nằm cách trung tâm TP.Huế khoảng 7 km về phía tây bắc, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Theo các bô lão trong làng, danh tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng lấy bà Lê Thị Vi là con gái thuộc dòng họ Lê của làng La Chữ. Làng có nhiều đóng góp cho triều Tây Sơn, bên cạnh đó, võ tướng Võ Văn Dũng cũng là người con rể có nhiều công lao với làng, được dân yêu quý. Sau khi triều Tây Sơn định đô ở Phú Xuân đã cho xây dựng tại làng La Chữ một dinh trấn lớn do võ tướng Võ Văn Dũng trấn thủ. Thời điểm này, làng La Chữ có mua 40 sào ruộng của làng An Đô bên cạnh. Sau khi triều Tây Sơn đặt dinh trấn tại đây, làng đã hiến toàn bộ 40 sào ruộng đó cho triều đình để làm bãi luyện voi. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chính là người phụ trách việc huấn luyện voi chiến tại đây. Đến nay bãi luyện voi vẫn còn dấu tích, với những vũng voi nằm lún sâu xuống đồng ruộng.

Đình làng La Chữ hiện nay rất khang trang, mặt quay về hướng bắc, bên đình là chợ và trước mặt có dòng kênh chạy dài quanh năm không bao giờ cạn. Theo các bô lão trong làng, do đình làng được đặt ở vị trí có phong thủy tốt nên từ trước tới nay có nhiều con dân trong làng học hành đỗ đạt. Làng La Chữ hiện tại có tỷ lệ con em đậu đại học và thành đạt cao nhất trong tỉnh. Do đó dân làng rất sùng kính ngôi đình và những hiện vật thờ trong đình.

Ông Lê Đình Kế, 85 tuổi, một bô lão trong làng cho biết, ngôi đình làng này được xây dựng lại sau khi đình làng cũ bị cháy. Theo ông, đình làng trước đây có lẽ được xây dựng vào thời Tây Sơn. Vào thời ấy, đình làng rất to lớn. Trong ký ức của ông, ngôi đình làng cũ có tới 5 gian, với hàng trăm chiếc cột gỗ mít nài lớn đến mức 2, 3 người ôm không xuể. Bộ lư đồng nặng khoảng 20 kg đặt trên bàn thờ của đình hiện nay đã từng hiện diện trong ngôi đình cũ và chứng kiến rất nhiều hoạt động hội họp, tế lễ của dân làng.
 
 
Chuông quý làng La Chữ
Hiện ở chùa làng La Chữ còn lưu giữ quả chuông đồng cao 0,92 m, đường kính miệng chuông 1,78 m, được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do vợ chồng Điện tiền Thái bảo Ngự giá Quận công Võ Văn Dũng cùng với nhạc phụ (bố vợ) là ông Lê Công Học đứng ra làm hội chủ cúng dường. Trong chùa làng vẫn còn bài vị thờ vị nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân.
 

Thời Pháp thuộc, do chiến tranh, ngôi đình làng đã bị đốt cháy. “Khi đó, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ ngôi đình cháy cả tháng trời thì toàn bộ các cột gỗ mới bị thiêu rụi”, ông Kê nhớ lại. Dân làng đã xông vào lửa khói chuyển những đồ thờ cúng, văn bản, sắc phong, hương ước… ra khỏi đình, trong đó có bộ lư đồng trên. Năm 1957, dân làng góp tiền xây dựng lại ngôi đình làng như hiện tại theo phong cách truyền thống nhưng bằng bê tông, cốt thép. Các hiện vật như hương án bằng gỗ quý, đồ thờ tự được đưa về lại đình làng. Bộ lư đồng cũng được đặt trang trọng trong ngôi đình mới.

Đến khoảng những năm 1980, địa phương rộ lên nạn lấy cắp các vật dụng đồ đồng để bán. Kẻ gian đã đột nhập vào đình làng và lấy cắp bộ lư đồng đem ra bán ở chợ trời Tây Lộc, một chợ đồ cũ ở Huế, nơi có rất nhiều đồ do kẻ gian đánh cắp đem bán.

Một người dân ở đường Phan Chu Trinh, thuộc P.An Cựu (TP.Huế) đã mua bộ lư về đặt lên bàn thờ nhà mình. Kỳ lạ thay, từ khi mua bộ lư về, người này bị bệnh nặng, chữa mãi không khỏi. Một lần, ông nằm mơ thấy có vị thần mang cân đai áo mão uy nghi, đến xưng là Thành hoàng của làng La Chữ đòi bộ lư đồng. Tỉnh dậy, ông giật mình nghi ngờ bộ lư đồng mà ông mua ở chợ trời có thể là của đình làng La Chữ nên đã cất công đến tận nơi dò hỏi. Sau khi biết chính xác đình làng có mất bộ lư đồng, theo mô tả đúng như bộ lư mà ông mua nên ông đề nghị làng La Chữ đến nhà ông nhận lại.

Thế là làng La Chữ đã cử 2 vị bô lão vào Huế chuộc lại bộ lư đồng với giá 300.000 đồng, một số tiền rất lớn thời điểm đó. “Không biết sự việc linh thiêng hay là sự trùng hợp hy hữu mà sau khi đưa bộ lư đồng về lại đình làng, người chủ nhân mua nhầm đồ ăn cắp liền hết bệnh”, ông Kế kể.

Từ đó đến nay, bộ lư đồng này vẫn được đặt trên bàn thờ chính gian giữa của đình làng. Người dân làng coi đây là vật thiêng, khi đi ngang trước bàn thờ phải cúi thấp người và muốn xin điều gì đều phải thắp hương khấn vái trước chiếc lư. Cũng sau sự kiện này, không một kẻ gian nào dám bén mảng đến trộm đồ của đình làng La Chữ.

Theo Bùi Ngọc Long - TNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng